Thời điểm này các địa phương trong tỉnh đang vào mùa cao điểm thu hoạch lúa vụ đông xuân năm 2021. Để kịp vụ mùa, nhiều người dân đã phơi lúa, rơm rạ trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, tuyến tỉnh lộ và cả Quốc lộ 1…. Tình trạng này không những gây mất mĩ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Ba xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuỷ là vựa lúa của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) với hàng ngàn hecta diện tích đất trồng lúa. Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân đang tích cực xuống đồng thu hoạch vụ mùa. Với việc sử dụng máy gặt đập liên hợp nên mỗi ngày, khối lượng lúa thành phẩm thu được rất lớn. Bởi vậy, người dân đã tận dụng các tuyến đường liên thôn, liên xã để làm chỗ phơi và sử dụng gạch, đá, cành cây để ngăn các phương tiện đi vào phần lòng đường đã bị lấn chiếm.
Trung tá Trần Hữu Năm, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Vĩnh Linh cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người mà nguyên nhân là do người dân lấn chiếm lòng, lề đường để phơi lúa, rơm rạ. Chỉ trong 1 tuần đầu thời điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân năm nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông tại xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Long. Mặc dù Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện đã tăng cường nhắc nhở, chấn chỉnh người dân để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông nhưng tình trạng trên vẫn chưa chuyển biến.
Không riêng ở huyện Vĩnh Linh mà ở các địa bàn các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong… tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để phơi lúa, rơm rạ cũng diễn ra phổ biến. Việc 1/2 con đường bị người dân lấn chiếm đã gây nhiều khó khăn cho các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô khi qua các đoạn đường dốc, đường quanh co hạn chế tầm nhìn. Nhiều người dân đều biết rõ mối nguy hiểm khi phơi lúa, rơm rạ trên đường, tuy nhiên không có phương án nào tối ưu hơn nên họ đành “mượn tạm” đường làm chỗ phơi. Và tình trạng này cứ lặp đi lặp lại từ mùa gặt này sang mùa gặt khác.
Việc người dân tận dụng đường giao thông làm nơi phơi thóc, phơi rơm rạ là hành vi vi phạm luật giao thông. Tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại điểm b, khoản 1, Điều 12, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ. Trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường bộ quy định tại Điều 261, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tiền từ 5 triệu đến 300 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất đến 10 năm.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thị xã trong toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, kịp thời phát hiện nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến việc lấn, chiếm lòng lề đường.
Trung tá Nguyễn Gia Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Gio Linh, cho biết thêm: Thực tế cho thấy, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường để phơi nông sản là tuyên truyền. Bởi vậy, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Gio Linh đã phối hợp tích cực với công an các xã trên địa bàn tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, qua đó vận động để người dân không sử dụng mặt đường làm sân phơi.
Thiết nghĩ, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, người dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, không chiếm dụng lòng, lề đường để phơi thóc lúa, rơm rạ gây cản trở giao thông, góp phần bảo vệ an toàn cho chính mình và những xung quanh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)