Phát huy vai trò của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở Cam Lộ

Lê Trường |

Để ứng phó với những diễn biến khó lường khi mưa bão đến, công tác chuẩn bị, rà soát các phương án, phương tiện trong phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” được huyện Cam Lộ (Quảng Trị) triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ huyện đến cơ sở. Trong đó, quan tâm chú trọng kiện toàn lực lượng phòng chống thiên tai tại chỗ trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Tập trung củng cố các tổ đội xung kích phòng chống thiên tai ở các xã, thị trấn trở thành lực lượng thường trực, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp ở khu vực xảy ra thiên tai, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19.

Xã Cam Thủy là địa phương thuộc vùng thấp trũng của huyện Cam Lộ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Khi xảy ra lũ lụt, mực nước thường dâng lên nhanh và cao, chia cắt nhiều khu vực, gây không ít khó khăn cho công tác ứng cứu nếu không có các phương án cụ thể, kịp thời. Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, xã Cam Thủy đã tiến hành rà soát toàn bộ các phương án, nắm chắc danh sách các hộ dân, nhân khẩu nằm trong diện phải di dời khi có mưa bão xảy ra cũng như các địa điểm an toàn để đưa người dân đến nơi trú ẩn. Đồng thời, củng cố và phát huy vai trò của đội xung kích phòng chống thiên tai (PCTT) xã, tập huấn kỹ năng sử dụng các phương tiện, vật tư chuyên dụng khi có mưa lũ xảy ra.

Đội xung kích phòng chống thiên tai xã Cam Thủy tập huấn sử dụng thuyền máy cho các thành viên - Ảnh: L.T
Đội xung kích phòng chống thiên tai xã Cam Thủy tập huấn sử dụng thuyền máy cho các thành viên - Ảnh: L.T

Trước mùa mưa bão năm nay, toàn bộ các phương tiện như thuyền máy, thuyền chèo, các vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai đều được đưa ra để kiểm tra, bảo dưỡng. Các thành viên trong đội xung kích PCTT của xã và lực lượng xung kích các thôn đều được hướng dẫn, tập luyện các thao tác vận hành, kỹ năng lái thuyền và cứu hộ, cứu nạn khi mưa lũ xảy ra. “Nhìn qua thì việc điều khiển những chiếc thuyền máy, thuyền chèo không khó nhưng thực tế lại không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện khẩn cấp vì mưa lũ thì càng khó hơn. Để đảm bảo vận hành thuần thục và an toàn trong khi tổ chức ứng cứu Nhân dân khi có lũ lụt xảy ra, chúng tôi phải luyện tập thường xuyên”, anh Nguyễn Ngọc Thìn, thành viên lực lượng xung kích xã Cam Thủy chia sẻ.

Huyện Cam Lộ hiện có 7 xã, 1 thị trấn. 100% địa phương của huyện đã thành lập đội xung kích PCTT cấp xã và lực lượng xung kích tại các thôn, bản. Mỗi đội xung kích có khoảng 25-30 thành viên với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, công an xã cùng sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Các đội xung kích này đang phát huy rất tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PCTT, trực tiếp tham gia ứng phó khi mưa bão, lũ lụt xảy ra và khắc phục hậu quả ban đầu. Trong thời điểm hiện nay, bên cạnh hỗ trợ công tác PCTT, lực lượng xung kích luôn đi đầu trong công tác phòng, chống COVID-19. Theo đó, các tổ đội xung kích cơ sở thường xuyên tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng chống bão lụt trong bối cảnh phức tạp của COVID-19; tham gia cùng lực lượng chức năng phòng, chống COVID-19 hiệu quả.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh, các tổ đội xung kích trong PCTT trên địa bàn huyện là lực lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi có mưa lũ xảy ra. Đây chính là lực lượng xung kích trực tiếp tiếp cận sớm để tham gia xử lý các tình huống thời điểm đầu khi thiên tai xảy ra; phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài nhiệm vụ chung, mỗi đội xung kích được phân công theo từng nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với đặc thù thiên tai tại từng vùng, khu vực.

Khi mưa bão xảy ra, lực lượng xung kích cơ sở cùng các lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ và thực hiện tốt các phương án PCTT của huyện đề ra. Lực lượng xung kích từ Nhân dân mà ra, sống tại địa phương, hiểu dân và thông thuộc địa hình, xác định cụ thể các điểm xung yếu tại địa phương nên chủ động hơn trong các hoạt động của mình. Các tổ đội này cùng với ban chỉ đạo PCTT cấp xã và cấp huyện tích cực vận động Nhân dân chủ động trong việc gia cố nhà cửa, dự trữ các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, các nhu yếu phẩm khác để đối phó và khắc phục hậu quả khi mưa lũ xảy ra trong bối cảnh COVID-19 phức tạp như hiện nay.

Trước những nguy cơ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Trị khi mùa mưa bão đến, lực lượng xung kích cơ sở của huyện Cam Lộ vẫn đang tiếp tục tập luyện, nâng cao kỹ năng trong công tác cứu hộ, cứu nạn; là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong PCTT. Tuy nhiên, lực lượng này hiện còn thiếu sự thống nhất về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị làm việc và chính sách nên gặp không ít khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, nhiều nơi hoạt động còn mang tính hình thức. Để những tổ đội xung kích trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai hoạt động thực sự hiệu quả, thiết nghĩ cần có các cơ chế cụ thể, rõ ràng để lực lượng này an tâm, chủ động tham gia tích cực các hoạt động cứu hộ, cứu nạn ở địa phương mỗi khi thiên tai xảy ra.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhiều phương án ứng phó với thiên tai ở Triệu Phong

Xuân Vinh |

Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có hệ thống sông, hồ tương đối lớn, trong đó có các sông Thạch Hãn, Vĩnh Định, Vĩnh Phước hằng năm đến mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về mạnh gây ngập lụt nhiều địa phương. Năm 2020, lũ lụt làm 1 người chết, 10 người bị thương, hơn 1.600 tấn lúa, gạo bị hư hỏng, 330.000 con gia cầm, 1.586 con lợn bị chết, hàng trăm héc ta tôm bị thiệt hại, hàng chục cây số đường, 16,2 km kênh mương, 10 trạm bơm, 593m đê kè và gần 10 km bờ sông bị sạt lở, hư hỏng, tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 280 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hơn 220 ha đất sản xuất nông nghiệp bị đất cát bồi lấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Sỹ Hoàng |

Ngày 13/10/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN quản lý thiên tai theo hình thức trực tuyến. 

Hơn 3 tỷ đồng phục hồi hơn 164 héc ta cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do thiên tai

PV |

Vừa qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có kế hoạch khôi phục hơn 164 héc ta cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do thiên tai năm 2020 theo Phương án 4492/PA-UBND ngày 24/9/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị.

Triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả việc ứng phó thiên tai nguy hiểm liên tiếp

PV |

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.