Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi sẽ triển khai trên toàn quốc từ đầu tháng 11 tới theo hình thức cuốn chiếu và có lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp. Vì vậy, các địa phương cần lập danh sách trẻ, bao gồm cả trẻ lang thang cơ nhỡ, không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian tiêm chủng.
Nhằm thống nhất công tác triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, với mục tiêu đảm bảo tiêm chủng an toàn, chiều 29/10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai chiến dịch.
Tại hội nghị, bà Dương Thị Hồng cho biết, vaccine Pfizer và Moderna đã được Bộ Y tế phê duyệt có chỉ định tiêm cho đối tượng từ 12-17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy, tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi này có hiệu quả phòng bệnh tương tự ở người lớn và người cao tuổi. Vaccine Pfizer sử dụng cho trẻ trong độ tuổi này cùng loại vaccine sử dụng cho người lớn, cùng hàm lượng, với 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp, lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi sẽ triển khai trên toàn quốc từ đầu tháng 11 tới theo hình thức cuốn chiếu và có lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi).
Về kế hoạch triển khai, đối với trẻ đi học, Bộ Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương lập danh sách các trường học trên địa bàn bao gồm trại giáo dưỡng, trung tâm bảo trợ xã hội, có trẻ trong độ tuổi 12-17; chỉ đạo nhà trường lập danh sách theo lớp, bao gồm tất cả học sinh trong lớp.
Đối với trẻ không đi học, cán bộ y tế phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách các khu dân cư, khu công nghiệp, cụm cư dân giáp ranh. Lập danh sách trẻ trong cộng đồng theo thôn, bản, đưa vào danh sách cả trẻ vãng lai, trẻ cơ nhỡ không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian tiêm chủng.
Bà Dương Thị Hồng cũng cho biết, các phản ứng có thể gặp sau tiêm vaccine Pfizer ở trẻ trong độ tuổi này tương tự ở người lớn.
Phản ứng rất phổ biến: đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt.
Phản ứng phổ biến: buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm.
Phản ứng không phổ biến: nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm.
Các phản ứng phổ biến sau tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em sẽ tự hết sau vài ngày.
Sau tiêm, trẻ cũng cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, sau đó, tự theo dõi sức khoẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là 7 ngày đầu sau tiêm.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng thời, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong lứa tuổi này sẽ góp phần tăng diện bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng. Hiện nay, một số vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12 - 17.
Tại Việt Nam, song song với tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh.
Cũng tại buổi tập huấn, TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng phòng khám, tư vấn tiêm chủng, khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, mục tiêu khám sàng trước tiêm là chọn lọc được nhiều nhất trẻ em để được tiêm phòng COVID-19. Có thể, khởi đầu sẽ có bỡ ngỡ nhưng có thể về sau, vaccine này sẽ nằm trong hệ thống sử dụng vaccine trên cả nước.
Vaccine COVID-19 chống chỉ định với trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng COVID-19, các trường hợp chống chỉ định khác. Đối với trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ nguyên nhân nào, trẻ bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi thì cần thận trọng khi tiêm.
Tại TPHCM - địa phương đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, từ ngày 27 đến hết ngày 28/10, đã có 79.418 trẻ được tiêm vaccine Pfizer.
(Nguồn: Chính phủ)