Phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển

Thanh Trúc |

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển vào sáng nay 14/9. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái; Trần Lương Quang tham gia chủ trì. Tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp Nhà nước của địa phương. Tại điểm cầu Quảng Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tham dự.


Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội và các nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai đêm 12/9, rạng sáng 13/9.

Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng dẫn dắt các thành phần kinh tế khác

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển KT - XH. DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển KT - XH.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: T.T
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: T.T

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, trong 8 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, tăng trưởng có xu hướng quý sau tốt hơn quý trước.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 69,4% dự toán, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm...

Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, sức ép lạm phát, tăng trưởng gặp khó khăn, nhất là trong công nghiệp khi thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH còn chậm...

Để DNNN thực sự trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước” dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này.

Chỉ ra những tồn tại hạn chế trong chính doanh nghiệp, những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để đề xuất rõ cấp nào, bộ nào cần xử lý các vướng mắc đó, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng....Cùng với đó, cần nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của DNNN hiện nay, làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để hỗ trợ DNNN phát triển

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN, trong đó, còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 77 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn gồm: 6 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con.

Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỉ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỉ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; tổng lãi phát sinh trước thuế 117.388 tỉ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, tỉ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án...

Các điểm cầu tham dự hội nghị - Ảnh: T.T
Các điểm cầu tham dự hội nghị - Ảnh: T.T

Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận, tìm ra giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH tốt hơn, tập trung cho các động lực tăng trưởng, đặc biệt là về đầu tư. Các ý kiến đều cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch về hoạt động của DNNN.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đưa hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc về Quảng Trị

Tây Long |

Mong muốn thanh thiếu niên trong tỉnh có những trải nghiệm thật sự giá trị, một nhóm bạn trẻ đã kết nối với nhau tổ chức hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc tại Quảng Trị (QTMUN) 2023. Tuy mới lần đầu được tổ chức nhưng hội nghị đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” là sự khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ, kết nối tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư trong tương lai

Ánh Tuyết |

Chào mừng kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013 - 2023), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”, diễn ra từ ngày 3 - 4/8/2023 tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này, đồng chí HOÀNG NAM, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Báo Quảng Trị về những nội dung, chương trình của hội nghị quan trọng này.

Quảng Trị vinh dự là tỉnh đầu tiên tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”

PV |

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013-2023), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan - 1st Meet Thailand” từ ngày 3-4/8/2023, tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Rà soát các nội dung chuẩn bị hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”

Thanh Hải |

Ngày 27/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để rà soát nội dung chuẩn bị hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” tại tỉnh Quảng Trị.