Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Hướng Hóa (Quảng Trị) trở thành vùng địa đầu của miền Nam tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vùng giải phóng hạ Lào. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm chiến lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, từ đêm 20/1/1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 9/7/1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi.
Quân ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa, giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam, tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam.
Hướng Hóa hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện bước vào giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến. Vượt lên mọi khó khăn gian khổ, Nhân dân Hướng Hóa đã góp sức mình cho sự toàn thắng của chiến trường miền Nam.
Đáp lời Đảng gọi, quân và dân Hướng Hóa tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng, toàn tỉnh nổi dậy đồng loạt góp phần vào chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, Hướng Hóa cùng cả tỉnh Quảng Trị và cả nước thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cũng từ đây Hướng Hóa tiếp nhận hàng nghìn hộ dân ở huyện Triệu Phong lên xây dựng vùng kinh tế mới. Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với cuộc vận động định canh, định cư, tách hộ lập vườn, đồng bào các xã từ tập quán “du canh, du cư”, “phát, đốt, cốt, trỉa”, “tự cung, tự cấp” đã từng bước chuyển sang “định canh, định cư”, “sản xuất hàng hóa”, trồng cây gây rừng, phát triển cây công nghiệp, lúa nước, chăn nuôi, dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện...
Năm 1997, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Hướng Hóa được chia tách thành 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông. Từ đó đến nay, Đảng bộ, quân và dân huyện Hướng Hóa đã đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Đến nay, KT-XH của huyện có sự phát triển vượt bậc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên 3 lĩnh vực trụ cột (nông-lâm nghiệp; thương mại-dịch vụ, du lịch; công nghiệp-xây dựng).
Quy mô nền kinh tế phát triển toàn diện, tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng cao, năm 2022 đạt 28.556,9 tỉ đồng (gấp 169 lần/1997); thu nhập bình quân đầu người đạt 43,05 triệu đồng (gấp 12,39 lần/1997); tỉ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2-3%/năm, đến năm 2022 giảm còn 26,45% (theo chuẩn mới đa chiều năm 2022); hàng năm tạo việc làm mới 3.078 lao động, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99,1%.
Phát huy các tiềm năng, lợi thế của mình, Hướng Hóa đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản phẩm chủ lực, OCOP, như cà phê, sắn, cây ăn quả, cao su, cây dược liệu, hoa màu, rừng nguyên liệu, chăn nuôi, hướng tới phát triển “nông nghiệp sinh thái-nông thôn hiện đại-nông dân văn minh”; phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); thương mại-dịch vụ qua cửa khẩu quốc tế và hệ thống tiêu thụ, phân phối hàng hóa bán lẻ, hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng; dịch vụ-du lịch về lịch sử, văn hóa, sinh thái, cộng đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần.
Phát triển kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất. Tập trung thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ như: giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tốc độ đô thị hóa khá nhanh, đã hình thành 2 đô thị: Khe Sanh, Lao Bảo, quy hoạch 2 đô thị: Hướng Phùng, Lìa. Có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 đô thị văn minh. 100% thôn, bản phủ sóng phát thanh, truyền hình; 95% thôn, bản có kết nối internet, wifi...
Diện mạo huyện miền núi biên giới từ trung tâm cho đến các bản làng xa xôi ngày càng khởi sắc. Chủ động, tích cực triển khai đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường, cải cách hành chính, quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự phát triển nhanh. Toàn huyện có 64 trường học, cơ sở giáo dục-đào tạo với 33.680 học sinh, 2.293 giáo viên. Cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng đội ngũ y tế ngày càng được nâng lên, đạt 7,7 bác sĩ/1vạn dân; 21/21 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh.
Toàn huyện có 20.564/21.354 gia đình văn hóa, 149/149 làng văn hóa; tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo chế độ chính sách gia đình thương binh, liệt sĩ, có công cách mạng và các chính sách xã hội. Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Quốc phòng - an ninh luôn được củng cố và tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Công tác sẵn sàng chiến đấu, an ninh trật tự, an toàn xã hội được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng và biên giới được tăng cường.
Đến nay, Đảng bộ huyện có 4.603 đảng viên, 59 tổ chức cơ sở đảng, 260 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Các tổ chức cơ sở đảng đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, có ý nghĩa then chốt. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy từ huyện đến cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, xây dựng, đổi mới và phát triển, nhiều địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân trong huyện được phong tặng phần thưởng cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều danh hiệu khác. Năm 2008, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Hướng Hóa vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Thực tế cho thấy, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Hướng Hóa đã vượt qua mọi gian khổ hy sinh lập nên những chiến công hiển hách, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương. Thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân Hướng Hóa đạt được trong thời gian qua rất đáng trân trọng, tự hào.
Thành tựu ấy là kết quả của sự kế thừa liên tục của nhiều thế hệ kiên cường trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong hòa bình, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tinh thần ấy được hun đúc từ truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương, tạo nên bản sắc riêng trong tâm hồn, khí phách và khát vọng của người dân Hướng Hóa. Đây chính là hành trang lớn nhất để Đảng bộ, Nhân dân Hướng Hóa vững bước tiến vào tương lai.
Kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa hôm nay trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, chúng ta càng tự hào về mảnh đất và con người đã làm nên những chiến công phi thường của thời đại Hồ Chí Minh. Với niềm tự hào về truyền thống hào hùng, bất khuất, oanh liệt của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hướng Hóa luôn phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phấn đấu xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững sớm trở thành “Huyện miền núi kiểu mẫu” như lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn và xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)