Nhiều người đặt câu hỏi chủ nhà sẽ bị xử lý ra sao khi nuôi nhốt trái phép nhiều động vật hoang dã quý hiếm như vậy?
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An vừa phát hiện 17 con hổ được nuôi nhốt trái phép tại nhà ông Nguyễn Văn Hiển (39 tuổi) và nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi, cùng ở huyện Yên Thành).
Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hổ được xếp vào lớp thú, bộ ăn thịt, thuộc nhóm IB (nhóm động vật rừng quý, hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng và nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là hành vi có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật hình sự 2015.
Điều 244 bộ luật này quy định người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-15 năm.
Luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và liên danh) khẳng định hổ là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm và được ưu tiên bảo vệ xếp số thứ tự 29 trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Cá nhân muốn nuôi nhốt hổ phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trường hợp nuôi nhốt trái phép có thể bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự theo Điều 244 Bộ luật hình sự 2015.
Viện dẫn quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, luật sư Tuấn cho biết để cấu thành tội phạm hình sự theo tội danh này, người vi phạm phải có hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho hoặc nuôi, nhốt động vật quý hiếm.
Đối với vụ việc xảy ra ở Nghệ An, luật sư đánh giá có căn cứ để xử lý hình sự những người này. Cơ quan chức năng cần làm rõ số lượng hổ nuôi tại mỗi hộ gia đình là bao nhiêu để đưa ra khung hình phạt phù hợp.
Theo Điều 244 bộ luật này, người nuôi 3-7 con hổ sẽ bị phạt tiền hoặc đối diện mức án 1-5 năm tù; nuôi 8-11 cá thể đối diện mức án 5-10 năm tù. Trườn hợp nuôi từ 12 con hổ trở lên đối mặt án tù 10-15 năm.
(Nguồn: Phụ nữ mới)