Từng được nhắc đến như là một là một vùng đất dữ gắn với những tên gọi “vùng ác địa”, “rừng thiêng nước độc”. Ngày nay Khe Sanh – Hướng Hóa đã trở mình thành điểm đến của không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai khi đề án xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan đang từng bước thành hình.
Tìm về nguồn cội địa danh Hướng Hóa
Tôi là người sinh ra và lớn lên tại vùng đất Khe Sanh – Hướng Hóa. Tuổi thơ gắn liền với mảnh đất phên giậu phía tây Quảng Trị. Đây là địa danh mà chỉ mới nửa thế kỷ trước, trong tâm khảm của cư dân địa phương mỗi lần nhắc đến chỉ là vùng “rừng thiêng nước độc” với nhiều nỗi lo sợ.
Yêu quê hương nơi mình sinh ra, tôi cố lục tìm những tài liệu liên quan đến vùng đất Khe Sanh - Hướng Hóa xưa. Tuy nhiên tài liệu văn bản liên quan đến vùng đất này khá hiếm hoặc ít phổ biến.
Lục tìm trong Đồng Khánh địa dư chí, một trong những sách địa dư chí của Quốc sử quan triều Nguyễn có một ít sử liệu liên quan đến vùng đất Hướng Hóa.
Theo đó, huyện Thành Hoá từ đời Lê về trước thuộc đất nguồn Cam Lộ, có 2 châu là Sa Bồi và Thuận Bình (sau đổi là Tĩnh An). Đầu đời Gia Long là đạo Cam Lộ. Năm Minh Mệnh 3 (1822) lấy đất 4 sách Viên Kiệu, Tầm Linh, Làng Tổng và Làng Liên (Sen) đặt làm châu Hướng Hoá.
Năm Minh Mệnh 12 (1831) đổi đạo Cam Lộ làm phủ Cam Lộ; năm thứ 15 (1834) đổi châu Hướng Hoá làm huyện Hướng Hoá. Năm Tự Đức 3 (1850) đổi huyện Hướng Hoá làm huyện Thành Hoá.
Năm Tự Đức 6 (1853) bỏ cấp phủ Cam Lộ, chỉ còn một đơn vị là huyện Thành Hoá. Năm 1903 chính quyền thời bấy giờ lấy lại tên Hướng Hóa và tên huyện Hướng Hóa không thay đổi từ đó đến bây giờ.
Khi tìm hiểu về địa danh Thành Hóa (hay Hướng Hóa) tôi chợt nghĩ đến vùng Thuận Hóa mà nhiều học giả vin vào đó để giải thích rằng Huế là do “Hóa” đọc chệnh mà thành. Vậy thì liệu Thành Hóa (Hướng Hóa) có thể đọc chệnh thành Thành Huế (hay Hướng Huế) được không? Câu chuyện địa danh vẫn còn nhiều tranh cãi…
Trở lại câu chuyện địa danh Hướng Hóa, theo Đồng Khánh địa dư chí, huyện hạt Thành Hóa phía đông giáp huyện Đăng Xương (Triệu Phong ngày nay), phía tây giáp Lào, phía nam giáp địa giới huyện Hải Lăng và vùng dân thiểu số phủ Thừa Thiên, phía bắc giáp địa giới huyện Gio Linh và vùng dân người Thượng thuộc tỉnh Quảng Bình.
Huyện lỵ Thành Hóa được đặt tại xã Cam Lộ, tổng Cam Đường (địa giới huyện Cam Lộ ngày nay). Trong địa hạt có 4 tổng người Kinh và 9 tổng người Thượng (đồng bào dân tộc thiểu số). Như vậy, địa giới hành chính xưa của huyện Thành Hóa (Hướng Hóa) kéo dài về tới huyện Cam Lộ và một phần Đông Hà ngày nay.
“Cửa ngõ vươn ra biển lớn”
Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp chọn Quảng Trị để mở con đường thuộc địa số 9 (Quốc lộ 9 ngày nay). Cũng là một trong những con đường bộ quan trọng bậc nhất xứ Trung kỳ thuộc Liên bang Đông Dương thời bấy giờ.
Tầm quan trọng của con Đường số 9 đã được khẳng định không chỉ trong chiến tranh mà còn trong thời bình. Hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đường số 9 đã khẳng định vị trí chiến lược của nó khi tuyến đường này là một trong những yếu tố then chốt quyết định thắng bại của cuộc chiến.
Vào thời bình, Đường 9 là cửa ngõ giao thương, huyết mạch kinh tế của không chỉ riêng tỉnh Quảng Trị mà còn là của các địa phương tại khu vực miền Trung. Hẳn khi chọn Quảng Trị để mở con đường thuộc địa số 9, những người làm chính sách thời bấy giờ đã có tầm nhìn, dự cảm về những giá trị và tầm chiến lược của vùng đất phía Tây này.
Cùng với đường 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) nối từ đường 9, vắt qua dãy Trường Sơn vào đến vùng cao nguyên rộng lớn, sau đó kéo dài về miền Đông Nam bộ là 2 con đường có tầm chiến lược đặc biệt với tỉnh Quảng Trị.
Nhờ 2 tuyến đường này mà nhiều làng mạc, thị trấn được hình thành và phát triển ngày một sầm uất, nhộn nhịp. 2 con đường cũng là xương sống giúp cho giao thương, buôn bán của cư dân vùng đất phía Tây địa phương được thông suốt, trong đó trước khi hình thành Cửa khẩu quốc tế La Lay, đường 9 có vai trò rất lớn với Cửa khẩu Lao Bảo là cửa ngõ trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) đã hình thành.
Có thể thấy rằng, trong 15 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào dài 2067km thì khó có cửa khẩu nào có lợi thế về điều kiện phát triển bằng khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) và Densavan (Savannakhet - Lào).
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế đó, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan (tỉnh Savannakhet, Lào).
Khác với mô hình khu kinh tế - thương mại tự do trước đây, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan chủ yếu dựa vào các cơ chế “phi thuế quan“ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, dịch vụ logistics. Đây là tiền đề để kinh tế - xã hội của vùng đất phía tây Quảng Trị có cơ hội “cất cánh”, sớm bắt nhịp với những phát triển của các địa phương khác trong khu vực.
Cùng với việc tuyến xây dựng cao tốc Cam Lộ- Lao Bảo với tổng mức đầu tư gần 8 ngàn tỷ đồng đã có chủ trương đầu tư, con đường 9 hiện hữu và Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavẳn, trong tương lai không xa, Khe Sanh – Hướng Hóa sẽ là cửa ngõ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Quảng Trị và khu vực EWEC.
Theo dự thảo Đề án xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan dự kiến vận hành theo mô hình 2 nước 2 khu, đối xứng nhau qua đường biên giới, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ mình.
Tiến hành xây dựng hàng rào cứng cách ly tại các khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD).... Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà chính phủ Việt Nam và Lào đang áp dụng tại các Khu kinh tế, thương mại hai nước.