Xóm Thanh, làng Cu Hoan, xã Hải Thiện (nay là xã Hải Định), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trước năm 1975 có tên gọi là Xóm Bàu Chùa (hay Xóm Cháy), cứ đến ngày 8/2 (âm lịch) hằng năm, bà con tất bật chuẩn bị mâm cỗ làm giỗ cho 66 anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này ngày 9/2/1966 (âm lịch).
Đầu tháng 2/1966, thực hiện ý định chỉ đạo của trên, chiến dịch 9 ngày đêm giải phóng đồng bằng Triệu Hải được mở màn. Trong khí thế cách mạng sôi sục, sau khi hoàn thành một số nhiệm vụ ở phía Tây của tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 nhận nhiệm vụ cơ động về khu vực đồng bằng Triệu Hải tổ chức các trận đánh nhằm tiêu diệt địch, củng cố lực lượng, địa bàn.
Sau khi hoàn thành nhanh chóng công tác chuẩn bị trung đoàn cơ động tổ chức trận đánh vào lực lượng địch ở Ba Du (xã Hải Ba đêm 7/2), sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ trung đoàn nhanh chóng xóc lại đội hình cơ động đánh vào lực lượng địch ở Đơn Quế, (xã Hải Quế), tiêu diệt nhiều sinh lực, hỏa lực địch.
Thực hiện mệnh lệnh của trên, đêm mồng 8/2/1966 (âm lịch), lợi dụng đêm tối cán bộ, chiến sĩ rẻ lối cơ động về xóm Bàu Chùa. Mặc dù quảng đường từ Đơn Quế về Bàu Chùa không xa, nhưng do đêm tối, đường sá đi lại khó khăn, nên mờ sáng ngày 9/2 cán bộ, chiến sĩ mới đến nơi. Ý định của chỉ huy đơn vị triển khai cho cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục hành quân về vị trí tập kết theo quy định. Nhưng khi vừa dừng chân thì bị địch phát hiện nổ súng đánh vào đơn vị. Bị đánh bất ngờ nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn bình tĩnh triển khai đội hình đánh trả một cách quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Bác Đặng Cân, năm nay 75 tuổi, một nhân chứng lịch sử, người đã chứng kiến một phần của trận đánh cho biết: “Lúc ấy tôi đã 18 tuổi, nên tôi nhớ rất rõ về sự việc này. Khi địch nổ súng tiến công vào đội hình của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã lợi dụng các dãy tre quanh làng và những mô đất cao triển khai đội hình chiến đấu.
Bằng tinh thần mưu trí, dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, có vài chục tên bỏ xác tại trận địa, làm cho chúng phải hoang mang. Bọn địch thấy vậy, nên gọi lực lượng chi viện từ Chi khu Hải Lăng, gồm bộ binh và cơ giới M113 đến phối hợp chiến đấu. Sau một thời gian giằng co quyết liệt, chúng gọi thêm đơn vị dù đến chi viện, kèm theo pháo hạm từ biển bắn vào, pháo binh từ Chi khu Hải Lăng bắn sang...
Một phần đất nhỏ bé của xóm Bàu Chùa mà phải gánh chịu một khối khổng lồ bom, pháo trút xuống như mưa, bà con trong làng chạy loạn...”. Ông còn nói thêm: “Tiếng súng đánh nhau từ tờ mờ sáng ngày mồng 9 đến khoảng 12 giờ đêm cùng ngày mới kết thúc”.
Sau khi trận đánh kết thúc, bọn địch rút lui, bà con về làng, thì một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra. Tre làng Bàu Chùa nhiều đến thế, nhưng do bom, pháo địch bắn phá nay không còn bụi tre nào. Nhà cửa, cây cối cháy rụi! Nhiều người khi về không còn nhận ra xóm mình nữa! Đau thương chồng chất, dân làng gạt nước mắt, chia nhau đi gom nhặt thi hài của liệt sĩ về một nơi để tổ chức mai táng...
Tổng cộng 66 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận này. Gia đình nào có vài tấm ván thì đem đến đóng thành hòm, gia đình nào không có thì đưa đến manh chiếu, tấm nilon, tấm vải quấn cho liệt sĩ. Nén thương đau, họ chôn cất các anh hùng liệt sĩ trong lặng lẽ và thầm hứa với các anh, chúng tôi sẽ vì các anh, vì quê hương Hải Lăng mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Xóm Bàu Chùa, từ đó có thêm một tên gọi là “Làng Cháy”! Và bà con “Làng Cháy” đã thực hiện đúng lời hứa của mình là cùng với quê hương Hải Thiện, Hải Lăng chiến đấu anh dũng, lập nên chiến công xuất sắc, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng quê hương.
Từ sau cuộc chiến đấu diễn ra tại Bàu Chùa, để tri ân các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 6 đã vì quê hương Bàu Chùa mà chiến đấu, hy sinh, không ai bảo ai cứ đến ngày mùng 8/2 (trước ngày các anh hy sinh), trong mỗi gia đình, ai có ít làm ít, ai có nhiều làm nhiều họ đều tổ chức giỗ, thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Sau này, bà con, cô bác thấy như thế là thiếu thống nhất, nên bàn bạc, quyết định lấy ngày 8/2 xóm tổ chức làm giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ cùng một địa điểm do xóm lựa chọn.
Ông Lê Phúc Thiều, 70 tuổi, một nhân chứng lịch sử, thổ lộ: “Sau khi chôn cất các anh hùng liệt sĩ xong, xóm đã lập đàn Âm hồn chiêu hồn cho các anh. Năm 1976, sau khi đất nước được thống nhất, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng bà con đã đóng góp tiền xây cất nơi thờ cúng tại nơi các anh đã hy sinh.
5 năm trở lại đây, xã đã cấp một phần đất và được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, số tiền huy động được trên 50 triệu đồng, xóm đã xây dựng bia tưởng niệm ngay tại nơi cán bộ, chiến sĩ hy sinh thay cho tấm bia dựng bằng tôn trước đây. Hằng tháng, cứ vào ngày rằm, hoặc đầu tháng bà con đến thắp hương tưởng các anh tại nơi này và nơi thờ cúng các anh.
Ông Nguyễn Đức Dũng, nguyên UVTV Tỉnh ủy; nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Ban Liên lạc Trung đoàn 6 toàn quốc cho biết: “Để tri ân 66 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 chiến đấu, hy sinh tại xóm Thanh, làng Cu Hoan, xã Hải Thiện, sau khi khảo sát thực tế cùng với Ban Liên lạc Trung đoàn 6 và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, Ông Vũ Khắc Nguyên, Trưởng ban Ban Hợp tác liên ngành Nhà nước Việt Nam Liên bang Nga B8VACD; Trưởng ban đại diện Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và Chương trình xã hội Liên bang Nga tại Việt Nam và Asean; Kiêm Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam; Viện nghiên cứu Mỹ thuật làng nghề Việt Nam... đã đầu tư 750 triệu đồng tổ chức tôn tạo, xây mới 2 công trình tại địa điểm mà 66 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 hy sinh.
Ban Liên lạc Trung đoàn 6 phối hợp với xã Hải Định, huyện Hải Lăng chọn ngày 26/7/2023, tiến hành khởi công xây dựng. Đây là một việc làm ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, cống hiện trọn đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ con, cháu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)