Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vào chiều nay 15/12. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, cũng như các giải pháp cụ thể để phát triển ngành điện có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả và bền vững, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước...
Kế hoạch đã cập nhật và xác định chi tiết quá trình phát triển đối với các dự án nguồn điện phù hợp cơ cấu đến năm 2030 với tổng công suất khoảng hơn 130,7 ngàn MW.
Theo Bộ Công thương, hiện chỉ có 6 địa phương đã cung cấp đầy đủ dữ liệu theo 9 tiêu chí liên quan của Bộ Công thương, 5 địa phương đã cung cấp thông tin dữ liệu nhưng vẫn còn thiếu một số tiêu chí theo quy định. Nhiều địa phương xây dựng kế hoạch nhu cầu về nguồn điện vượt quá công suất theo Quy hoạch điện VIII...
Đề nghị 57 địa phương chưa nộp thông tin, dữ liệu hoặc chưa đầy đủ, chưa thực hiện đúng các tiêu chí để sàng lọc theo thứ tự ưu tiên cần trao đổi, phối hợp Bộ Công thương để thẩm định, hoàn chỉnh Quy hoạch điện VIII, sớm trình Chính phủ.
Tham gia ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiến nghị Bộ Công thương xây dựng, hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, hoàn thiện mô hình thị trường điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đầu tư lưới điện truyền tải theo hình thức xã hội hóa ...nhằm tạo điều kiện pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đến nay chưa thể thông qua do vướng nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc phân bổ các nguồn cho các vùng, các địa phương. Bởi kế hoạch phân bổ nguồn dựa theo nhu cầu phát triển KT - XH của các địa phương để đưa ra các dự báo, việc chậm trễ triển khai kế hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm của các địa phương là cần phải đưa các dự án đầu tư có tính khả thi cao, đảm bảo về mặt pháp lý. Bộ Công thương là cơ quan thực hiện phân bổ, tư vấn kỹ thuật, đặc biệt cần chú ý về mặt tài chính để triển khai các dự án.
Yêu cầu các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm trong xây dựng kế hoạch, phối hợp Bộ Công thương để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch trình Chính phủ thông qua.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)