Người lao động ngành du lịch tiếp tục chịu thiệt hại

Thùy Trang |

Vì COVID-19, nhân viên đi làm lại chưa được 10 ngày đã phải nghỉ việc; và các ông chủ khách sạn từ lớn đến nhỏ tại Đà Nẵng đành ngậm ngùi đóng cửa tiếp, khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 trong vòng 2 năm.

Gánh nợ chồng nợ

Đón đợt dịch ngay đầu mùa hè - mùa du lịch, nhiều chủ khách sạn, nhà hàng tại Đà Nẵng vẫn chưa hết bần thần khi nhắc đến 2 từ “COVID-19”. Ông Lê Văn Thuỷ - chủ khách sạn Sunrise tại khu phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, chẳng cần đợi đến lúc dịch bùng lên cao điểm mà ngay khi có thông tin về ca mắc COVID-19 có liên quan đến Đà Nẵng, hàng loạt đoàn khách đã huỷ tour, huỷ khách sạn.

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, ông Thuỷ vay mượn bạn bè 200 triệu đồng sửa sang lại 2 khách sạn để chuẩn bị đón khách mùa hè. Được khoảng 10 ngày, khi doanh thu đang ổn định với 10 triệu đồng/ngày thì “cơn ác mộng” COVID-19 quay trở lại. “Nếu làm ăn ổn định, khoảng 1 tháng là tôi có thể trả số tiền vay nhưng nay đành phải khất nợ. Từ ngày 27.4, cả 2 cơ sở của tôi đã phải đóng cửa. Thà đóng cửa để tiết kiệm điện nước, nhân công, chi phí... chứ càng mở thì càng chết”, ông Thuỷ thở dài. Ông bất lực khi nhắc tới khoản tiền tỉ nợ ngân hàng và cả tiền vay nợ bạn bè đổ vào khách sạn và nay chẳng biết khi nào thu hồi được vốn chứ đừng nói là lãi. “Số tiền nợ ngân hàng của gia đình ngày càng cao nhưng chẳng riêng gì tôi, nhiều khách sạn cũng chỉ có thể nói rằng bao giờ làm ăn được mới trả. Biết là mình đuối lý, họ có thể tịch thu, phát mãi tài sản, nhưng ở hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi thật sự không còn cách nào khác...”.

Du lịch Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón khách, nhưng lại gặp khó vì bùng phát dịch COVID-19. Nguồn: DLĐN
Du lịch Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón khách, nhưng lại gặp khó vì bùng phát dịch COVID-19. Nguồn: DLĐN

Ngay cả những khách sạn lớn tại quận Sơn Trà, quận trung tâm của thành phố du lịch Đà Nẵng cũng ngậm ngùi hoạt động cầm chừng. Ông Trần Minh Khôi - Chủ tịch Công đoàn khách sạn À La Carte cho hay, đầu tháng 5, khách đặt phòng đã giảm đột biến, chỉ còn 18%. Mặc dù đã hạ giá phòng, các dịch vụ, nhưng vẫn không giải quyết được. Thời điểm hiện tại, hầu hết các khách sạn đều quay trở lại trạng thái chờ đợi vì không còn khách. Và thông tin cập nhật mới nhất, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, các đoàn khách du lịch trong tháng 5 và 6 đã hủy tới 90-100%.

Đợi việc kéo dài

Năm 2021, lao động ngành du lịch dịch vụ tại Đà Nẵng tiếp tục chịu nhiều thiệt hại khi chưa kịp mừng vì thành phố có khả năng phục hồi thì dịch đã quay trở lại. Anh Phan Thanh Tài trú quận Sơn Trà cho hay: “Đầu tháng 5, tôi cùng nhiều đồng nghiệp vừa được chủ khách sạn gọi đi làm lại để phục vụ khách mùa hè. Chưa kịp mừng thì chỉ vài ngày sau thông tin mắc COVID-19 trong cộng đồng được phát hiện, khách sạn lại đóng cửa. Tôi lại quay về chạy grab để kiếm thu nhập chứ dịch thế này, êm êm được 2 hay 3 tháng thấy ổn lại bùng lên. Ngành du lịch, dịch vụ còn khó khăn dài...”.

Lận đận hơn nhiều người khác, chị Hà Thị Thương (quận Thanh Khê) từng là quản lý một cửa hàng hải sản chuyên phục vụ khách du lịch, sau khi mất việc vì dịch bệnh năm 2020, chị Thương cùng bạn hùng vốn mở quán cà phê ở quận Hải Châu. Tuy nhiên, dịch bùng phát lần thứ tư đồng nghĩa với việc giãn cách, các cửa hàng, quán xá không được phục vụ tại chỗ mà cũng không cạnh tranh lại được với những hàng quán chuyên bán online. “Tôi đành đóng cửa quán cà phê, về phụ mẹ bán bún ở chợ. Thời gian này tôi chịu nhiều áp lực từ nguồn vay bạn bè, từ gia đình, chỉ biết cố gắng đợi thêm thời gian nữa và hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường”, chị Thương ngậm ngùi.

Sẽ phải làm lại

Ở đợt COVID-19 bùng phát lần thứ 2, rất ít người làm du lịch ở Quảng Ninh kỳ vọng ngành du lịch, dịch vụ sẽ sớm trở lại, nên ở lần 3 và lần 4 này, họ coi cơ hội trở lại rất xa vời. Ngoài những gánh nặng về các món nợ ngân hàng, những chi phí để bảo dưỡng tàu thuyền, cơ sở lưu trú, những người làm du lịch lo mất hết lực lượng làm du lịch chuyên nghiệp.

Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, Công ty CP du thuyền Đông Dương có khoảng 500 nhân viên phục vụ trên 16 tàu du lịch, ở nhà hàng, văn phòng chính ở Hạ Long, văn phòng đại diện tại Hà Nội, Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).

Ở đợt COVID-19 thứ nhất, công ty cắt giảm một số nhân viên, nhưng đến lần thứ 2 chỉ còn để lại bộ khung chính.

Ông Đoàn Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty - cho biết, hiện tại, công ty chỉ còn ông và một số nhân viên trông tàu. Đội ngũ nhân viên của ông đều được đào tạo bài bản, có trình độ và kinh nghiệm, giờ này tứ tán khắp nơi.

“Tôi lo ngại về sự đứt gãy nguồn nhân lực phục vụ du lịch, dịch vụ. Đào tạo đội ngũ này không phải dễ, chưa kể biết bao kinh nghiệm họ tích lũy được. Nếu mai đây dịch được khống chế, du lịch hoạt động trở lại, họ đã ổn định với công việc khác thì liệu họ có quay lại?” - ông Dũng chia sẻ.

Từ đợt COVID-19 thứ 2, nhiều chủ tàu, khách sạn đã dừng hoạt động bởi khách ít, nguy cơ lây nhiễm dịch luôn rình rập. Số lượng tàu, khách sạn hoạt động ở vào những thời điểm dịch được khống chế rất ít. Thời gian đầu, nhiều chủ tàu, khách sạn còn giữ lại một số ít nhân viên để trông tàu, bảo vệ khách sạn, nhưng đến nay họ kiêm luôn việc này để tiết kiệm chi phí.

“Tôi có 2 khách sạn, trước vẫn trả 10 triệu đồng/tháng để thuê 2 nhân viên trông. Giờ gia đình cử người thay nhau trông, tiết kiệm được 10 triệu đồng/tháng” - một chủ khách sạn ở Hạ Long cho biết.

Một số chủ tàu, chủ khách sạn mở thêm nghề nuôi trồng hải sản để tạo việc làm khác cho nhân viên, nhằm giữ chân họ, nhưng cũng rất nhiều nhân viên giờ đã trở thành công nhân ở các nhà máy, KCN.

Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, thời cao điểm, số người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch ở Quảng Ninh là khoảng 23.000 người. Trong đó, khoảng 20.000 lao động làm việc trong các khách sạn, cơ sở lưu trú; 3.000 người làm việc trực tiếp trên 500 tàu du lịch.

Theo một số giám đốc công ty du lịch tại Quảng Ninh, chỉ có thể hy vọng những người được đào tạo chuyên sâu, gắn bó nhiều năm với ngành du lịch trở lại nghề khi dịch qua đó; còn những đối tượng khác không chắc đã quay lại. Khi đó, ngành du lịch đành phải làm lại “ván mới”.Nguyễn Hùng

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Báo Thái Lan nói về cách thức làm mới ngành du lịch ở Việt Nam

Ngọc Quang |

Tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Thái Lan đã có bài viết về những nỗ lực của ngành du lịch của Việt Nam trước những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Công ty Thái Lan mở "kỳ nghỉ vaccine" để cứu vãn ngành du lịch

Hải Nam |

Một chuyến đi từ Thái Lan tới Mỹ, tiêm vaccine và tận hưởng kỳ nghỉ có giá từ 2.400 – 6.400 USD. Giám đốc một công ty lữ hành Thái Lan cho biết, "chúng tôi phải làm bất cứ thứ gì có thể".

COVID-19 tái bùng phát: Doanh nghiệp du lịch làm gì để không gục ngã?

Xuân Mai |

Không giống những lần trước, khi COVID-19 bùng phát lần này, các doanh nghiệp du lịch nếu còn tồn tại đều nhanh chóng xốc lại tinh thần và tìm cho mình con đường riêng để "không gục ngã."

BN3141 đã đến du lịch nhiều nơi tại TP Nha Trang và TP Đà Lạt

Gia Hân |

Ngày 8/5, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, liên quan đến BN3141 có lịch trình tại TP Đà Lạt, bước đầu ngành y tế địa phương đã truy vết và cách ly 179 trường hợp là F1.