Ma túy được xem là hiểm họa của nhân loại vì nó làm hủy hoại con người, làm băng hoại các giá trị đạo đức xã hội. Chính vì vậy, cuộc chiến chống ma túy đầy cam go và thách thức. Để chung tay đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, cần có sự cộng đồng trách nhiệm.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Nguyễn Đình Lực cho biết: Hiện nay, tình hình tội phạm về ma túy diễn biến hết sức phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc đấu tranh, ngăn chặn.
Hầu hết các đối tượng sử dụng mạng xã hội để liên lạc trong quá trình tổ chức vận chuyển, mua bán ma túy, số ít sử dụng phương thức “truyền thống” qua điện thoại thông thường. Các đối tượng có quy ước riêng, sử dụng từ lóng, tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài để tránh bị phát hiện, bắt giữ.
Thủ đoạn vận chuyển là ký gửi ma túy trên các phương tiện vận tải đường bộ, cất giấu trong hàng hóa và sử dụng họ tên, địa chỉ giả, lợi dụng chuyển phát nhanh gây khó khăn trong công tác đấu tranh. Vẫn còn tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện để hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Hoạt động của tội phạm ma túy ở địa bàn ngoại biên đối diện biên giới tỉnh Quảng Trị có chiều hướng gia tăng. Nguồn ma túy hiện nay rất dồi dào và đa dạng, giá rẻ và đã hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với quy mô lớn, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Các đối tượng người Lào và Việt kiều Lào tích cực móc nối với các đối tượng người Việt Nam để thiết lập các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, xuyên biên giới nhằm đưa ma túy qua địa bàn biên giới vào Việt Nam tiêu thụ.
Ở khu vực biên giới, tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy càng diễn biến phức tạp. Khu vực nội địa, nguồn ma túy vào địa bàn vẫn chủ yếu được các đối tượng mua từ Lào, sau đó vận chuyển qua tuyến Quốc lộ 9, cung cấp cho người sử dụng trái phép trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2023, lực lượng phòng, chống ma túy Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ 172 vụ/258 đối tượng về các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 508.591 viên ma túy tổng hợp, 50,53 kg ma túy tổng hợp dạng tinh thể cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan. 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng phòng, chống ma túy Công an tỉnh bắt giữ 150 vụ/206 đối tượng, thu giữ 379.660 viên ma túy tổng hợp, 35 kg heroin, 122,5 kg ma túy tổng hợp dạng tinh thể cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.
Trong năm 2023 đã tiến hành thụ lý điều tra 266 vụ/415 bị can về các tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; xử lý hành chính 262 vụ/273 đối tượng. Tổ chức triệt xóa 12 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, lên kế hoạch xử lý 6 điểm có nguy cơ phức tạp về ma túy. Tổ chức đấu tranh với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy, đã bắt giữ 12 vụ, 29 đối tượng.
Thượng tá Nguyễn Đình Lực cho rằng, mặc dù các lực lượng chức năng đã xây dựng nhiều giải pháp đấu tranh ngăn chặn, tuy nhiên các vụ phạm pháp về ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong các nguyên nhân có nguyên nhân số đối tượng nghiện ma túy trong cộng đồng còn nhiều.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 750 người sử dụng ma túy trong diện có hồ sơ quản lý, theo dõi, trong đó ngoài xã hội có 616 đối tượng, trong nhà tạm giữ, trại tạm giam có 97 đối tượng, trong cơ sở cai nghiện có 37 đối tượng.
Ngoài ra, ở một số địa phương, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể về vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống ma túy còn chưa đầy đủ. Công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, quần chúng nhân dân không dám tố giác tội phạm, hoặc thờ ơ với công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Nhiều mô hình, điển hình có hiệu quả, nhiều cách làm hay trong phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy chưa được nhân rộng kịp thời.
Cộng đồng trách nhiệm
Nhằm đấu tranh, phòng ngừa từ xa, công tác tuyên truyền luôn được xác định là giải pháp then chốt và lâu dài. Trong năm 2023, lực lượng phòng, chống ma túy công an tỉnh đã tổ chức 186 buổi tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân trên toàn tỉnh, trong đó chú trọng các địa bàn vùng biên giới, địa bàn trọng điểm, phức tạp, thu hút khoảng 35.600 người tham gia.
Bên cạnh đó, cử cán bộ giảng bài về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh cho 200 công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố tham gia.
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các biện pháp, kỹ năng phòng, chống ma túy trong học đường cho hơn 100 giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền phòng, chống ma túy, trong đó tập trung vào đối tượng là học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân ở các địa bàn phức tạp, khu vực biên giới; hướng dẫn lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an cấp huyện và công an xã tiến hành công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các trường học và khu vực dân cư trên địa bàn. Chỉ đạo các ban chỉ đạo 138 và 1523 các xã, phường, thị trấn lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các buổi họp dân, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể.
Đăng tải 243 bài viết trên các trang facebook “Phòng chống ma túy”, “Vì bình yên cuộc sống”, “Bão Trắng 74”... về chủ đề đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy nhằm nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về hậu quả do tội phạm và tệ nạn ma túy gây ra.
Duy trì, nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở như: Tổ cảm hóa giáo dục, giúp đỡ đối tượng sử dụng, nghiện ma túy, Tổ tự quản an ninh thôn, bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông nhằm tạo ra phong trào tự giác trong Nhân dân, phát hiện, ngăn chặn sớm các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Lê Phi Hùng cho rằng, để đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy, ngoài nhiệm vụ của lực lượng chức năng cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội. Toàn xã hội phải xem đây là nhiệm vụ chung, đừng để phó mặc cho lực lượng chức năng đơn độc giữa cuộc chiến chống ma túy.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)