Ngày 28/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và ứng phó hoàn lưu sau bão Noru (bão số 4) tại huyện Đakrông.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn huyện Đakrông đã có mưa to làm nước sông dâng cao từ 0,5 – 2,5 m gây chia cắt một số tuyến đường ở các ngầm tràn thuộc các xã Ba Lòng, A Ngo, Húc Nghì, Đakrông... Mực nước tại các thủy điện trên địa bàn xả vượt ngưỡng từ 0,6 – 2 m.
Mưa bão làm mất điện trên địa bàn huyện vào lúc 22 giờ 55 phút ngày 27/9 đến tối 28/9 vẫn đang tiếp tục khắc phục. Để ứng phó với bão số 4, huyện Đakrông đã huy động lực lượng tổ chức chằng chống nhà cửa cho hơn 1.100 nhà ở; sơ tán 555 hộ/2.391 khẩu đến nơi an toàn.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu sau bão, tuyệt đối không chủ quan lơ là; thực hiện thống kê để có kế hoạch hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Bão số 4 đã làm sạt lở 3 điểm trên tuyến Quốc lộ 15D; gãy đổ cây xanh tại các tuyến đường trên địa bàn một số xã.
Các điểm ngầm, tràn bị ngập trên địa bàn huyện đã được các lực lượng tổ chức chốt chặn, tuyệt đối không cho người dân qua lại. Đồng thời, triển khai các phương tiện và lực lượng luôn sẵn sàng thực hiện công tác di dân khi có tình huống bất ngờ do mưa lũ và hoàn lưu sau bão.
Qua kiểm tra thực địa tại huyện Đakrông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu, sau bão địa phương cần kiểm tra lại tình hình dịch tễ, vệ sinh môi trường để đưa người dân trở lại ổn định sản xuất.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thiệt hại sơ bộ do bão số 4 gây ra trên địa bàn tỉnh khiến 8 người bị thương, hàng trăm nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; 5,6 km đường tại huyện Vĩnh Linh bị xói lở, hư hỏng; 2 cây cầu tại xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) bị cuốn trôi; nhiều công trình thủy lợi, đê kè, kênh mương tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong bị sạt lở, hư hỏng; một số ngầm, tràn của các xã thuộc các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông mực nước đang lên, làm chia cắt giao thông.
Đồng thời rà soát lại các công trình, cơ sở vật chất hư hỏng, bị lũ cuốn trôi để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nhằm có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư sửa chữa nâng cấp. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông vận tải cùng với các huyện Hướng Hóa, Đakrông tiếp tục rà soát, kiểm tra các ngầm, tràn, cầu để cắm biển báo, nghiêm cấm người dân qua lại tại khu vực nước dâng cao nguy hiểm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian nước đang còn dâng cao, cũng như hoàn lưu sau bão nghiêm cấm các hoạt động ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân; yêu cầu các cấp chính quyền phải thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các vùng bị chia cắt và tiếp tục chủ động gia cố các công trình, cơ sở vật chất nhằm hạn chế việc các thôn, bản bị chia cắt như đợt mưa lũ vừa qua.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)