Với sức trẻ, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm và chịu khó, anh Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1991), ở thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã không ngừng học tập, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi thỏ có hiệu quả cao.
Trước khi về lại quê hương và quyết định lập nghiệp với nghề nuôi thỏ, anh Phúc từng đi làm ở Quảng Nam. Trong một lần tình cờ được tham quan một số mô hình nuôi thỏ Quảng Nam và Đà Nẵng, nhận thấy thỏ dễ nuôi, ăn tạp, vốn đầu tư không lớn lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với các loại vật nuôi khác ở nông thôn nên năm 2019, anh quyết định bỏ nghề đang làm, trở về quê hương khởi nghiệp với 10 cặp thỏ bố mẹ giống New Zealand.
Tận dụng diện tích đất vườn gần 150 m2 , anh gom góp vốn liếng và vay mượn thêm người thân để xây dựng khu nuôi thỏ. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên thỏ sinh trưởng, phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Để tích lũy kinh nghiệm, ngoài việc tìm hiểu thực tế, anh Phúc còn tham khảo kiến thức chăn nuôi trên ti vi, sách, báo và học hỏi từ các mô hình nuôi thỏ cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, đến nay việc chăn nuôi của anh đã thuận lợi hơn, đàn thỏ phát triển khá tốt và bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Anh Phúc cho biết: “Kỹ thuật nuôi thỏ không khó, quan trọng là phải chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước; đồng thời phải luôn nỗ lực, không nản lòng khi gặp khó khăn thì mới thành công được”. Hơn 2 năm khởi nghiệp và gắn bó với nghề nuôi thỏ, đến nay anh Phúc đã có trong tay 70 cặp thỏ nái, 500 – 700 con thỏ thương phẩm và thỏ giống.
Theo kinh nghiệm của anh Phúc, thỏ New Zealand là giống thỏ khá dễ nuôi, thịt thơm và nhu cầu của thị trường lớn. Thỏ muốn phát triển tốt trước tiên cần chọn giống tốt, hoạt bát, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, thỏ cũng rất dễ mẫn cảm với thời tiết, do vậy không chỉ chú trọng tiêm phòng đầy đủ mà khâu làm chuồng trại cũng phải đặc biệt lưu tâm. Chuồng nuôi phải thông thoáng về mùa hè, đủ ấm về mùa đông. Nguồn thức ăn cho thỏ khá dồi dào, dễ kiếm, dễ trồng và sẵn có quanh năm, từ các loại cỏ, lá cây, củ quả, ngũ cốc cho đến các loại thức ăn viên chuyên dụng, nên thay đổi nguồn thức ăn phù hợp với điều kiện sinh trưởng của thỏ.
Để tiêu thụ sản phẩm, anh Phúc chủ động tìm thị trường ở các nhà hàng, khách sạn ở trong tỉnh và các địa phương lân cận nên đầu ra khá ổn định. Đối với thỏ mẹ nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản. Đối với thỏ thương phẩm nuôi sau hơn 3 tháng là có thể xuất bán, với trọng lượng trên 2 kg/con. Trung bình mỗi tháng gia đình anh Phúc xuất bán thỏ 1 lần, mỗi lần từ 80–100 con thỏ thương phẩm với giá dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán thêm thỏ giống 1 tháng tuổi cho một số hộ chăn nuôi và bỏ mối cho thương lái. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm anh thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Bí thư Xã đoàn Triệu Phước Lê Văn Quốc cho biết: “Bằng khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương và chăm chỉ lao động, anh Nguyễn Văn Phúc đã vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng thành công một mô hình kinh tế hiệu quả trên chính đồng đất quê hương. Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của anh Phúc phù hợp với điều kiện thực tế của xã, bởi có thể tận dụng những sản phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, đầu ra ổn định. Thành công bước đầu từ mô hình nuôi thỏ của anh Phúc sẽ mở ra hướng đi mới cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã học tập, làm theo, góp phần nâng cao thu nhập”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)