Mở rộng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

PV |

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều kiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất.

Cụ thể, điều kiện hỗ trợ là người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 mà bị ảnh hưởng dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 1/2021.

Mở rộng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa
Mở rộng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Trước đó, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện là người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng dịch COVID-19 phải giảm từ 15% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.

Doanh nghiệp được nộp hồ sơ hỗ trợ đào tạo nghề thành nhiều đợt

Một trong những nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 33/2021/QĐ-TTg là thủ tục đề nghị hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Cụ thể, doanh nghiệp nộp hồ sơ theo quy định tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi người sử dụng lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng lao động. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng 1 lần theo chính sách này.

Trong khi đó, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trước đây, chỉ quy định nơi nộp hồ sơ là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.

Mở rộng hỗ trợ người lao động

Quyết định 33/2021/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng, điều kiện hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do thuộc một trong các trường hợp sau: Phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg; hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Thứ hai, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Trước đó, tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg chỉ quy định đối tượng hỗ trợ là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Bổ sung hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật

Ngoài hỗ trợ đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế đã được quy định trước đó, Quyết định 33/2021/QĐ-TTg bổ sung quy định hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Cụ thể, đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/người.

(Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ)

TAGS

Phân bổ 357.840 kg gạo hỗ trợ học sinh vùng khó khăn

Nhã Uyên |

Ngày 9/11, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định phân bổ gạo hỗ trợ cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong học kỳ I, năm học 2021 – 2022 và bổ sung học kỳ II, năm học 2020 -2021 (đợt 2 năm 2021).

Hơn 28 tỉ đồng hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá tham gia khai thác trên các vùng biển xa

Thục Quyên |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt danh sách và bố trí kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (đợt 1 và 2  năm 2021).

Hỗ trợ 160 triệu đồng cho thanh niên phát triển kinh tế

Phương Trinh |

Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương vừa hoàn thành việc giải ngân hỗ trợ cho 2 thanh niên xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là chủ sáng kiến phát triển kinh tế tại địa phương. Các sáng kiến được hỗ trợ là mô hình trang trại lợn bản của anh Lê Văn Hóa ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa và mô hình trang trại lợn thịt, lợn giống của anh Dương Đức Biên ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Theo đó, ban tổ chức đã giải ngân 80 triệu đồng/mô hình để mua sắm trang thiết bị, bàn giao máy móc, con giống, xây dựng mặt bằng để phát triển mô hình. Tổng kinh phí giải ngân là 160 triệu đồng.

Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ kêu gọi hỗ trợ hơn 27 tấn gạo qua “ATM gạo”

Lê Trường |

Mô hình “ATM gạo” được triển khai tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vào tháng 11/2020. Sau 1 năm đi vào hoạt động, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện đã vận động, kêu gọi được 27 tấn gạo hỗ trợ cho 5.400 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh không may mắn trên địa bàn.