Nâng cao năng lực kinh doanh cho phụ nữ vùng cao

Hà Trang |

Chương trình “Tiến về phía trước” được tài trợ bởi Đại Sứ quán Ireland tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 6/2022 đến tháng 8/2023.

Chương trình hướng đến những cộng đồng dễ bị tổn thương ở các xã Tà Long, Đakrông, Tà Rụt (huyện Đakrông); Hướng Lộc, Lìa, Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thông qua hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, phòng chống rủi ro thiên tai và áp dụng phương thức tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm và cộng đồng quyết định. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là đem lại cơ hội theo đuổi kế hoạch kinh doanh của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, du khách trong, ngoài tỉnh có dịp tham quan, tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm đặc trưng do hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa sản xuất, nuôi trồng, chế biến tại ngày hội trưng bày nông sản địa phương do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đakrông phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chương trình “Tiến về phía trước” do Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tài trợ.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Nguyễn Thị Ty cho biết, thời gian qua, phụ nữ trên địa bàn huyện đã nỗ lực lao động, tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm còn gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù địa bàn vùng sâu vùng xa, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, mục tiêu hướng đến của hoạt động này là tạo cơ hội để các tổ hợp tác, nhóm sinh kế, hội viên phụ nữ giao lưu, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, thực phẩm an toàn, sản phẩm thủ công truyền thống đến với người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, từ đó tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông được trang bị kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế thông qua chương trình “Tiến về phía trước” - Ảnh: H.T
Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông được trang bị kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế thông qua chương trình “Tiến về phía trước” - Ảnh: H.T

“Đồng hành và tôn trọng mong muốn của cộng đồng, đặc biệt các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương luôn là cách tiếp cận của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam. Với chiến lược phát triển 5 năm mới ở Việt Nam, chúng tôi tiếp tục là đối tác tin cậy của Chính phủ Việt Nam trong việc chung tay góp phần thay đổi cuộc sống của những cộng đồng nghèo khu vực miền núi”. Ông Seán Farrell, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam

Cùng các hội viên phụ nữ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm chuối lùn bản địa xã Tà Rụt tại ngày hội, chị Hồ Thị Xở, Tổ trưởng Tổ hợp tác chuối lùn bản địa xã Tà Rụt chia sẻ, xã Tà Rụt nổi tiếng với loại chuối lùn bản địa quả to tròn và có vị đặc trưng riêng nên nhiều người ưa chuộng.

Với mong muốn khôi phục giống chuối này, từ đó nâng cao thu nhập cho các hội viên phụ nữ nghèo, năm 2019, Tổ hợp tác chuối lùn bản địa xã Tà Rụt của Hội LHPN xã Tà Rụt được thành lập với 15 thành viên tham gia.

Đến nay, tổ hợp tác có 20 thành viên và đã khôi phục, phát triển được 2 ha chuối lùn theo hướng thâm canh. Bước đầu cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập đáng kể, giúp nhiều gia đình thoát nghèo nên các hội viên rất phấn khởi.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp hội phụ nữ, vừa qua, thông qua Chương trình “Tiến về phía trước”, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm chuối lùn bản địa cùng một số mặt hàng nông sản của địa phương nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng các kênh phân phối để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó phấn đấu đưa cây chuối lùn trở thành loại cây sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Là một trong những tổ hợp tác vừa mới được thành lập và có sản phẩm măng A Ho sấy khô tham gia trưng bày, quảng bá tại ngày hội, Tổ hợp tác Nông sản sạch Ba Tầng, huyện Hướng Hóa hiện có 16 thành viên, đều là những phụ nữ Vân Kiều có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thông qua chương trình “Tiến về phía trước”, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hỗ trợ hội viên, phụ nữ ở đây thực hiện mô hình sao sấy măng khô trong nhà sấy lồng kính năng lượng mặt trời. Nhà sấy hoạt động theo nguyên tắc tận dụng năng lượng mặt trời để tạo nhiệt sấy măng khi nhiệt độ ngoài trời cao và chuyển sang chức năng sấy lạnh khi thời tiết lạnh hoặc có mưa.

Sản phẩm sau khi ra đời có màu sắc đẹp mắt, hạn chế được những vấn đề bất lợi về thời tiết, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, đặt hàng.

Mặt khác, chương trình “Tiến về phía trước” còn tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia tập huấn, tham quan các mô hình kinh tế, trưng bày, giới thiệu sản phẩm măng A Ho tại các hội chợ trưng bày nông sản, giúp hội viên phụ nữ có thêm kinh nghiệm trong quá trình gặp gỡ khách hàng, đối tác, từ đó mở ra cơ hội tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định và bền vững.

Chương trình “Tiến về phía trước” là chương trình quan trọng nhất của Ireland tại Việt Nam và khu vực.

Chương trình có mục tiêu giải quyết những thách thức trên nhiều phương diện đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất như người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn, những người chịu rủi ro bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, người khuyết tật...

Nội dung chương trình được xây dựng dựa trên bề dày các hoạt động hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương của Ireland tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Chương trình “Tiến về phía trước” được chính quyền địa phương ủng hộ, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các kế hoạch được triển khai như dự kiến.

Tính đến hết tháng 6/2023, có 1.500 cá nhân đến từ các cơ quan, ban, ngành, cộng đồng được nâng cao năng lực; 6.600 người đã hưởng lợi trực tiếp từ chương trình, trong đó có khoảng 2.500 trẻ em đến từ một số trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 thuộc 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông. “Chương trình góp phần thay đổi các quan niệm về giới đang hạn chế sự phát triển và tham gia của những người nữ trong cộng đồng, đặc biệt phụ nữ nghèo, khuyết tật, đơn thân.

Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là đem lại các cơ hội theo đuổi kế hoạch kinh doanh của phụ nữ,” bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, Plan International Việt Nam cho biết.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

 

Người phụ nữ 39 tuổi phải tập đi lại từ đầu vì bỏ qua 1 dấu hiệu phổ biến của đột quỵ

Mộc Miên |

Bà mẹ 3 con Alli Bate ở Warrington, Anh bị liệt một bên cơ thể và phải tập đi lại từ đầu sau khi bị đột quỵ ở tuổi 39.

Cam Lộ: Người phụ nữ gắn biển số giả vận chuyển hơn 40 kg pháo lậu

Lê Trường |

Ngày 12/9, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự đối với bà N.T.A.H. (sinh năm 1974), trú tại xã Tân Long (huyện Hướng Hóa) với hành vi vận chuyển pháo trái phép để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.

Tạo thu nhập cho phụ nữ vùng cao từ mô hình sấy măng

Trúc Phương |

Măng khô từ lâu được biết đến là một loại thực phẩm quen thuộc, có thể sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tận dụng lợi thế về sản lượng măng dồi dào, với mong muốn tạo thêm thu nhập cho phụ nữ khó khăn, thông qua chương trình “Tiến về phía trước”, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng mô hình sao sấy măng A Ho, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Dù mới đi vào hoạt động cách đây không lâu song mô hình này đã bước đầu cho thấy hiệu quả.

Giảm rác thải nhựa: Vai trò quan trọng của phụ nữ

PV |

Theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế, có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Trong khi đó, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ là ngành nghề tiếp xúc với môi trường độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe.