Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, những năm qua, các câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau ở huyện Đakrông (Quảng Trị) là điểm tựa vững chắc, giúp nhiều người cao tuổi (NCT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm về nhiều mặt, tạo điều kiện để sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Qua đó, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT tại cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Khi mới thành lập vào năm 2012, CLB liên thế hệ tự giúp nhau thôn Tà Lang, xã Ba Lòng có 23 thành viên. Quá trình hoạt động, CLB nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình từ các cấp, các ngành, trực tiếp là Hội NCT huyện, đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Bình quân mỗi tháng 1 lần, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ. Để các buổi sinh hoạt chất lượng, hiệu quả, Ban chủ nhiệm (BCN) CLB xây dựng chủ đề sinh hoạt phong phú, tạo hứng thú cho các thành viên tham gia.
Thấy được những lợi ích từ CLB mang lại, một số NCT ở thôn xin gia nhập, đến nay tổng số thành viên của CLB là 27 người. Từ nguồn quỹ của Tổ chức hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) tài trợ vốn ban đầu 140 triệu đồng, CLB đã hướng dẫn thành viên làm thủ tục cho vay với lãi suất 1%/tháng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, tất cả thành viên đều được vay vốn của CLB với số tiền gốc và lãi 150,7 triệu đồng. Trong quá trình vay vốn, BCN hướng dẫn thành viên thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp như chăn nuôi gà, lợn, vịt, ngan; trồng nấm rơm, làm giá đỗ, trồng gấc và đã có nhiều thành viên triển khai cho thu nhập tốt. Bên cạnh đó, cử tất cả các thành viên đi học cách trồng nấm tại thị xã Quảng Trị và CLB đã xây dựng được một số mô hình trồng nấm hiệu quả.
Mỗi quý CLB đều chọn 1 chủ đề để truyền thông và có hỏi đáp để cho thành viên dễ nhớ, dễ hiểu. Tại buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng, BCN mời cán bộ khuyến nông xã truyền thông về trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cho thành viên. Phối hợp với trạm y tế tổ chức khám, lập sổ theo dõi sức khỏe cho thành viên; tư vấn về giữ gìn sức khỏe, ăn uống hợp lý, vệ sinh an toàn thực phẩm, các bệnh thường gặp ở người già và cách phòng tránh.
Tổ chức tập dưỡng sinh, thể dục tập thể. Nhờ vậy, sức khỏe các thành viên CLB được cải thiện đáng kể. CLB còn thành lập tổ tình nguyện viên với 8 thành viên để giúp đỡ hỗ trợ những người cô đơn, không nơi nương tựa, những người đau ốm thường xuyên bằng những việc làm thiết thực, như tìm kiếm củi, dọn dẹp nhà cửa, làm cỏ vườn, thu hoạch mùa màng, vệ sinh thân thể.
Trong các ngày lễ, tết và hằng tháng, CLB tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh nhà tượng đài liệt sĩ, nhà cộng đồng, vườn nhà… làm cho môi trường xung quanh xanh, sạch, đẹp. CLB còn xây dựng quy chế thăm hỏi khi thành viên đau ốm, hoạn nạn hoặc gia đình có hiếu hỉ. Thành lập 2 đội văn nghệ biểu diễn vào đầu buổi sinh hoạt tạo không khí vui tươi hoặc tham gia biểu diễn tại thôn, xã mỗi khi vào dịp lễ, tết... Chủ nhiệm CLB liên thế hệ tự giúp nhau thôn Tà Lang Hồ Văn Nhờ cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được Hội NCT huyện, UBND xã quan tâm thành lập CLB.
Đây là sân chơi bổ ích để NCT ở thôn có điều kiện gặp gỡ, tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe người già, phát triển kinh tế phù hợp, giáo dục con cháu đoàn kết xây dựng đời sống mới. Đặc biệt, những NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn.
Nhờ sự hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, đến nay, nhiều gia đình thành viên CLB đã phát triển trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống. Hầu hết các thành viên có nhiều thay đổi, tinh thần lạc quan, vui vẻ hơn. Thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng thêm một số mô hình phát triển kinh tế cho các thành viên CLB”.
Từ khi xây dựng điểm mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau ở thôn Tà Lang đến nay, toàn huyện Đakrông phát triển thêm 9 CLB, bao gồm: Thôn 5, Tân Trà, Đá Nổi (Ba Lòng), Ba Rầu, Phú Thiềng (Mò Ó), Phú An, Hà Bạc, Ka Reng (Hướng Hiệp) và Cu Tài 1 (A Bung). Trong đó, có 8 CLB được Tổ chức HAI hỗ trợ vốn ban đầu 140 triệu đồng/CLB để giúp các thành viên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế.
Mỗi thành viên được vay tối đa 5 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng, lãi nộp theo định kỳ, thời hạn vay vốn 18 tháng; lãi 50% được nhập vào vốn và 50% còn lại dùng để chi phí các hoạt động của CLB. Các hoạt động chính của CLB là giúp nhau tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên; tự giúp nhau hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NCT; nâng cao nhận thức, kiến thức về khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người già; chăm sóc đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, giao lưu; vận động nguồn lực để phát triển CLB. Thông qua các hoạt động này, các CLB đã quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe, hỗ trợ các thành viên về vốn, hướng dẫn cách làm ăn… để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trưởng Ban đại diện Hội NCT huyện Đakrông Nguyễn Ngọc Thản cho biết: “Từ năm 2019 đến đầu năm 2022, do bị ảnh hưởng của COVID-19 nên một số hoạt động của các CLB tạm thời dừng lại, tuy nhiên việc sử dụng nguồn vốn vay do Tổ chức HAI hỗ trợ để phát triển kinh tế của các thành viên vẫn được duy trì tốt. Sau khi dịch bệnh ổn định trở lại, các CLB tiếp tục tổ chức sinh hoạt định kỳ và tăng cường các hoạt động hỗ trợ giúp nhau theo kế hoạch.
Thời gian tới, Hội NCT huyện hỗ trợ các CLB tìm kiếm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh có hiệu quả để giúp đỡ thành viên có nhu cầu được vay vốn và cải thiện được cuộc sống. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia và nhân rộng mô hình CLB đến các địa phương trong huyện, tạo điều kiện để NCT tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và sống vui, sống khỏe, sống có ích. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương quan tâm phối hợp hỗ trợ các CLB hoạt động hiệu quả hơn”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)