Dưới nớ là mô mà sáng rứa hè? Dưới nớ là Khe Sanh. Hồi đó tôi còn nhỏ, rất nhỏ. Đêm đêm nhìn về phía ánh sáng, lằn ranh chia rõ giữa xã, thị trấn mà lòng ao ước.
Miền nhớ thung lũng
Tân Liên và Khe Sanh nối nhau bằng một con dốc. Gọi là dốc chú Hào, vì chú Hào sống ở đầu con dốc. Nên, chúng tôi gọi là dốc chú Hào.
Những đứa trẻ mang tiếng làng nhưng ở núi chỉ quen miệng nhau gọi vậy. Chỉ đến đầu dốc là quay về, tuyệt nhiên không có đứa nào trong làng rong chơi qua “biên giới” đó. Vì biết nó là một “thế giới” khác. “Thế giới” của sự giàu có, sáng sủa, nhiều hàng quà, nhiều đồ chơi trong mắt trẻ thơ.
Ngày đó, lâu rồi. Xóm tôi, làng tôi chỉ có một chiếc dream Thái "đập hộp" của chú Danh. Chú Danh tính hiền lành, hay cười, không uống rượu vì chú đau dạ dày. Chú hay giúp chở người bệnh đi bệnh viện lúc đêm hôm bằng chiếc xe của mình. Chúng tôi cũng vậy, đứa trẻ nào đau ốm lúc đêm hôm cũng nhờ chú chở đi viện huyện, chỉ vậy mới về được thị trấn để điều trị. Lúc đó, đi Khe Sanh tuy gần mà xa, không phải muốn là đi.
Nhà tôi có một hàng cây tràm rất đẹp, mát mẻ, mặt đường lại pha cát; vô tình đã biến thành “sân vận động” của trẻ xóm. Sáng sớm cho đến chiều tối là trẻ xóm chơi ở đó: đá bóng, đánh bi, thảy địu (chun buộc)… Chỉ lúc ba, mạ cầm roi lên đuổi là mới giải tán, về tắm rửa, ăn cơm.
Lúc đó, bóng là bóng nhựa, làm gì có bóng da. Đá, vừa đá, kẹp nhau, kèm nhau, chèn nhau là xẹp. Xẹp thì ngưng trận đấu, một đứa thổi, rồi đặt ngay vị trí, hai bên dàn trận ngay điểm xẹp bóng. Chúng tôi rất tôn trọng luật và rất “phe bờ lây”; tuyệt đối không chơi gian. Vì chơi gian là mai không ai chơi, giải đấu thường niên, thường ngày có thể dừng bất cứ lúc nào. Không thể tranh cúp.
Đội bóng chỉ gồm 4 thằng thường xuyên đá chính, chia làm hai đội, lâu lắm mới có mấy thằng khác tham gia. Vì đứa thì oằn lưng bồng em, đứa thì phải trông nhà, đứa thì đuổi gà phơi lúa. Thế là bốn thằng thường xuyên đổi đội cho nhau để tạo sự đa dạng đội thi đấu. Đội không cân sức, không cân tài cũng đá, bằng hình thức: chấp. Đội mạnh chấp đội yếu vài quả. Như tỷ số bắt đầu vào trận đã là 0 – 2; 0 – 4 chẳng hạn.
Bóng xẹp, thổi, đá. Đá đến lúc vỡ mảng to, lại nhét lá cây vào. Đến khi tan hoang thì thằng Cu Em đề xuất: góp tiền gửi hay cử một thằng về thị trấn mua quả cho xịn. Cu Em, Tí Em, Tí Anh, Tụt, Tèo, Rọm, Cu… là tên thường gọi ở nhà, nay vẫn có người gọi cho dù đã có vợ và con.
Thế là đi mua bóng. Tí Anh là anh thằng Tí Em. Thường xuyên đi mua bóng. Vì Tí Anh, Tí Em có ngoại ở thị trấn Khe Sanh. Lúc ngoại còn sống, Tí Anh, Tí Em hay được cho về ngoại chơi. Ở chơi vài ngày ở nhà ngoại là đòi lên nhà liền. Vì nhớ đội bóng, vì nhiệm vụ đi mua bóng. Vì cả dàn cầu thủ đang chờ bóng.
Chợ huyện to, nhiều hàng, nhiều người, nhiều xe. Những đứa trẻ làng về đây, chung “quan điểm” không đi lung tung kẻo “lạc”, phải có người lớn dắt đi mới đi. Hàng hóa bày bán la liệt, phong phú, đa dạng; người mua kẻ bán có đủ. Đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đi thành từng hàng dài với A Chói (gùi) sau lưng. Có khi cả trẻ con cũng bỏ vào A Chói cõng đi, đứa thì ngủ vì quãng đường dài, đứa thì nháo nhác nhìn vì đâu cũng lạ, cũng khác bản mình quá.
…
Chuyện dưới nớ là Khe Sanh hay được Cu Em, Tí Em, Tí Anh, Tụt, Tèo, Rọm, Cu… nhắc lại mỗi dịp tề tựu hay có dịp đi đến các nơi làm việc, công tác của nhau. Chúng hay bắt đầu bằng cụm từ: Hồi nớ. Vậy là cả bàn lúc nào cũng xôm lên, ngồi cả chiều, cả tối để nói chuyện “hồi nớ”… Hồi nớ về Khe Sanh được đi xe thồ đã hi. Đứa khác chêm vào: Ngồi trước bình xăng mới sướng. Hồi nớ là xe thồ là xe Minsk, min khơ chứ gì nữa.
Khe Sanh giờ đã đổi thay nhiều, giàu và đẹp. Ô tô cá nhân đắt tiền chạy đầy đường. Từ xã về thị trấn chỉ có vài phút, như tôi ở Tân Liên về trung tâm thị trấn chỉ vỏn vẹn 5 phút. 5 phút bây giờ nhưng ngày xưa, hồi nớ là một miền ký ức dài thăm thẳm. Nhưng, vẫn cố hữu một điều khi bạn bè gọi cà phê ở Khe Sanh: xa lắm cho dù chỉ cách một lằn ranh.
Một thung lũng với xiết bao niềm thương nỗi nhớ!
…
Khe Sanh… “Đà Lạt thứ 2”
Học nghề, làm nghề báo. May mắn tôi được công tác tại một số tỉnh Tây nguyên và Đà Lạt. Ở Đà Lạt cũng có đường Khe Sanh chính là tuyến đường nối đèo Mimosa với thành phố. Rất đẹp, rất thơ mộng, thường chìm đắm trong sương và hương mimosa.
- Cháu ở đâu ?
- Dạ, Khe Sanh. Ô gần mà.
Không, Khe Sanh của Quảng Trị. Bác biết chứ. Biết mà chưa đi.
Tại sao bác biết Khe Sanh?
- Cả thế giới biết chứ đâu phải mình bác. Ti vi chiếu mãi phim tài liệu chiến trường Khe Sanh đó thôi.
-
- Ngoài đó có gì đổi thay không?
- Đổi thay nhiều lắm bác à. Có khách sạn 4 sao, có nhà cao cửa rộng.
- À họ còn trồng được cả lan trong nhà kính như Đà Lạt nữa đó.
- Vậy thì quá phát triển rồi còn gì.
Chuyện ngoài lề của một cuộc phỏng vấn tại thành phố Đà Lạt cũng cho thấy sự nổi tiếng của một thung lũng nhỏ, chỉ vỏn vẹn vài cây số vuông: Khe Sanh.
…
Khe Sanh và Đà Lạt có nhiều sự trùng hợp. Bởi vậy, nhiều người ví von Khe Sanh là “Đà Lạt thứ 2”. Nét tương đồng về cao độ, về khí hậu, về cà phê, về cảnh đẹp; kể cả con người…
Ở Đà Lạt cũng chính là giống cà phê chè Arabica, rất nổi tiếng và chỉ được trồng ở một số xã như Trại Mát, Trạm Hành (xã ngoại ô thuộc thành phố). Tuyệt nhiên cà phê chè canh tác trong tỉnh không được mang đến các nhà máy chế biến ở đây để bảo vệ thương hiệu cà phê đặc biệt này. Đó là cách làm nghiêm túc của Đà Lạt để bảo vệ thương hiệu.
Khe Sanh cũng vậy. Một vùng đất nổi tiếng với cà phê chè Arabica. Ngày trước, hồi nớ, ở làng tôi, xóm tôi nhiều nhà cũng trồng cà phê. Nhà ít thì vài sào nhà nhiều cả chục héc ta. Đến mùa cà phê, những đứa trẻ chúng tôi theo cha mẹ đi hái thuê, đi mót cà phê. Thế rồi! Thị trường, giá cả đã buộc nông dân phá bỏ để canh tác các loại cây trồng khác… Đến nay, thương hiệu cà phê Khe Sanh được gầy dựng, vươn tầm. Những triền đồi lại nở hoa trắng xóa. Báo hiệu một mùa sung túc.
Đà Lạt có nhiều chương trình ca nhạc nổi tiếng, chẳng hạn “Mây lang thang”; Khe Sanh cũng có nhiều chương trình như vậy. Tôi có đứa cháu, gọi là cháu nhưng chú cháu cách nhau cũng không bao nhiêu tuổi. Thường đi dàn dựng âm thanh, ánh sáng phục vụ sự kiện. Cháu cũng hay vào Đà Lạt thăm tôi. Cháu bảo: Ở mình, ở Khe Sanh cũng có nhiều chương trình như “Mây lang thang”; cũng có cảnh đẹp, cũng có camping (cắm trại ngoài trời), cũng có homestay. Du lịch nghỉ dưỡng cũng đang là xu thế ở Khe Sanh.
Riêng về con người thì ở Đà Lạt cũng không có dân “gốc”, chỉ là sau khi bác sĩ người Pháp Alexadre Yersin tìm ra cao nguyên, trải qua quá trình xây dựng rồi mọi người khắp miền đất nước mới định cư. Vì vậy, trong các tour du lịch luôn có phần thưởng thức cồng chiềng, múa dân vũ, rượu cần, thịt trâu nướng của đồng bào K’Ho bản địa. Sống chung với du khách nên chính quyền thành phố đã xây dựng tiêu chí sống cho người dân “Xây dựng con người Đà Lạt thân thiện, mến khách”.
Khe Sanh nói chung cũng vậy, quá trình đi kinh tế mới sau giải phóng đã quy tụ nhiều người tự địa phương khác đến để định cư. Họ sống theo ranh giới địa lý mà làng, xã gốc cũ ở địa phương đã đi hay hợp thành để có chữ “Tân”. Bởi vậy mà có tên xưa Tân Độ tức xã Triệu Độ lên kinh tế mới; rồi nữa Tân Liên, Tân Long, Tân Thành, Tân Phước, Tân Hợp… Nói chung, tình người Khe Sanh thì đâu đâu cũng bà con, không xa thì cũng gần; không thân thuộc thì cũng là làng xóm. Rồi nữa Khe Sanh cũng có cồng chiêng, cũng có múa dân vũ, cũng có rượu men lá rừng; cũng có người con Pa Kô, Vân Kiều mang họ Hồ của Bác.
Chỉ vậy thôi cũng làm nên nét tương đồng của Đà Lạt và Khe Sanh. Một hành trình mới, thật hạnh phúc nếu trên bản đồ du lịch và từng dòng người đến với “Đà Lạt thứ 2”; để tận hưởng một quá khứ hào hùng và sự phát triển vượt bậc của huyện nhà Hướng Hóa nói chung và sự trỗi dậy mạnh mẽ của thung lũng Khe Sanh nói riêng.
Kỷ niệm thời ấu thơ với Khe Sanh, những chắt lọc dọc đường gió bụi đã đong đầy trong tôi những cảm xúc miền thung lũng này. Bởi vậy, ai hỏi ở đâu, tôi cũng bảo: Khe Sanh, dù giấy tờ tùy thân không ghi. Nhưng Khe Sanh có lẽ cũng dấu yêu, cũng không trách móc, không hờn dỗi khi có người nhận thân thuộc, lớn lên trên mảnh đất này.
Ban Tổ chức Cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023.
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những bài học lịch sử của quá khứ; soi chiếu hiện thực kinh tế xã hội sau hơn nửa thế kỷ hoà bình để hướng tới tương lại. Cuộc thi sẽ quảng bá hình ảnh, đất nước con người Khe Sanh, Hướng Hoá trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương; đặc biệt lan toả một Hướng Hoá năng động và giàu tiềm năng phát triển du lịch đến bạn bè trong nước.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 05/5/2023 đến hết ngày 05/7/2023. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, cuộc thi sẽ không tổng kết như thời gian dự kiến.
Ban Tổ chức cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023. Thời gian tổng kết, trao giải sẽ được thông báo sau. Các điều kiện khác vẫn thực hiện theo thể lệ cuộc thi đã công bố.
Địa chỉ nhận bài: xanhewec@gmail.com; Điện thoại liên hệ: 0906.519.234.
Chi tiết cuộc thi: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html