Hướng Hóa (Quảng Trị) là huyện miền núi, biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới nên tình trạng mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo trái phép… diễn ra khá phức tạp, nhất là vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Trước tình trạng đó, huyện đẩy mạnh nhiều biện pháp đấu tranh phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm giúp Nhân dân có cuộc sống bình yên, đặc biệt là an toàn, đầm ấm mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Việc mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo trái phép ở Hướng Hóa thường được các đối tượng thực hiện từ đầu năm và hoạt động mạnh vào những tháng cuối năm giáp tết Nguyên đán. Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, hình thành đường dây qua nhiều khâu trung gian và chuẩn bị tinh thần đối phó với lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ, gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, việc sử dụng pháo rải rác trong thời gian giáp Tết, đặc biệt trong thời khắc giao thừa tại một số địa phương còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy, ngay từ đầu mỗi năm, trên cơ sở tham mưu của Công an huyện, UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống vận chuyển, mua bán và đốt pháo trái phép.
Tăng cường chỉ đạo từ huyện đến cơ sở thực hiện tích cực công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tiếp tục thực hiện cuộc tổng kiểm tra và mở cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồng thời, triển khai tốt các mặt công tác, biện pháp nghiệp vụ nhằm tuyên truyền, vận động, cam kết, phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi nói trên.
Riêng trong năm 2021, huyện đã hướng dẫn treo hơn 200 băng rôn, khẩu hiệu, 800 pa nô, 1.500 tờ rơi thông báo cấm và hình thức xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng pháo tại các cơ quan làm việc, trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng và khu dân cư.
Các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền hơn 150 buổi lưu động tại các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm và trên loa, đài phát thanh các xã, thị trấn về nội dung không sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm và các loại pháo, phòng chống đốt pháo, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Tổ chức 50 buổi tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể chính trị xã hội, hội nghị, sự kiện, thu hút trên 35.700 người tham gia.
Qua tăng cường tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 17 vụ/20 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo, thu giữ 1.588 kg pháo các loại; khởi tố 15 vụ/17 bị can về mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo, đưa ra xét xử 13 vụ/15 đối tượng; đang điều tra, xử lý 2 vụ/3 đối tượng. Đặc biệt, trong đêm giao thừa ngày 11 - 12/2/2021 và trong dịp tết Nguyên đán, lực lượng tuần tra đã phát hiện, bắt giữ 8 trường hợp sử dụng pháo nổ trái phép, xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 12 triệu đồng.
Bên cạnh đó, vận động, tiếp nhận Nhân dân giao nộp 11 khẩu súng, trong đó có 2 khẩu súng quân dụng và 9 khẩu súng tự chế; phát hiện 4 vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, khởi tố 1 vụ/2 đối tượng.
Việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm về pháo nổ ở Hướng Hóa đã tạo sự chuyển biến tích cực trên cả 3 phương diện quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm và phục vụ sự phát triển KT - XH của địa phương. Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo trên địa bàn huyện vẫn tiềm ẩn phức tạp, đặc biệt là tết Nguyên đán đang đến gần, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo có chiều hướng gia tăng và phức tạp.
Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định 137/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản pháp luật liên quan, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm về pháo trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, tăng cường các biện pháp triển khai công tác phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, trong đó tập trung hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, Nhân dân vùng biên giới, địa bàn trọng điểm.
Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác phòng, chống pháo. Tổ chức ký cam kết, rà soát lập danh sách các nhóm đối tượng vi phạm để chủ động tuyên truyền cá biệt, giáo dục răn đe, phòng ngừa vi phạm. Thông báo công khai đối tượng và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết, chấp hành nghiêm túc. Tăng cường công tác kiểm tra đối với các chợ, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, bến sông, bến xe; tuần tra kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới nắm chắc tình hình, phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kịp thời điều tra, truy tố, xét xử lưu động một số vụ án điểm nhằm giáo dục, phòng ngừa chung”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)