Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6: Những giấc mơ được điều khiển từ xa

Thái Hưng |

Có bao nhiêu bố mẹ ngày nay có thể nói với con rằng: "Lớn lên con làm gì cũng được, miễn là lương thiện và vui"? Ai cũng nói trẻ con ngày nay quá sướng mà họ không biết rằng, đôi khi nỗi khổ của chúng còn "quá" gấp nhiều lần.

Vài năm trở lại đây, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, con người có thêm một nỗi lo mới: Sự bành trướng của robot trong tương lai. Thực ra, đó là nỗi lo của người lớn và nhất là những người làm cha mẹ. Cha mẹ đua nhau đi học các lớp định hướng nghề nghiệp tương lai cho con cái. Những trung tâm dạy STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học) phát triển rầm rộ. Lũ trẻ thay vì nhởn nhơ với cỏ cây mây trời thì lao vào các căn phòng kín bưng điều hòa máy lạnh học đủ thứ trên đời để chuẩn bị cho một cuộc đua cứ ngỡ là viễn tưởng: Chiến thắng robot - thứ do chính con người tạo nên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có nhiều đứa trẻ thích thú, có nhiều đứa trẻ không thích thú cũng không ghét. Chúng học những gì cha mẹ yêu cầu theo một thói quen vâng lời được rèn từ nhỏ. Với những đứa trẻ không thích thú, thậm chí là thù ghét nhưng không phản kháng được. Một cô giáo đứng lớp lập trình ở trung tâm STEM cho biết: Trong mỗi trung tâm học tập ngoài giờ, đều có ba thành phần như thế. Đông đảo hơn cả là nhóm thứ hai: không thích thú - không ghét - không say mê - không phản kháng.

Những đứa trẻ càng "sướng" (lớn lên giữa các hộp bê tông khổng lồ nơi thành thị, được đầu tư trang bị tận chân răng về vật chất, được ăn ngon, mặc đẹp, chơi sang) càng phải chạy đua với thời gian, càng bị ám ảnh bởi cuộc chiến khoa học viễn tưởng với trí tuệ nhân tạo, càng mang nhiều sức nặng của các chip vi mạch cài đặt khắp nơi trong cơ thể. Những đứa trẻ sung sướng theo định nghĩa của người lớn ấy có hạnh phúc không? Những đứa trẻ rồi sẽ tung cánh bay đi khắp nơi, nhận học bổng toàn phần trị giá vài trăm ngàn đô, nghiên cứu ra những con robot xuất chúng hơn để đánh lại những con robot của thời cha mẹ, cạnh tranh được với những trí tuệ xuất sắc toàn cầu rồi có hạnh phúc không? Rồi những đứa trẻ "cấp 2" không lọt được vào nhóm đó có bị xem là thất bại? Đến những đứa trẻ "ngoại hạng", không có điều kiện cả về vật chất lẫn trí tuệ để đặt chân vào cuộc đua viễn tưởng ấy có bị xem là bỏ đi?

Có bao nhiêu bố mẹ ngày nay có thể nói với con rằng: “Lớn lên con làm gì cũng được, miễn là lương thiện và vui“. Ảnh minh họa
Có bao nhiêu bố mẹ ngày nay có thể nói với con rằng: “Lớn lên con làm gì cũng được, miễn là lương thiện và vui“. Ảnh minh họa

Hẳn là nhiều bậc cha mẹ cũng đang bối rối quắn quýt với những câu hỏi ấy. Họ lo lắng con mình rơi xuống "cấp 2" và sợ hãi khi nghĩ đến con mình bị đẩy ra khỏi cuộc đua. Nỗi sợ hãi và bất an trong lòng cứ thế được nung nấu và biến thành hành động: Không thể nào, con cái của họ không thể thua kém được. Cứ thế, họ tiếp tục tìm mọi cách để tiếp sức cho con, đẩy con mình vào cuộc đua gay cấn càng sớm càng tốt, càng non dại càng tốt. Họ nghiên cứu đủ ngành nghề công việc, những xu hướng tương lai để đảm bảo định hướng đúng cho con ngay từ bước chân đầu đời: học trường gì, học môn gì, làm dự án thiện nguyện gì thì sẽ dễ vào được trường tốt, giành học bổng "ngon", kiếm được việc nhiều tiền, có cơ hội thành công, có địa vị xã hội cao...

Những giấc mơ trong veo ngây thơ như làm chú lái xe, làm cô thợ cắt tóc gội đầu, làm anh lính cứu hỏa sớm bị dập tắt trong trứng nước. Sẽ rất nhanh thôi, những đứa trẻ - với các lệnh mã hóa được cài đặt từ cha mẹ - sẽ xem những nghề nghiệp ấy không xứng với bản thân mình. Những đứa trẻ - với các lệnh mã hóa được cài đặt từ cha mẹ - sẽ bắt đầu những giấc mơ lớn lao hơn với những định nghĩa về thành công cụ thể hơn được định lượng bằng tiền bạc và danh vị. Những giấc mơ được điều khiển từ xa để không đi lệch đường. Mà cả người mơ lẫn người được cài đặt giấc mơ không hề biết rằng: mọi chuyến bay đều có rủi ro và hạnh phúc không nằm ở nhà ga.

Những giấc mơ trong veo ngây thơ như làm chú lái xe, làm cô thợ cắt tóc gội đầu, làm anh lính cứu hỏa sớm bị dập tắt trong trứng nước. Ảnh minh hoạ
Những giấc mơ trong veo ngây thơ như làm chú lái xe, làm cô thợ cắt tóc gội đầu, làm anh lính cứu hỏa sớm bị dập tắt trong trứng nước. Ảnh minh hoạ

Con cái chúng ta có hạnh phúc không? Đó là câu hỏi mà ít người đặt ra. Bởi người làm cha mẹ luôn an tâm khi cung cấp cho con sự đủ đầy sung sướng về vật chất. Trong khi chính họ, với sự đủ đầy ấy, sung sướng ấy, vẫn đang giãy giụa mỗi ngày với những nỗi đau khổ không thể gọi tên, không dám thổ lộ, không có ai để giãi bày. Chỉ là chính họ không dám thừa nhận sự thật rằng: Sung sướng không đồng nghĩa với hạnh phúc.

Chính họ cũng không dám thừa nhận rằng: sống bằng giấc mơ của người khác chẳng có gì thú vị, sống với những kỳ vọng của người khác chẳng có gì thoải mái. Nhưng những điều người lớn chúng ta không chịu được thường lại bắt con cái phải cố mà chịu với niềm tin mông lung rằng: Điều đó tốt cho con trong tương lai. Mà tương lai là thứ chẳng ai biết trước.

Nhân danh cha mẹ, chúng ta đưa ra định nghĩa về những điều tốt để con cái phải làm trong khi chính chúng ta không thực hiện được. Những điểm số, những thứ hạng, những cuộc thi, những phẩm chất, những năng lực... lũ trẻ phải ra sức phấn đấu để đạt chuẩn giữa một thế giới có muôn vàn những người lớn không đạt chuẩn. Còn hạnh phúc cứ ở đâu đó mịt mùng.

Dĩ nhiên, không cha mẹ nào muốn con cái khổ đau. Chỉ có điều hạnh phúc là gì thì chính họ đôi khi lại không có lời giải đáp. Không có đáp án cho mình thì không có đáp án cho con. Chúng ta mang khát khao và sự kỳ vọng về hạnh phúc không đạt được để đặt lên con cái mà vô minh không biết rằng chỉ cần buông xuống mọi kỳ vọng là cả mẹ cả con đều vui.

Những đứa trẻ - với các lệnh mã hóa được cài đặt từ cha mẹ - sẽ bắt đầu những giấc mơ lớn lao hơn với những định nghĩa về thành công cụ thể hơn được định lượng bằng tiền bạc và danh vị. Ảnh minh hoạ
Những đứa trẻ - với các lệnh mã hóa được cài đặt từ cha mẹ - sẽ bắt đầu những giấc mơ lớn lao hơn với những định nghĩa về thành công cụ thể hơn được định lượng bằng tiền bạc và danh vị. Ảnh minh hoạ

Một lúc nào đó, chúng ta có thể nói với con rằng: Chẳng ai giỏi hết mọi thứ nên con cũng không cần giỏi mọi thứ đâu; Mẹ từng ước mơ thành bác sĩ nhưng vì học kém nên không thực hiện được giấc mơ ấy, nếu con có giấc mơ gì đó mà không thực hiện được cũng là điều bình thường thôi... Những điều khó nói ấy phải chăng nó làm cho chúng ta mất uy trước con cái? Nhưng sự thật là, mọi đứa trẻ đều ngưỡng mộ và yêu thương cha mẹ của mình vô điều kiện, cho dù cha mẹ có làm nghề gì, giàu hay nghèo, tốt hay xấu, thành công hay thất bại. Chỉ cần trao cho chúng lời yêu thương và sự sẻ chia, chúng sẽ trao lại cho ta gấp trăm nghìn lần như thế.

Vậy nên, hãy cho trẻ được mơ giấc mơ của riêng chúng, được cất cánh bay khám phá bầu trời của riêng chúng. Nếu chúng vấp ngã, chúng lạc đường, chúng sai lầm, hãy cứ ở bên như một cái cây để chúng có điểm dừng chân mát mẻ, lấy sức mà làm lại. Xét cho cùng, những người làm cha mẹ như chúng ta, dù chuẩn bị tốt đến đâu cho con cái, dù có cài đặt một hệ điều khiển hoàn hảo đến mức nào, chúng ta vẫn phải đối mặt với rủi ro xảy ra. Và khi ấy, liệu chúng ta có thể ruồng bỏ, vứt con đi như vứt một con robot lỗi? Không, điều duy nhất chúng ta có thể làm khi ấy là ôm con vào lòng và nói: Con sai rồi, bố mẹ yêu con. Bởi vì chúng ta là con người. Chúng ta chỉ cần sống như một con người với muôn vàn xúc cảm và ước mơ...

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)

TAGS

Tết Thiếu nhi 1/6: Cách chọn quà tặng phù hợp theo từng lứa tuổi

Vân Anh |

Chọn quà tặng đúng với lứa tuổi của con sẽ giúp bé hào hứng khám phá và tương tác với món đồ hiệu quả nhất. Bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây để chọn món quà tặng phù hợp nhất với bé trong dịp Tết Thiếu nhi 1/6 năm nay.

Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và những truyền thống thú vị

CTV Vân Khánh |

Các bạn nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sở hữu những vị trí trong Quốc hội và “điều hành” đất nước một cách tượng trưng trong ngày kỷ niệm...

Sách - món quà bổ ích cho thiếu nhi dịp 1.6

M.Ka |

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhiều nhà xuất bản vẫn cố gắng phát hành nhiều tác phẩm dành cho trẻ nhỏ nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6.

Gần 300 học sinh tham gia Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Ngày 25/4/2021, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức khai mạc “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam” huyện Vĩnh Linh lần thứ 13 năm 2021.