Mặc dù "Ngày thơ Việt Nam" năm nay bị huỷ do dịch Covid-19 nhưng để đảm bảo tinh thần lễ hội của thơ ca không đứt đoạn, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã kêu gọi các nhà thơ có thể tự tạo ra Ngày thơ theo cách riêng trên mạng xã hội.
Theo thông lệ hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và trên nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định dừng việc tổ chức "Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVIII" năm 2021 với chủ đề “Tổ quốc và Mẹ”, tập trung cho các tác phẩm thơ ca ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng; đồng thời, ca ngợi và tôn vinh những tác phẩm viết về người Mẹ Việt Nam anh dũng, kiên cường.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn gửi Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, TP và Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trong cả nước thông báo việc hoãn Ngày Thơ Việt Nam tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các tỉnh, thành trong cả nước sẽ phụ thuộc vào tình hình của địa phương mà quyết định tổ chức hay không; nếu tổ chức phải thực hiện theo hình thức an toàn nhất.
Đây là năm thứ 2 sự kiện "Ngày Thơ Việt Nam" phải hoãn do dịch bệnh. Trước đó, vào năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam cũng phải hoãn tổ chức Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Đồng hành cùng đất nước” do tác động của đại dịch Covid-19.
Không khí sinh hoạt thơ ca đầu năm vì thế trầm lắng hơn, nhiều người yêu thơ và quan tâm đến đời sống văn học không khỏi có những hụt hẫng khi thiếu vắng đi một lễ hội thường niên đã có mặt gần hai thập kỷ qua. Nhà văn Nguyễn Quang Thiếu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết có nhiều ý kiến đề xuất tổ chức trực tuyến Ngày Thơ Việt Nam, các liên hoan thơ của các nước khác cũng đã lần lượt tổ chức liên hoan thơ trực tuyến. Tuy nhiên, Ban chấp hành Hội thống nhất không tổ chức vội vã mà muốn chuẩn bị kỹ lưỡng để sự kiện Ngày thơ Việt Nam diễn ra với một tinh thần đổi mới hơn, quy mô hơn.
"Rất nhiều sự kiện khác, hoạt động khác trong một quốc gia cũng như hầu hết trên thế giới đều phải ngừng trệ, phải chuyển đổi cách thức sinh hoạt của mình. Ngày thơ Việt Nam năm ngoái đúng dịp Covid-19. Năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị cho Ngày thơ tiếp theo sau một năm hoãn dừng lại thì lại Covid. Và như thế mọi việc vô cùng khó khăn. Có những người đề xuất chúng tôi làm trực tuyến, nhưng chúng tôi không muốn làm trực tuyến một cách vội vã.
Chúng tôi muốn chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản, kỹ thuật để nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, "Ngày thơ Việt Nam" vào năm tới sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên chúng tôi vẫn hy vọng dịch sớm được dập và chúng ta có thể tổ chức lại Văn Miếu hoặc những nơi khác như những năm trước kia...", nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Mặc dù sự kiện năm nay không diễn ra nhưng tinh thần thơ ca vẫn lan tỏa trong đời sống của những người yêu thơ và độc giả. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Tuy không tổ chức tại một không gian cụ thể nhưng tinh thần yêu thơ ca vẫn vang lên trong lòng người. Cả những người làm thơ và những người yêu thơ, ai cũng nghĩ đến Ngày thơ, nghĩ những điều về thơ ca, về cuộc sống trong dịp này thì tôi cho đấy cũng là cách thức để khẳng định Ngày thơ đã đi vào trong ký ức, trong đời sống thường nhật, trong văn hóa".
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng kêu gọi những nhà thơ vào đúng ngày Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng thì livestream đọc thơ, đăng tải những bài thơ lên mạng xã hội như một cách sẻ chia, lan toả tinh thần yêu thơ ca, đảm bảo tinh thần lễ hội của thơ ca không đứt đoạn cũng như làm cho những người yêu thơ cảm thấy ấm lòng hơn.
Ông chia sẻ: "Tôi biết có một số nhóm các nhà thơ sẽ tổ chức sinh hoạt thơ trong Ngày thơ truyền thống. Riêng cá nhân tôi chỉ xin đề nghị tất cả những nhà thơ - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có dùng Facebook, zalo… hãy làm một điều gì đó trong Ngày Thơ như bàn về thơ, bình thơ, đăng thơ, đăng clip đọc thơ hoặc livestream hoạt động thơ của cá nhân mình hoặc nhóm của mình. Về phần mình, tôi sẽ đọc một số bài thơ và sẽ đưa lên Facebook. Hy vọng Ngày Thơ cho dù không thực hiện được nhưng tinh thần thơ ca vẫn lan tỏa trong đời sống thường nhật của con người”.
Được biết, sáng 26/2, tại trụ sở báo Nhân Dân đã diễn ra toạ đàm đọc thơ, giao lưu về thơ và được livestream với sự góp mặt của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà báo - nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân và một số nhà thơ trẻ. Cuộc đàm đạo thơ ở quy mô nhỏ, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh vừa trở thành diễn đàn để các nhà thơ có thể bàn về thi ca trong ngày Rằm tháng Giêng.
(Nguồn: VOV.VN)