Quan tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới

Ngọc Trang |

Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) tích cực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới bằng nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. 

Qua đó, phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển KT-XH ở các xã biên giới kết hợp với tăng cường và củng cố QP-AN, đối ngoại; khơi dậy ý thức tự giác, tích cực vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đakrông là huyện miền núi biên giới, có gần 80% dân số là người Vân Kiều, Pa Kô, 5 xã biên giới thuộc khu vực III (A Bung, A Ngo, A Vao, Ba Nang, Tà Long) có chung đường biên giới với huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) với 61,226 km đường biên giới, 1 Cửa khẩu quốc tế La Lay và 1 cửa khẩu phụ Cóc. Các cụm dân cư phân bố rải rác trên địa hình đồi núi, khe suối rất phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhất là các thôn ở vùng sâu, vùng xa giáp biên giới với nước bạn Lào.

Được các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, người dân ở xã A Ngo có điều kiện khôi phục, phát triển giống lúa nếp than -Ảnh: N.T
Được các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, người dân ở xã A Ngo có điều kiện khôi phục, phát triển giống lúa nếp than -Ảnh: N.T

Trước điều kiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, huyện Đakrông triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, chính sách về phát triển KT-XH, trong đó có các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án... cho vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; Đề án “Chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 - 2022”...

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đakrông ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm giúp đồng bào các DTTS, đặc biệt là người nghèo giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống với vùng đồng bằng.

Với vị trí là huyện biên giới có Cửa khẩu quốc tế La Lay kết nối với vùng kinh tế Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, huyện Đakrông triển khai quy hoạch chung đô thị Tà Rụt trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam của huyện, gắn với khai thác lợi thế của cửa khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao thương hàng hóa.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành của tỉnh thực hiện tốt quy hoạch Cửa khẩu quốc tế La Lay, Cửa khẩu phụ Cóc, định hướng nâng cấp thành cửa khẩu chính giai đoạn 2020 - 2025 nhằm phát triển hoạt động giao thương biên giới với nước bạn Lào. Đồng thời, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa xúc tiến đầu tư các dự án như: kinh doanh xăng dầu, kho hàng - kinh doanh, kho ngoại quan, đầu tư hạ tầng cơ sở tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay; xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống chợ nông thôn tại các xã biên giới; phát triển mạng lưới giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và nhu cầu đi lại của Nhân dân vùng biên giới.

Giai đoạn 2018-2023, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH cho các xã biên giới trên địa bàn huyện 287,263 tỉ đồng. Nhờ vậy, người nghèo toàn huyện nói chung và khu vực biên giới nói riêng được tiếp cận tốt hơn với y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin... Công tác quân - dân y kết hợp không ngừng được tăng cường, góp phần tích cực vào phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các thôn, bản vùng biên giới trên địa bàn huyện.

Công tác giảm nghèo được huyện quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về chính sách vốn ưu đãi, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhà ở, tiền điện và các chương trình hỗ trợ khác.

Riêng trong năm 2023, huyện tạo việc làm mới cho 1.244 lao động, đạt 191,38% kế hoạch năm; 70 người xuất khẩu lao động, đạt 116,67% kế hoạch. Trong đó, các xã biên giới tạo việc làm mới 676 lao động, đạt 233,1% kế hoạch; xuất khẩu lao động của các xã biên giới 25 lao động, đạt 113,6% kế hoạch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực để phát triển KT-XH tại các xã biên giới được quan tâm.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới; tạo sinh kế cho người dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Giai đoạn 2021- 2023, UBND huyện đã giao rừng tự nhiên có chức năng sản xuất cho 14 hộ gia đình thôn La Hót, xã A Bung với diện tích 109,97 ha; cộng đồng thôn Ly Tôn, xã Tà Long 377,78 ha; nâng tổng diện tích giao đất, giao rừng tự nhiên trên địa bàn 5 xã biên giới lên 2.413,56 ha.

Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên đã giao đều được hưởng chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân và cộng đồng được giao rừng. Cuối năm 2023, 5 xã biên giới huyện Đakrông không còn hộ đói, không còn hộ dân ở nhà tạm, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo hơn 5%/năm. Bình quân các xã biên giới của huyện đạt 8,2 tiêu chí/xã NTM. Các xã biên giới đều đạt các tiêu chí NTM về văn hóa; 100% xã biên giới có tổ chức đảng.

Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với huyện nghèo Đakrông và các xã biên giới. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập đảm bảo cuộc sống, giảm áp lực đến nguồn tài nguyên rừng.

Đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng các điểm du lịch tại các xã biên giới. Có các chính sách, chương trình dự án, hỗ trợ nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các xã miền núi và đồng bằng; có các chính sách đặc thù đối với huyện Đakrông để hoàn thành các tiêu chí NTM.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

H.L |

Đây là nội dung tại Công điện 1385/CĐTTg ngày 20/12/2023 về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Nguyễn Đình Phục |

Nhiều năm qua, những người có uy tín trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát huy vai trò của mình trong công tác vận động, tuyên truyền Nhân dân tham gia các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước. Hoạt động của những người có uy tín đã góp phần cùng chính quyền và Nhân dân làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Phát triển phong trào thể dục thể thao trong người đồng bào dân tộc thiểu số

Hoài Diễm Chi |

Những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) không ngừng phát triển trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Trị. Hoạt động thể thao phong trào diễn ra sôi nổi, rộng khắp từ các môn hiện đại đến truyền thống đã tạo điều kiện để người Vân Kiều, Pa Kô được vui chơi giải trí, vận động nâng cao sức khỏe, tập luyện và thi đấu. Đồng thời, hoạt động TDTT góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống dân tộc.

Thăm, tặng quà cho 89 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kăn Sương |

Từ ngày 12 – 20/12, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đến thăm hỏi, tặng quà động viên 89 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.