Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là giai đoạn hết sức 'đặc biệt' đối với Bộ đội Biên phòng, nhất là với gần 10.000 cán bộ, chiến sỹ quân hàm xanh làm nhiệm vụ ở các chốt chống dịch COVID-19.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là giai đoạn hết sức "đặc biệt" đối với Bộ đội Biên phòng, nhất là với gần 10.000 cán bộ, chiến sỹ quân hàm xanh làm nhiệm vụ ở 1.608 tổ, chốt nơi địa đầu Tổ quốc cùng phối hợp với những lực lượng khác để ngăn ngừa đại dịch COVID-19 lây lan qua biên giới.
Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, cùng cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, hơn một năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng trực tiếp làm "tấm lá chắn" nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đã tạm gác việc riêng, không về gia đình trong nhiều tháng để ở lại đơn vị chống dịch, bảo vệ biên giới, chốt chặn tại các đường mòn, lối mở.
Các tổ, chốt lại đều ở những địa điểm hiểm trở suốt dọc một dải biên giới đất liền dài hơn 5.000km và bờ biển dài hơn 3.260km của Tổ quốc, lại xa đơn vị, xa vùng dân cư, điều kiện sinh hoạt cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt.
Hằng ngày, các anh còn trực tiếp xuống địa bàn thăm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc và khẩu trang, hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh cho đồng bào thuộc các địa bàn trọng yếu trên tuyến biên giới, từ các xã vùng sâu, vùng xa ở Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, đến các xã nơi dãy Trường Sơn ở Quảng Bình, Quảng Trị, tới Tây Nguyên, An Giang…
Bộ đội Biên phòng đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong lúc khó khăn dịch bệnh và các chiến sỹ quân hàm xanh cũng "dựa vào tai mắt nhân dân" để góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng, chống COVID-19, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
Chỉ riêng trong tháng đầu năm 2021, Bộ đội Biên phòng đã phân luồng trên 17.000 người xuất, nhập cảnh qua biên giới để cách ly theo quy định và bắt giữ, ngăn chặn trên 6.000 người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Việc vượt lên những vất vả, thiếu thốn "ăn lán, ngủ rừng," bám trụ biên giới, bảo vệ sự bình an cho nhân dân trong "cuộc chiến mới" đầy khốc liệt của những chiến sỹ quân hàm xanh đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Và sự phối hợp của các anh với đồng bào nơi "phên giậu" của Tổ quốc để ngăn chặn đại dịch lây lan qua biên giới chỉ là một trong những điển hình sinh động của "thế trận lòng dân," nền biên phòng toàn dân.
Cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, trong những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt," cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã kiên trì thực hiện "ba bám" - bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách, "bốn cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc.
Các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, chương trình tiêu biểu như: "Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới," "Nâng bước em tới trường," "Hãy làm sạch biển," Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"... đem lại kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn biên giới, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hình ảnh người "Thầy thuốc quân hàm xanh," "Thầy giáo quân hàm xanh," cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng quên mình giúp dân trong phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn đã in đậm trong tâm trí nhân dân cả nước.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, cùng với các lực lượng chức năng, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đã và đang ngủ lán, căng mình tại 1.608 tổ, chốt biên giới để tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép; nhiều đơn vị đã chủ động nhường nơi ăn, chốn nghỉ, huy động lực lượng phục vụ, chăm sóc, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người nhập cảnh thực hiện cách ly, phòng, chống dịch COVID-19.
Những việc làm đó đã góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân, qua đó góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Có thể thấy với vai trò, tầm quan trọng của khu vực biên giới, hải đảo, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển vùng biên giới còn nhiều khó khan.
Nhờ vậy, tình hình phát triển kinh tế-xã hội biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế của các địa phương biên giới đạt tốc độ khá cao; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được đầu tư xây dựng; hoạt động thương mại biên giới tăng trưởng khá; các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đặc biệt, mối quan hệ Đảng, chính quyền với nhân dân và lực lượng vũ trang được tăng cường; chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại được mở rộng.
Đó chính là cơ sở quan trọng để đồng bào đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng "thế trận lòng dân" trong thế trận biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Chủ quyền biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đảm bảo sự bền vững, ổn định chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia là điều kiện, tiền đề cho sự ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại. Trong đó, yếu tố lòng dân mà cốt lõi là tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, ý chí chiến đấu giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Cho nên xây dựng "thế trận lòng dân" và nền biên phòng toàn dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
(Nguồn: TTXVN)