Mùa xuân thử thách thứ hai

Tuệ Linh |

Vậy là chúng ta đã đi qua một cái Tết cổ truyền khác thường và đón một mùa xuân rất đặc biệt trong điều kiện bình thường mới. Đây là mùa xuân thứ 2 COVID-19 xuất hiện, nhưng tốc độ dịch bệnh phát triển rất nhanh trên nhiều tỉnh thành cả nước và mức độ nguy hiểm rất cao nên UBND tỉnh Quảng Trị phải ra công văn hỏa tốc vào ngày 28 Tết về đẩy mạnh phòng, chống dịch, trong đó đáng lưu ý là vận động người dân hạn chế tối đa tập trung đông người, đi lại, di chuyển trong dịp tết Nguyên đán. Đây là công văn thể hiện trách nhiệm cao của lãnh đạo tỉnh với việc chăm lo sức khỏe cho người dân, cùng người dân đồng lòng, đồng sức chống dịch.

Tuy nhiên, không vì ít đi lại mà tết Nguyên đán Tân Sửu giảm bớt ý nghĩa, mùa xuân bớt thắm sắc hương. Người dân cả tỉnh hân hoan chào đón Tết trong niềm vui mới, dù kế hoạch bắn pháo hoa mừng năm mới phải hủy bỏ, một vài lễ hội truyền thống cũng ngừng tổ chức để phòng chống dịch thì niềm vui vẫn tràn ngập trong các câu chuyện Tết. Đó là Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Giai đoạn 1 Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, có quy mô công suất 1.500 MW kịp vận hành vào năm 2026-2027; Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị để tỉnh có đủ điều kiện kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay… Qua đó có thể thấy rằng thông điệp rõ ràng trong mùa xuân này của Quảng Trị là vừa đón xuân ý nghĩa, vừa chống dịch hiệu quả.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cho đến thời điểm này, COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát và sẽ được kiểm soát nếu phát sinh ổ dịch mới; công tác phòng, chống dịch ở Quảng Trị được cả hệ thống chính trị cùng người dân vào cuộc thực hiện rất tốt, vẫn chưa có ca bệnh nào xuất hiện, sức khỏe cộng đồng được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, nhiều địa phương trong nước và thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh lan rộng với nhiều biến thể mới xuất hiện, dù con người đã có vắc xin phòng COVID-19.

Đến nay, thế giới và Việt Nam đã trải qua 3 đợt bùng phát dịch, trung bình mỗi 6 tháng xuất hiện một lần. Điều này khiến cả nước phải sống chung với COVID-19 trong tình trạng bình thường mới là một thách thức chưa từng có. Các chuyên gia khẳng định COVID-19 vẫn còn thách thức nhân loại ít nhất đến hết năm 2022. Trong tương lai, đại dịch sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gây thiệt hại thậm chí tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với COVID-19, nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên.

Thực tế, chỉ mới đối phó với COVID-19, con người đã rất mệt mỏi và hệ lụy mà dịch bệnh này mang lại rất nặng nề. Riêng đợt dịch thứ ba, tính từ ngày 27/1/2021 đến 25/2/2021, cả nước ghi nhận 1.513 trường hợp mắc tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Giang, Hải Phòng. Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng, gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi; A A.23.1 xuất hiện từ Rwanda (châu Phi) tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Trong đó, biến chủng B.1.1.7 từ Anh tại tỉnh Hải Dương được xác định có khả năng lây lan nhanh hơn vi rút gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).

COVD-19 khiến chúng ta đang bước vào thời đại mới nhất trong lịch sử loài người, trong đó có nhiều xu hướng thay đổi để thích nghi như: cấu trúc kinh tế, cách làm việc, thương mại, chăm sóc sức khỏe, sự dịch chuyển công việc… nên chúng ta cần phải suy nghĩ mới, nhanh chóng thích nghi môi trường mới để phát triển. Vậy chúng ta đã làm gì để ứng phó và thích nghi? Đảng, Chính phủ liên tục ban hành nhiều chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt so với kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 nhưng vẫn bảo đảm các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học. Nhìn lại 3 đợt dịch vừa qua, Việt Nam đã căn bản khống chế được COVID-19, được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia khống chế tốt nhất dịch bệnh này. Đó cũng là uy tín quốc gia, là cơ sở để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong khi nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm.

Với tỉnh Quảng Trị, cùng với nhiệm vụ thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh, niềm vui lớn nhất là chúng ta đã thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh. Cho đến nay, việc lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly y tế, cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe những người trở về từ vùng dịch được ngành y tế và lực lượng vũ trang làm rất tốt. Một khối lượng công việc lớn nhưng được diễn ra êm xuôi đòi hỏi năng lực tổ chức và khả năng y tế cộng đồng được chuẩn bị chu đáo mới có kết quả như vậy được.

Chống dịch tốt mới thực hiện được nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Tín hiệu vui trong những ngày xuân này, cùng với việc tập trung phòng chống dịch bệnh từ biên giới đất liền, ven biển, các khu dân cư, thì hoạt động kinh tế được tiếp tục vận hành tốt. Nhà máy ván gỗ MDF VRG Quảng Trị hoạt động xuyên Tết để kịp sản xuất hàng cung cấp cho đối tác xuất qua thị trường Mỹ; các nhà máy tinh bột sắn, chế biến gỗ, các công ty may mặc… trên địa bàn cũng hoạt động liên tục; sức mua tại các siêu thị, chợ tăng hơn năm trước, đó là những tín hiệu vui.

Phân tích xu thế phát triển trong điều kiện bình thường mới của tỉnh Quảng Trị thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhận định, tuy cả nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn không được mất cảnh giác, vẫn phải tiếp tục phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Nhiệm vụ chống dịch vẫn còn đang thách thức nhưng với kinh nghiệm chống dịch của Quảng Trị, chúng ta đã bảo vệ người dân có một cái Tết an lành. Đề nghị các huyện, thị xã, thành phố coi nhiệm vụ phòng, chống COVD-19 là trọng tâm của mùa xuân này để sống chung với dịch; phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không được chủ quan, lơ là để khi không may xảy ra dịch bệnh thì không bị động.

Giờ đây, với nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện tương tự, với sự quyết tâm cao và đoàn kết của cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân toàn tỉnh, chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển toàn diện, tạo sức bật ngay từ năm 2021. 

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 được phát động theo hình thức trực tuyến

Thanh Phương |

Sự kiện trực tuyến này sẽ kết nối hàng triệu người trên thế giới nhằm tăng cường nhận thức về sự cấp thiết phải giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu cũng như những tổn hại của hệ sinh thái tự nhiên.

Hải Dương: Những hành động đẹp giữa tâm dịch bệnh COVID-19

Mạnh Minh |

Những hành động đẹp, những việc làm nhân ái ngày càng lan tỏa, giúp những người dân Hải Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được ấm lòng hơn và lạc quan trong những ngày khó khăn trước mắt.

Thần tốc chế tạo robot phục vụ phòng chống đại dịch COVID-19

Chính Phủ |

Cán bộ, giảng viên thuộc nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ, Hải Dương đã chế tạo thành công robot vận chuyển thực phẩm phục vụ phòng chống dịch.

Hải Dương: Khởi tố vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm

Mạnh Minh |

Bà T. là người nghi ngờ mắc bệnh nhưng không khai báo đầy đủ nên đã không được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, dẫn đến 3 người trong gia đình bị lây nhiễm.