Ngày 24/3, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ mít tinh phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”.
Đây là hoạt động của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Giám đốc Dự án VFBC, Phó Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Hưng tham dự lễ mít tinh.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã (ĐVHD). Nhu cầu tiêu thụ liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam.
Khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) thực hiện năm 2021 cho thấy khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần tiêu dùng thịt ĐVHD trung bình lên tới 7 lần/ năm/khách hàng.
Những phát hiện quan trọng này đòi hỏi cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt ở các cấp, ngành để giảm tiêu thụ ĐVHD. Điều này cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về nguồn lực và truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi buôn bán ĐVHD và sử dụng thịt thú rừng.
Giám đốc Dự án VFBC Vũ Văn Hưng chia sẻ, lễ phát động chiến dịch hành động vì ĐVHD với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” là một trong những giải pháp quan trọng mà dự án đang thực hiện với mong muốn sẽ đóng góp một phần vào nỗ lực chung của tỉnh Quảng Trị và Việt Nam trong việc thực hiện các Công ước Quốc tế về khắc phục các vấn đề về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới phát triển bền vững.
Lễ phát động kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động vì ĐVHD, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo tồn thiên nhiên, lên án hành vi tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm ĐVHD. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được triển khai tại nhiều tỉnh như: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị và Quảng Bình trong tháng 3 – 5/2024.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, Quảng Trị là một trong những vùng được các nhà khoa học và các tổ chức Quốc tế đánh giá có tính đa dạng sinh học cao.
Hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng với hơn 110 loài thú, 198 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 336 loài cá và khoảng 2.152 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như: gà lôi lam mào trắng, sao la, bò tót, mang lớn, thỏ vằn; đỉnh tùng, lan hài, trầm hương...
Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đã và đang diễn ra, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm đang trong tình trạng nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng. Một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức về bảo tồn ĐVHD của công chúng còn hạn chế, thói quen tiêu thụ thịt thú rừng và chim hoang dã còn khá phổ biến.
Bên cạnh đó công tác về quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học đạt hiệu quả chưa cao; việc thực thi pháp luật nhằm bảo tồn ĐVHD, ngăn chặn săn, bắt ĐVHD trái pháp luật vẫn còn nhiều khó khăn.
Do vậy, để chiến dịch thành công và góp phần bảo tồn ĐVHD trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kêu gọi sự chung tay của cộng đồng và các cấp, các ngành liên quan cùng hành động vì ĐVHD.
Tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ các loài ĐVHD; đặc biệt tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao như: nhà hàng, quán ăn, địa điểm đông khách du lịch, nơi có các khu rừng tự nhiên và cư trú của các loài ĐVHD cũng như các loài di cư.
Tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không”: không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng, tiêu thụ trái phép ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Đẩy mạnh truyền thông và thực hiện ký cam kết cho các cơ sở nuôi, các nhà hàng, quán ăn không mua, bán, giết mổ, kinh doanh trái phép động vật hoang dã.
Tăng cường hợp tác liên ngành kiểm lâm, Tòa án, Viện Kiểm sát và khối kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm ngăn chặn nguy cơ và xử lý các vụ vi phạm liên quan tới săn bẫy và tiêu thụ ĐVHD qua kênh nhà hàng, quán ăn.
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng sống ở vùng đệm với các khu bảo tồn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ ĐVHD và tố giác các hành vi săn, bẫy, tiêu thụ ĐVHD tới chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)