Bệnh quai bị là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh quai bị nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng trong đó có vô sinh.
Quai bị dễ lây lan cộng đồng
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp vì thế rất dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là đối với trẻ em. Người lớn nếu chưa có miễn dịch cũng có thể mắc bệnh.
Tại Việt Nam, bệnh quai bị thường gặp dưới dạng các vụ dịch vừa, nhỏ hoặc ca bệnh tản phát trên cả nước, với tỉ lệ mắc hàng năm dao động từ 10-40/100.000 dân, tập trung cao hơn ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên.
Bệnh chủ yếu lây truyền trực tiếp qua những giọt nước bọt nhỏ khi nói chuyện, ho… bắn ra. Tỉ lệ lây nhiễm cao nhất xảy ra vào khoảng 48 giờ trước khi khởi phát bệnh. Thời gian ủ bệnh rất lâu từ 12-25 ngày, thường là 18 ngày.
Biến chứng của quai bị
Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm tiêm chủng VNVC: Đối tượng dễ mắc quai bị nhất là trẻ em ở lưa tuổi 5-9 và vào mùa đông xuân.
Bệnh quai bị có thể gây các biến chứng như viêm màng não, viêm tinh hoàn – thường là một bên, viêm buồng trứng. Biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới có thể gây vô sinh, tỉ lệ chiếm từ 3-4/1.000
Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỉ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.
Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
Tỉ lệ viêm buồng trứng ở nữ giới chiếm khoảng 7%, thấp hơn rất nhiều so với biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, tuy nhiên biến chứng này cũng để lại những hậu quả nặng nề.
Viêm buồng trứng do quai bị ảnh hướng phần lớn đến các trường hợp sau tuổi dậy thì. Sau khi quai bị được điều trị và giảm bớt các triệu chứng, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu viêm buồng trứng như đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn ở một bên hố chậu hoặc vùng bụng dưới, kèm theo sốt, ra nhiều khí hư bất thường, có mùi hôi, biến đổi về màu sắc…
Nếu không điều trị sẽ có nguy cơ tình trạng dính buồng trứng, u nang ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, mưng mủ ở buồng trứng, ống dẫn trứng, tắc vòi trứng, hình thành apxe trên buồng trứng, chất lượng trứng suy giảm… gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới.
Khi bị mắc quai bị, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chống viêm vì không có tác dụng ngăn lại biến chứng.
(Nguồn: Báo Lao Động)