Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, hôm nay 2/11, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án bổ sung ngân sách trung ương năm 2024.
Thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng việc thực hiện chính sách tài khóa giai đoạn 2021-2023 đã giúp nước ta ổn định được kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể, và đặc biệt là năm 2023 còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong ngắn, trung và dài hạn... trong đó đặc biệt phải quan tâm đến sức sống của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp sa sút thì đất nước khó khăn.
Đại biểu cho biết, bước vào năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, đơn hàng sụt giảm; xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Riêng trong 9 tháng, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (trong đó có 3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ); Bộ Công thương cũng đã công bố danh sách 18 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại...
Bên cạnh đó, với 7 tháng trong 9 tháng đầu năm nay chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) các ngành sản xuất Việt Nam liên tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy bức tranh ảm đạm trong sản xuất kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu giảm 8,2 %, và kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, mức sụt giảm mạnh nhất là kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm khác như Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc... cũng đều giảm so cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu suy giảm khá đồng đều ở hầu hết các ngành chủ lực như điện tử, máy tính và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ...
Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, việc chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn và cạn kiệt nguồn vốn.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ và vốn, doanh nghiệp còn phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh tồn tại nhiều rào cản khó vượt; nhất là sự chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp do một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy xuất khẩu là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, khi động lực này suy giảm sẽ tác động đến hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Vì vậy, để đạt mục tiêu xuất khẩu nói riêng và mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn trong công tác phối hợp điều hành của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới.
Muốn như vậy, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng; coi việc tháo gỡ rào cản, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững, có đủ năng lực chủ động thích ứng với các biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá và tiền tệ, với cơ chế đặc thù về chính sách thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT; hạn chế kiểm tra, thanh tra nhũng nhiễu doanh nghiệp, không ban hành thêm văn bản gây gánh nặng về thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
(Nguồn: Tổng hợp)