Một trong những nội dung được quan tâm, đó là nên giữ hay bỏ rút BHXH một lần.
Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật BHXH sửa đổi. Một trong những nội dung được quan tâm, đó là nên giữ hay bỏ rút BHXH một lần.
Hiện tại dự án đang đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: giải quyết rút BHXH một lần với nhóm lao động tham gia trước khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có nhu cầu thì được rút BHXH 1 lần.
Đối với nhóm người tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án 2: người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nghỉ việc), không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có yêu cầu nhận BHXH một lần thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH về sau.
Cả 2 phương án đều chưa thực sự tối ưu
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang - cho rằng, cả 2 phương án đều chưa thực sự tối ưu, cần tiếp tục nghiên cứu. Phương án 1 sẽ không bảo đảm công bằng giữa người tham gia BHXH trước và sau khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.
Bởi lẽ, lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần là để bù đắp cho những khó khăn về kinh tế, lo cho cuộc sống trước mắt. Quy định như phương án này có nguy cơ không động viên được người trẻ, người lao động mới tham gia BHXH, khi mà tích lũy từ tiền lương của người lao động còn rất thấp.
"Như vậy, vô hình trung sẽ không tạo động lực cho người lao động trẻ, mới tham gia BHXH, không đảm bảo nguyên tắc công bằng như quan điểm xây dựng luật đã nêu…", bà Thanh Cầm nói.Còn với phương án 2, nữ đại biểu tỉnh Tiền Giang cho rằng, người lao động vẫn được rút BHXH một lần nhưng không quá 50%, là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Việc chỉ được rút 50% chưa phải là phương án tốt hỗ trợ cho người lao động, khi họ đang phải đương đầu với khó khăn trước mắt của cuộc sống.
Đặc biệt hơn, khi người lao động rút BHXH một lần là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này lại chủ yếu là dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình, sinh con và nuôi con nhỏ.
Chưa kể, phương án này sẽ tạo khác biệt khá lớn về số tiền hưởng BHXH một lần giữa người hưởng BHXH một lần trước và sau khi luật sửa đổi có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu mở rộng, gia tăng quyền lợi, tạo sự hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH.
"Tôi ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể", bà Cầm nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh cần có các hình thức hỗ trợ về tín dụng và đẩy mạnh truyền thông để người lao động nhận thức được lợi ích của việc tham gia BHXH lâu dài, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.
Được rút BHXH một lần không phân biệt trước hay sau luật mới
Giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, việc sửa luật lần này góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có Nghị quyết 28, tiến tới thực hiện chính sách BHXH đa tầng và BHXH toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Về quy định hưởng BHXH một lần, người đứng đầu ngành Lao động Thương binh & Xã hội cho biết, phương án quy định việc rút BHXH một lần, cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là có quyền rút BHXH. Thứ hai là phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo, để người dân có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các phương án sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần, không phân biệt người đóng bảo hiểm trước hay sau khi luật có hiệu lực.
Về mức cho rút BHXH, Bộ trưởng nhắc lại phương án 2, người lao động chỉ được rút 50% và bảo lưu 50% còn lại. Ông lý giải, 50% thời gian đóng BHXH được bảo lưu sẽ ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi. Khi quay trở lại tham gia bảo hiểm, người lao động sẽ được cộng tiếp vào thời gian đóng. Còn nếu không tái tham gia BHXH, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu.
"Phương án bảo lưu 50% thời gian đóng đảm bảo quyền của người tham gia hưởng BHXH một lần, công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, phù hợp với khuyến nghị tổ chức quốc tế và cũng vẫn giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)