Để thấy một Hướng Hóa (Quảng Trị) phát triển và tươi đẹp như hôm nay, thầm cảm ơn những người đã hy sinh thầm lặng để rà phá bom mìn, mang lại bình yên cho quê hương.
Sinh ra ở mảnh đất Hướng Hóa đầy gió và nắng, tôi đã quen với hình ảnh hố bom bên vườn nhà. Cái hố bom sâu khoảng 20m, hồi nhỏ mỗi khi lỡ trèo xuống thì trèo lên cũng không dễ, nhất là đối với mấy đứa con nít.
Tôi chỉ biết là hố bom này đã có từ rất lâu, vì dưới hố có hai cây bơ do ba trồng. Hai thân cây bơ đều to hơn một sải tay người ôm, cho trái sum suê và tôi cũng thường ra nhặt quả rụng mỗi khi hè về. Cây bơ cao lớn thế, thân nổi từng cục sần sùi thế, nhưng chắc chắn tuổi của cây không già hơn hố bom.
Khi nghe ba có ý định lấp cái hố bom, tôi thấy thật là vô lý và không thích chút nào. Bởi trong con mắt của tôi cũng như các anh chị lúc đó, cái hố bom là sân chơi, chứa đựng nhiều điều thú vị.
Những ngày hè, tôi cùng các anh chị em của mình chơi trượt từ thành hố bom xuống dưới. Chỉ cần một mảnh bao bố lót ở dưới, một hoặc hai người cùng ngồi lên rồi cứ thế trượt. Trò chơi ở hố bom cho cảm giác mạnh và rất khó tả. Nhưng hố bom sâu, nhiều lúc trượt ngã chổng vó, tay chân tôi và các anh chị nhiều khi tứa máu, chi chít vết sẹo. Rồi những ngày mưa lớn, hố bom ngập nước, trở thành một cái hồ nhỏ cạnh nhà. Trong tâm trí của tôi hồi đó, chỗ nào có nước chắc chắn là có cá. Hí hửng mang rá ra hòng bắt cá vào nuôi, nhưng té ra chiếc hồ hố bom của tôi chỉ có toàn là nòng nọc. Sự thất vọng chỉ thoáng qua, vì nòng nọc cũng là một “thú cưng” đủ hấp dẫn, nhất là đối với đứa trẻ nhà nghèo như tôi.
Hố bom, hay rộng ra là bom đạn, cũng là điều bình thường với đám trẻ ở Hướng Hóa. Thời bấy giờ, chúng tôi đều coi thường chúng, và đôi khi còn lấy đó làm vui. Vào khoảng năm 2004, Trường Tiểu học Tân Liên – nơi tôi đang theo học phải rà phá bom để xây trường mới. Ngay tại sân trường, dưới lớp đất chỉ khoảng vài tấc, bom mìn được dò ra, tạo thành mấy cái hố lỗ chỗ. Tôi không ngờ chỗ mà bọn con nít suốt ngày chạy nhảy, lại có nhiều bom dưới chân như thế. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng có đứa nào sợ. Dân Hướng Hóa thì không sợ bom, và thế là cả đám rủ nhau tới xem bom có nhiều không, nó như thế nào hoặc là gần nổ chưa.
Thú thật, chính tôi cũng từng tự tay sờ vào, cầm nắm mấy thứ tử thần đó. Khi là quả bom bi, khi là quả đạn cối và khi là mấy cái típ bom. Thậm chí, có nhiều đứa bạn ngỗ nghịch hơn, chúng còn chọi đá vào đám bom bi ven đường để xem “còn nổ được không”, nhưng may là bom đấy không nổ...
Bom đạn cũng để lại một thú chơi thú vị cho đám trẻ chúng tôi, là mấy cái hạt thuốc bồi. Thuốc bồi là những hạt đen và nhỏ hơn ngón tay út, cháy được. Tôi nghĩ nó là từ quả bom rơi ra hay thuốc súng gì đó. Anh chị tôi nhặt nhạnh trong vườn nhà, sau đó lấy giấy thiếc từ bao thuốc lá gói thuốc bồi lại rồi châm đốt. Nếu không bọc giấy thiếc bên ngoài thì khi đốt thuốc sẽ không bay. Cứ chiều chiều, sau giờ học, chúng tôi tụ tập nơi trảng đất bỏ hoang trước nhà, hoặc bên hố bom hí hoáy gói thuốc bồi, rồi đốt. Thuốc bay vèo vèo cứ như pháo hoa khiến đám trẻ con chúng tôi vô cùng phấn khích. Nhưng cũng hãi, có lần, thuốc bồi bay trúng tôi cháy thủng một lỗ trên áo; nghiêm trọng hơn, là lần thuốc bay lên mái nhà bằng tranh, may là chỉ cháy xém một ít rồi bị gió thổi tắt.
Sau này khi đã lớn, tôi mới biết nhiều hơn, biết Khe Sanh từng là căn cứ của Mỹ hồi chiến tranh và đây cũng là trọng điểm mà máy bay ném bom. Rồi có những thống kê rằng kể từ năm 1975, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Hướng Hóa đã làm trên 700 người chết, hơn 200 người bị thương. Lúc này, hố bom không còn là niềm vui và bom đạn cũng chẳng phải thứ để đùa. Nó là tội ác chiến tranh, là thứ nguy hiểm có thể cướp đi tính mạng của người dân bất cứ lúc nào.
Ba tôi thường kể, ba có một người bạn thân, chú ấy làm nghề cưa bom bán sắt vụn. Mọi người thường ái ngại cho công việc nguy hiểm đó, nhưng chú thường cười xề xề và nói “khi nào cưa đủ 100 quả bom thì bỏ nghề”. Tiếc là tới quả bom thứ 99, thì bom phát nổ, thi thể chú được người dân đi gom về, không còn nguyên vẹn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có cơ hội vào tỉnh Bình Thuận chơi mấy ngày. Người thân đưa đi trượt cát trên đồi, cũng tương tự chúng tôi trượt hố bom, nhưng mà phải tốn tiền. Thế ra, cái hố bom ngày xưa cũng giá trị đấy nhỉ?
Lại nói về việc hố bom nhà tôi, rồi nó cũng bị lấp đi, để gia đình tôi trồng trọt. Trên mảnh đất đấy có bao nhiêu là cây, nhưng tôi thích nhất là cây bắp. Cây trồng ở nền hố bom cũ cho trái to hơn, ngon hơn bởi đất cực kỳ tơi xốp. Vậy là bây giờ, tôi có muốn, thì niềm vui trượt hố bom không thể thực hiện nữa. Niềm an ủi mỗi khi ghé về nhà bây giờ là, trên nền đất của hố bom ngày này, giờ mùa nào thức nấy, hết bắp thì khoai, rồi bơ và nhãn.
Giống cái hố bom đã bị san lấp, bom đạn ở Hướng Hóa cũng dần ít đi. Đó là nhờ các nhân viên rà phá bom mìn của tổ chức Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam của Hoa Kỳ - là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên tiến hành làm sạch bom mìn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trồng cây xanh cải tạo môi trường ở huyện Hướng Hóa.
Tôi chưa có may mắn được tiếp xúc với những người trong đội rà phá bom, chỉ nhớ mang mang hình ảnh các nhân viên cầm loa thông báo việc hủy nổ. Cứ mỗi lần phát hiện ra vật liệu nổ, bom mìn sẽ được đưa về bãi hủy nổ tập trung, còn với loại nguy hiểm, thì phải tiêu hủy tại chỗ. Người thì đào hố, đắp đất xung quanh theo quy định, người thì dùng loa đi cảnh báo người dân tránh xa khu vực nguy hiểm.
Sau tiếng loa, là tiếng nổ. Đồng nghĩa với việc, ở khoảnh đất phát ra tiếng nổ đã an toàn, sạch bom mìn. Đồng nghĩa với việc, khoảnh đất ấy sau đó sẽ được phủ xanh bởi bắp, bởi bơ… như ở hố bom bên nhà tôi.
Gần đây, tôi đọc thấy người ta còn cho cả chuột đi rà phá bom mìn. Thậm chí có chú chuột tên là Magawa nhận được cả huân chương của tổ chức từ thiện bên nước Anh. Tôi thầm mong mấy chú chuột đó cũng có thể sớm tới Việt Nam, giúp công việc của đội rà phá bom mìn đỡ nguy hiểm hơn.
Sinh ra bên hố bom với các trò chơi in đậm trong ký ức tuổi thơ. Lớn lên đi học thì hố bom bị lấp, nhưng những gì thu hoạch được trên hố bom đó phần nào giúp ba mẹ tôi trang trải cho cuộc sống đang khó khăn. Hết đại học, tôi chọn một thành phố năng động ở miền Trung để ở lại lập nghiệp, năm vài ba lần ra thăm nhà. Những anh chị “đồng nghiệp” trượt hố bom với tôi ngày xưa, bây giờ phần lớn đã lập gia đình và có công việc ổn định, nhưng mỗi lúc có dịp ngồi lại, ai cũng đua nhau nhớ lại kỷ niệm ngày xưa.
Bây giờ, hố bom tuổi thơ trong chúng tôi mãi mãi là kỷ niệm đẹp, chứ không còn là một biểu tượng của chiến tranh và chết chóc.
Ban Tổ chức Cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023.
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những bài học lịch sử của quá khứ; soi chiếu hiện thực kinh tế xã hội sau hơn nửa thế kỷ hoà bình để hướng tới tương lại. Cuộc thi sẽ quảng bá hình ảnh, đất nước con người Khe Sanh, Hướng Hoá trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương; đặc biệt lan toả một Hướng Hoá năng động và giàu tiềm năng phát triển du lịch đến bạn bè trong nước.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 05/5/2023 đến hết ngày 05/7/2023. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, cuộc thi sẽ không tổng kết như thời gian dự kiến.
Ban Tổ chức cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023. Thời gian tổng kết, trao giải sẽ được thông báo sau. Các điều kiện khác vẫn thực hiện theo thể lệ cuộc thi đã công bố.
Địa chỉ nhận bài: xanhewec@gmail.com; Điện thoại liên hệ: 0906.519.234.
Chi tiết cuộc thi: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html