Người hóa giải “lời ru buồn” trên non cao

Thu Thảo |

Ven theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ngày nay sẽ bắt gặp hình ảnh những đấng mày râu Vân Kiều, Pa Kô xuống chợ không phải để “tìm vợ” mà thay vợ mang nông sản ra bày bán. Nhiều thiếu nữ miền núi vốn phải theo mẹ lên nương hay ở nhà trông con nhỏ nay được đến trường, đưa tiếng nói, quan điểm của mình về tảo hôn, bạo lực gia đình.


Đó chỉ là một vài hình ảnh về sự đổi thay mang đầy ước mơ của trẻ nhỏ, hy vọng của người lớn đang “phủ xanh” trên những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Quảng Trị. Có được kết quả đó là nhờ sự dấn thân của những cán bộ nữ DTTS, mà chị Hồ Thị Ba, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND xã Ba Nang, huyện Đakrông (sinh năm 1987) là một ví dụ điển hình.

Tiếng nói “không khoan nhượng”

Sau nhiều lần liên lạc với chị Ba không thành, cuối cùng tôi mới nghe được giọng chị bắt máy. Chị giải thích rằng do đi cơ sở, về thôn với người dân làm chương trình nên không để ý đến điện thoại. Chỉ qua câu nói đó cũng khiến tôi mường tượng ra dáng vẻ thoăn thoắt của một cựu cán bộ hội phụ nữ lâu năm “chân đi không chạm đất”.

Chị Hồ Thị Ba thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ba Nang - Ảnh: NVCC
Chị Hồ Thị Ba thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ba Nang - Ảnh: NVCC

Trong bộ váy truyền thống của người Vân Kiều, chị Ba nở nụ cười niềm nở đón tôi như đã thân quen từ trước. Người phụ nữ Vân Kiều này hồ hởi kể: “Chị xuất thân là một cán bộ dân số của xã. Sau khi được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tin tưởng, chị được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Nang từ năm 2006 và gắn bó đến tận năm 2021”.

Tôi thầm nghĩ, phải chăng, chỉ riêng quãng thời gian làm công tác dân số đã đủ để chị Ba nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng phụ nữ nơi đây? Cộng thêm gương mặt phúc hậu với nụ cười thường trực và giọng nói trầm ấm đủ để “xiêu lòng” những người dân khó tính và làm dịu những vấn đề căng thẳng nhất.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đakrông, từ năm 2016 đến tháng 6/2021, toàn huyện có đến 473 trường hợp tảo hôn, trong đó có 392 trường hợp tảo hôn vợ hoặc chồng và 81 trường hợp tảo hôn cả vợ và chồng, cùng với đó là 9 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, xã Ba Nang có 24 trường hợp tảo hôn và không có các cuộc hôn nhân cận huyết. Mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền địa phương đẩy mạnh, nhưng trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân nơi đây còn hạn chế.

Chị bảo, ký ức về những em bé gái phải trở thành đàn bà khi xương hông chưa kịp nở, khi cặp sách trên lưng thay bằng muôn nỗi lo toan luôn ám ảnh chị. Vậy là, trong các hoạt động tại xã, chị Ba lại lặn lội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thuyết phục, vận động người dân. Điều thôi thúc chị Ba phải làm là thành lập CLB Hoa Sen “Nói không với tảo hôn” tại thôn Pa Nang và CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng, chống xâm hại tình dục” tại thôn Ra Lây.

“Ban đầu, vì nhận thức hạn chế nên nhiều người chưa tin, chưa theo. Tuy nhiên, người dân càng gây khó, càng quyết liệt, mình càng phải mềm mỏng, kiên nhẫn hơn. Từng chút, từng chút một, thông qua nhiều hoạt động, người dân dần tự nhận thức được tác hại của việc kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết, cũng như những tệ nạn khác, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, con cái mình”, chị Ba chia sẻ.

Chị Hồ Thị Ba (bên phải) cùng Hội LHPN xã tổ chức nhiều hoạt động cho chị em phụ nữ địa phương - Ảnh: NVCC
Chị Hồ Thị Ba (bên phải) cùng Hội LHPN xã tổ chức nhiều hoạt động cho chị em phụ nữ địa phương - Ảnh: NVCC

Những bước chân sớm hôm đến nơi xa xôi của chị Ba, bằng sự cứng rắn, kiên trì, “không khoan nhượng” hay từng câu chuyện tư vấn, truyền thông của nữ cán bộ từng làm công tác dân số dường như thấm vào từng thớ suy nghĩ, đánh thức những quan điểm tiến bộ của dân làng. Để tục lệ truyền thống bền bỉ chảy trong những bản mù sương đã thôi ràng buộc số phận như một vòng lặp không thể thoát của đời người phụ nữ. Để mỗi khi có chuyện xảy ra, người ta không còn tặc lưỡi vì những âm ỉ vốn thành trầm tích và để xem “con tạo xoay vần đến đâu” nữa!

Dấu ấn về sự “lăn lộn” của người lãnh đạo phụ nữ tiền nhiệm Hồ Thị Ba đã được tiếp nối khi nhiều mô hình, CLB trong cộng đồng đến nay thu hút sự tham gia của hơn 100 thành viên, đặc biệt là nam giới, nâng cao kiến thức về chăm sóc, giáo dục con cái; phòng, chống kết hôn sớm; phòng, chống xâm hại tình dục...

Kết quả, tỉ lệ tảo hôn giảm dần qua từng năm, từ con số 134 năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2024 còn 35 trường hợp, không có hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện. Tình trạng bạo lực, xâm hại được đẩy lùi và ngăn chặn, gương điển hình về phụ nữ nuôi dạy con tốt xuất hiện ngày càng nhiều.

”Đi trước, làm đầu”

Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện bình đẳng giới ... thì rõ quá rồi, người dân thôn bản đã thấy và tin. Thế nhưng, làm sao giúp người dân, đặc biệt là chị em có việc làm, thu nhập, để không còn câu chuyện “kết hôn sớm để gán nợ”, con cái được đến trường thì không phải chuyện “nói để dân tin”.

Nhận thấy chỉ có làm kinh tế mới giúp người dân bớt khổ, có mục tiêu phấn đấu để đổi thay, chị Ba đã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản tại 5 chi hội gồm 16 nhóm với hơn 282 thành viên. Số tiền tiết kiệm năm 2020 của hội lên đến trên 178 triệu đồng với 38 lượt chị em vay vốn.

Chị cũng tích cực tín chấp với các tổ chức tín dụng để tạo nguồn vốn vay cho chị em. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án, chị cùng với Hội LHPN xã kịp thời đỡ đầu phụ nữ nghèo, trao “mái ấm tình thương”, tiếp cận các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua mô hình sinh kế, làm chỗ dựa cho phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Dấu chân của chị Ba đã in dấu khắp 5 thôn của xã vùng cao Đakrông để đi đến từng bản, nắm bắt nguyện vọng, khó khăn của từng hộ gia đình. Để đến được các thôn trên dãy Kô Tunr, chị phải vượt đèo, lội suối cùng ăn, cùng ở với đồng bào. “Chị Ba nhiệt tình lắm! Chị ấy giúp chị em được vay vốn và hỗ trợ cây, con giống để trồng trọt, chăn nuôi. Gia đình tôi vượt khó, thoát nghèo là nhờ sự hỗ trợ của chị Ba”, chị Hồ Thị Khuyên, thôn Đá Bàn, xã Ba Nang, huyện Đakrông, cho biết.

Con đường “gian nan” mà chị Ba từng lặn lội để đến cơ sở nay đã được bê tông hóa - Ảnh: NVCC
Con đường “gian nan” mà chị Ba từng lặn lội để đến cơ sở nay đã được bê tông hóa - Ảnh: NVCC

Ở cương vị Phó Chủ tịch HĐND xã, chị Ba cũng thực hiện tốt vai trò đại diện và chức năng giám sát việc thực hiện nghị quyết, chương trình phát triển KT-XH quốc phòng, an ninh tại địa phương. Nhiều người dân Ba Nang đến nay không còn muốn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cố gắng để thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 6,5%, thu nhập bình quân đầu người tăng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đakrông Hồ Văn Dương cho biết: “Với cá nhân chị Hồ Thị Ba, dù làm công tác hội phụ nữ, phong trào công đoàn hay khi về tòng sự ở HĐND xã Ba Nang, chị luôn sống giản dị, nhiệt tâm và đặt quyền lợi của người dân lên trước.

Là người con của dân tộc Vân Kiều, hơn ai hết, chị Ba thấu hiểu những vấn đề mà người dân mình còn đang thiếu và cần phải thay đổi để phát triển. Việc “đi trước, làm đầu” của chị đã tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, cổ hũ, thực hiện bình đẳng giới... Những đóng góp của chị Ba đã được chính quyền và Nhân dân ghi nhận”.

Với những cống hiến đó, chị Ba được các cấp chính quyền biểu dương và tặng bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 5 năm liền; giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh do có nhiều thành tích trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và nhiều năm liền được giấy khen của UBND, Liên đoàn Lao động huyện Đakrông.

Ba Nang hôm nay ngày càng phát triển. Dọc hai bên con sông Krông Klang thơ mộng, làng bản đổi mới, trẻ em được đến trường, người dân hăng say lao động, sản xuất để dê, gà đầy sân, ngô lúa đầy bồ... Trong niềm phấn khởi ấy, lấp lánh vẻ đẹp của bông hoa đỗ quyên rừng Trường Sơn - Hồ Thị Ba với những việc làm “đi trước” để xây dựng miền quê nơi biên cương yêu dấu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Mở đường giúp phụ nữ thoát nghèo

Quang Đăng |

Trước đây, một bộ phận phụ nữ huyện Gio Linh (Quảng Trị) quan niệm: “Giàu nghèo có số, cố cũng không xong”. Từ sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Hội LHPN huyện, quan niệm ấy đã lùi về quá khứ. Không chỉ làm thay đổi cách nghĩ, các cán bộ hội phụ nữ tâm huyết còn giúp chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Quảng Trị: Tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Đình Tiến |

Ngày 26/8, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Hội Nữ Doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Trang bị kỹ năng truyền thông cho cán bộ phụ nữ miền núi

Trần Anh Minh |

Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ định kiến giới. Xác định được vai trò, ý nghĩa đó, Dự án 8 tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó coi trọng phương pháp truyền thông dựa vào cộng đồng. Hướng dẫn cho cán bộ phụ nữ cơ sở và thành viên Tổ truyền thông cộng đồng cách xây dựng kế hoạch truyền thông được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động về thực hiện các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Việt Nam công bố Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh

Thanh Mai |

Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh có phạm vi rộng và liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bên liên quan.