Vào tháng 7/2022, Bệnh viện Mắt Quảng Trị là đơn vị y tế duy nhất của tỉnh được chọn mời tham gia thành lập mạng lưới ghép giác mạc miền Trung - Tây Nguyên và trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với bác sĩ NGUYỄN QUỲNH, Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị.
- Thưa bác sĩ! Việc Bệnh viện Mắt Quảng Trị được chọn mời tham gia thành lập mạng lưới ghép giác mạc miền Trung - Tây Nguyên và trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế mở ra nhiều cơ hội chữa trị cho bệnh nhân mắc bệnh lý giác mạc. Đề nghị bác sĩ cho biết rõ hơn về ý nghĩa của sự kiện này?
-Bệnh lý giác mạc là nguyên nhân gây mù đứng thứ 4 trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam. Năm 2019, ước tính tại Việt Nam có khoảng 30.000 người bị mù do bệnh giác mạc. Những người này có thể nhìn thấy ánh sáng nếu được ghép giác mạc. Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn. Tuy nhiên, nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động ghép giác mạc trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế đề xuất thành lập mạng lưới ghép giác mạc với bệnh viện hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện vệ tinh trên địa bàn miền Trung- Tây Nguyên, trong đó có Bệnh viện Mắt Quảng Trị.
Mục tiêu của mạng lưới ghép giác mạc là đẩy mạnh các hoạt động lấy, ghép và điều trị sau ghép giác mạc; đáp ứng nhu cầu điều trị thay thế giác mạc của người dân thông qua việc điều phối giác mạc và liên kết chặt chẽ giữa các bệnh viện trong mạng lưới.
Theo ký kết, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ giúp các bệnh viện vệ tinh nâng cao năng lực chuyên môn về lấy, ghép giác mạc thông qua việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật (tại chỗ hoặc tại Bệnh viện Trung ương Huế).
Đồng thời hỗ trợ bộ dụng cụ lấy giác mạc và hộp bảo quản giác mạc; các bệnh viện vệ tinh sẽ tham gia lấy giác mạc khi có yêu cầu hỗ trợ. Mạng lưới đẩy mạnh các hoạt động lấy, ghép và điều trị sau ghép giác mạc; đáp ứng nhu cầu điều trị, thay thế giác mạc cho người dân thông qua việc điều phối giác mạc và liên kết chặt chẽ giữa các bệnh viện; giúp nâng cao năng lực chuyên môn về lấy, ghép giác mạc cho các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ hoặc tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Việc thành lập mạng lưới ghép giác mạc khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ mang đến cơ hội để nâng cao số lượng bệnh nhân được ghép giác mạc và phát triển các kỹ thuật ghép giác mạc mới.
- Sau khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Mắt Quảng Trị có kế hoạch cụ thể gì nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu điều trị thay thế giác mạc của người dân, thưa bác sĩ?
-Việc trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ mang đến cơ hội để nâng cao số lượng bệnh nhân được ghép giác mạc và phát triển các kỹ thuật ghép giác mạc mới. Bên cạnh tiếp thu và phát triển các kỹ thuật ghép giác mạc mới, Bệnh viện Mắt Quảng Trị sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tình nguyện hiến tặng giác mạc như tổ chức thường niên lễ vinh danh những người đã hiến giác mạc, tặng “Bằng ghi nhận Nghĩa cử cao đẹp”, kỷ niệm chương cho các gia đình có người hiến tặng giác mạc và nói lời tri ân những người hiến giác mạc và gia đình đã đóng góp một phần cơ thể của mình khi nằm xuống để đem lại ánh sáng, niềm vui và hy vọng cho những người không may bị mù lòa.
- Liên quan đến lĩnh vực nhãn khoa, Bệnh viện Mắt Quảng Trị vừa tổ chức thành công hội nghị Nhãn khoa Bình-Trị-Thiên. Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về hoạt động này?
-Phát triển khoa học, công nghệ là một nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện, thông qua đó để cải tiến, nâng cao chất lượng và triển khai thêm các dịch vụ kỹ thuật mới. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì chất lượng và phát triển kỹ thuật mới là một vấn đề mang tính sống còn với các bệnh viện nói chung cũng như các bệnh viện chuyên khoa Mắt nói riêng.
Với tinh thần đó và được sự đồng ý của lãnh đạo Sở Y tế, sự đồng thuận của các cơ sở nhãn khoa, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế; Bộ Môn mắt - Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã tổ chức thành công hội nghị Nhãn khoa Bình - Trị - Thiên. Việc phối hợp các đơn vị trong khu vực đã giúp tổ chức các hội nghị khoa học với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và chất lượng hơn. Đó là điều chúng tôi mong muốn, kỳ vọng và đã đạt được trong hội nghị này.
- Đây hẳn là cơ hội để các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Quảng Trị giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác nhãn khoa, thưa bác sĩ?
-Hội nghị là cơ hội để các bác sĩ nhãn khoa gặp mặt, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, từ đó sẽ phối hợp tốt hơn cho công tác nhãn khoa trong khu vực. Qua đó giúp người bệnh giảm chi phí điều trị, đồng thời được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, nhất là đối với bệnh nhân nghèo ít có cơ hội được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế cao.
Hội nghị Nhãn khoa Bình - Trị - Thiên còn là cơ hội để Bệnh viện Mắt Quảng Trị giới thiệu các kỹ thuật mới tại bệnh viện cho các đồng nghiệp trong khu vực, khẳng định một lần nữa vị thế của bệnh viện trong việc chăm sóc mắt cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
-Trên cơ sở những kinh nghiệm và kỹ thuật mới tiếp nhận được, Bệnh viện Mắt Quảng Trị sẽ làm gì để triển khai hiệu quả công tác chăm sóc nhãn khoa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
-Việc chú trọng tiếp nhận chuyển giao, triển khai các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ luôn được ngành y tế và Bệnh viện Mắt Quảng Trị quan tâm thực hiện. Nhờ triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới nên lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã tăng dần qua các năm. Song song với số lượng bệnh khám ngoại trú, số bệnh nhân nội trú cũng tăng lên, điều này đã khẳng định được niềm tin, uy tín của bệnh viện đối với người bệnh.
Trước đây, khi chưa có kỹ thuật mới, thời gian điều trị cho bệnh nhân thường kéo dài. Hiện tại, các kỹ thuật mới được áp dụng đã rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, hiệu quả, chất lượng điều trị bệnh cũng cao hơn. Nhờ đó, bệnh nhân ngày càng tin tưởng và đã chọn Bệnh viện Mắt khi có nhu cầu về chăm sóc mắt. Cùng với các kỹ thuật mới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, nâng cao phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân trong tỉnh.
Bước đột phá vượt bậc trong công tác bảo vệ, chăm sóc các bệnh lý về mắt cho người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua là Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã ứng dụng thành công và có hiệu quả các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu vào điều trị.
Năm 2020, chúng tôi đã triển khai thực hiện kỹ thuật chụp cắt lớp quang học võng mạc và chụp cắt lớp mạch máu võng mạc. Cùng với việc vận hành các thiết bị nhãn khoa mới trong khám phát hiện các bệnh lý võng mạc, nhận thấy tầm quan trọng của việc triển khai các kỹ thuật điều trị bệnh võng mạc mới tại Quảng Trị, bệnh viện đã tiến hành triển khai kỹ thuật tiêm nội nhãn và laser quang đông võng mạc.
Tính riêng trong năm 2020, đơn vị đã triển khai thực hiện 4 kỹ thuật mới gồm: chụp cắt lớp võng mạc, chụp cắt lớp mạch máu bằng OCT, tiêm nội nhãn và laser quang đông. Đây là những kỹ thuật nhãn khoa chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đáy mắt. Đồng thời, đây cũng là những kỹ thuật mới đã được áp dụng vào điều trị bệnh lý võng mạc trên thế giới cũng như các cơ sở chuyên khoa Mắt lớn tại Việt Nam và nay được thực hiện tại Quảng Trị.
Năm 2021, Bệnh viện Mắt QuảngTrị đã nghiên cứu và tiến hành phương pháp ghép kết mạc tự thân nhiều lớp điều trị cho các trường hợp thủng hoặc dọa thủng giác mạc do viêm loét giác mạc. Đây là kỹ thuật mới và lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam cũng như Quảng Trị. Bên cạnh đó, Bệnh viện Mắt Quảng Trị cũng tiếp tục thực hiện các phẫu thuật đã hoàn thiện tại bệnh viện trước đây như: phẫu thuật phaco, glôcôm, cải tiến phẫu thuật mộng, quặm, tạo hình…
-Xin cảm ơn bác sĩ!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)