Măng khô từ lâu được biết đến là một loại thực phẩm quen thuộc, có thể sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tận dụng lợi thế về sản lượng măng dồi dào, với mong muốn tạo thêm thu nhập cho phụ nữ khó khăn, thông qua chương trình “Tiến về phía trước”, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng mô hình sao sấy măng A Ho, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Dù mới đi vào hoạt động cách đây không lâu song mô hình này đã bước đầu cho thấy hiệu quả.
Ở huyện miền núi Hướng Hóa, hiện nay là thời điểm người dân địa phương bước vào mùa thu hái măng rừng. Mùa măng rừng nơi đây thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11. Từ sáng sớm, chị Hồ Thị Linh, sống tại thôn Trùm, xã Ba Tầng cùng một số chị em vào rừng cắt măng.
“Măng mùa này ngon nhất, rất ngọt và thơm. Chúng tôi tranh thủ đi sớm vì đường xa và cũng để tránh nắng nóng”, chị Linh chia sẻ, không quên xốc lại chiếc gùi to có chuẩn bị sẵn dao, rựa để cắt măng.
Công việc cắt măng nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại tương đối nặng nhọc, đòi hỏi phải có sự tinh mắt, kỹ năng khéo léo vì măng thường mọc trong bụi rậm, nhiều gai. Sau nửa ngày làm việc vất vả, các chị vui vẻ vì đều cắt được cho mình một gùi măng đầy.
Một chị trong đoàn cho hay: “Mọi năm, cắt được bao nhiêu chúng tôi đều đem ra chợ bán. Bán không hết thì đem về nhà ăn. Ăn không hết thì đem bỏ, lần sau đi cắt tiếp. Trèo đèo lội suốt cả ngày mà thu nhập không có bao nhiêu. Nhưng bây giờ có tổ hợp tác, măng cắt về bao nhiêu được mua lại và sử dụng bấy nhiêu”.
Thấy chúng tôi thắc mắc về tổ hợp tác, chị Linh giải thích, đó chính là Tổ hợp tác Nông sản sạch Ba Tầng do Tổ chức Plan International Việt Nam hỗ trợ xây dựng thông qua chương trình “Tiến về phía trước” với số vốn 375 triệu đồng, vừa được ra mắt cách đây không lâu. Tổ hiện có 16 thành viên, đều là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Mô hình sao sấy măng A Ho của tổ được ra đời dựa trên thực tế sản lượng măng rừng dồi dào tại xã Ba Tầng cũng như nhu cầu sử dụng măng khô ngày càng cao của người tiêu dùng trên thị trường. Để giúp chị em dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện mô hình, Tổ chức Plan International Việt Nam đã đầu tư lắp đặt nhà sấy lồng kính năng lượng mặt trời trị giá 180 triệu đồng.
Nhà sấy được hoạt động theo 2 chế độ gồm: sấy nhiệt hoặc sấy lạnh, tận dụng hiệu ứng nhà kính để tạo nhiệt sấy măng khi nhiệt độ ngoài trời cao và chuyển sang chức năng sấy lạnh khi khí hậu không ôn hòa. Tùy theo nhiệt độ bên ngoài mà bật chế độ hoạt động của nhà kính cho phù hợp.
Nhờ vậy, sản phẩm măng khô sau khi ra lò giữ được màu sắc đẹp mắt, bảo quản được lâu hơn. Kể từ sau khi tham gia vào đây, chị Liên cùng các chị em không cần phải “cõng” măng đi bán từ nơi này sang nơi khác như trước đây nữa. Thay vào đó, các thành viên trong tổ chủ động chia sẻ công việc với nhau, ai thạo phần việc nào phụ trách phần việc đó, từ vào rừng cắt măng cho đến sơ chế, ép và đưa măng vào nhà sấy; thu gom măng sấy, đóng gói; vận chuyển và bán hàng.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Nông sản sạch Ba Tầng Nguyễn Thị Liên chia sẻ, người dân Ba Tầng từ nhỏ đã biết lên rừng cắt măng. Tuy nhiên, vì không biết cách bảo quản, phơi khô nên măng khô trước đây không đảm bảo chất lượng, hương vị, không được thị trường ưa chuộng.
“Tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn cách chọn lọc măng, loại bỏ những phần già, hư, luộc măng sao cho đúng kỹ thuật. Đồng thời, mọi người cũng dần thay đổi thói quen phơi sấy măng ngoài trời hoặc trên bếp, không đảm bảo từ màu sắc đến hương vị.
Từ nay, việc sấy măng của ít nhất 16 hộ gia đình thành viên được thực hiện trong nhà sấy năng lượng mặt trời. Chị em rất tâm đắc vì măng sấy trong nhà sấy có màu nâu vàng rất đẹp mắt và không còn lo lắng về vấn đề thời tiết.
Những khi trời không mưa, măng không mọc, các thành viên chủ động đi thu mua măng lại từ những hộ gia đình khác trong xã để tiếp tục công việc sao sấy. Cũng nhờ có công việc này mà các thành viên có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày”, chị Liên cho hay.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Phó Ban điều hành Dự án Plan tại xã Ba Tầng Nguyễn Hữu Khóa cho biết, tuy mới chỉ đi vào hoạt động cách đây không lâu song mô hình sao sấy măng A Ho nói riêng và Tổ hợp tác Nông sản sạch Ba Tầng nói chung đã mang lại hiệu quả rất tích cực với người dân, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
“Hiện tại, dù số lượng măng khô do tổ hợp tác làm ra còn ít nhưng đã được thị trường đón nhận. Đây là một tín hiệu đáng mừng với các chị em. Từ đây, họ sẽ có cơ hội tăng thu nhập, ngày càng phát triển kinh tế gia đình. Mong rằng trong thời gian tới, dựa trên những kiến thức, kỹ năng được tập huấn, chị em tổ hợp tác sẽ tiếp tục làm tốt công việc, dần đưa sản phẩm mình làm ra tiếp cận với những thị trường rộng lớn hơn”, anh Khóa nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)