BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Bức thư tình cuối cùng từ chiến trường Khe Sanh

Nguyễn Văn Sáu |

Bức thư viết ngày 31/5/1968, tại chiến trường Khe Sanh, trong đó người lính dặn: “Nếu sau này hòa bình anh không thể trở về, em có điều kiện hãy vào trong vùng chiến trận này để mang hài cốt anh về…”


Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng những ký ức của nó vẫn đâu đó còn hiển hiện cùng thời gian. Cùng với những kỷ niệm khó phai về một thời hoa lửa rực rỡ, hào hùng là hàng ngàn cuộc đời, hàng ngàn số phận với những câu chuyện của riêng mình vẫn còn vương vấn trong dòng chảy vô tận.

Những ký ức ấy không chỉ có mất mát, đau thương, mà còn chứa đựng tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc, quê hương, giữa người với người; hoà trong tình cảm lớn lao với đất nước là những câu chuyện tình lấp lánh trong trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ ghi đậm dấu ấn với “Những lá thư tình đi qua chiến tranh”. Chính những dòng chữ vượt thời gian đó là minh chứng một phần cho lịch sử hào hùng của một thế hệ anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa, Đoàn Cựu chiến binh Sư đoàn 308 do Trung tướng Ngô Lương Hanh dẫn đầu đã có chuyến hành trình thăm chiến trường xưa tại Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Đồng hành trên chuyến đi có những người lính một thời từng cầm súng chiến đấu vì mảnh đất này, cũng có những người bạn, người thân, người yêu đã từng tiễn thân nhân của mình với trái tim nhiệt huyết lên đường đánh Mỹ những năm 1965-1972, trong đó có những người đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Suốt một đêm dài 12 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô, hầu như cả đoàn không ai ngủ được, tất cả mọi người chỉ mong ngóng đêm tối chóng qua để bình minh đến mình được đặt chân lên mảnh đất một thời máu lửa. Từ thành phố Đông Hà, đoàn lại di chuyển hơn 80km nữa bằng ô tô để đến với thị trấn Lao Bảo ở phía Tây Quảng Trị.
Chúng tôi, những người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ tiếp nối bước chân của cha anh bảo vệ mảnh đất này được gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu cùng các cô, các chú và chia sẻ những tình cảm đậm sâu, những ấn tượng, kỷ niệm không thể nào phai của mỗi người đối với chiến trường Quảng Trị một thời.

Cô Vũ Thị Lưu Liên và đồng đội thắp nén hương tại phần mộ Liệt sĩ Trần Minh Tiến
Cô Vũ Thị Lưu Liên và đồng đội thắp nén hương tại phần mộ Liệt sĩ Trần Minh Tiến

Trong đoàn, gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là một người phụ nữ đôi mắt rưng rưng, nghẹn ngào thắp nén hương thơm lên phần mộ của người thân là liệt sỹ đã hy sinh, nằm lại ở Khe Sanh, Quảng Trị.
Cô tự giới thiệu tên mình là Vũ Thị Lưu Liên, không phải là người thân mà là người bạn, người yêu của người chiến sỹ trẻ tuổi tên Trần Minh Tiến đã hy sinh trong một ngày tháng 5 năm 1968 tại Tây Làng Kát- Khe Sanh. Trò chuyện với cô, chúng tôi được hiểu thêm câu chuyện tình yêu từ “Những lá thư tình đi qua chiến tranh”, cuốn sách do Nhà văn - Đại tá Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu, đó là những trang nhật ký viết tay mà liệt sỹ Trần Minh Tiến đã để lại.
Trong cuốn sách dày 306 trang là tập hợp 109 lá thư được liệt sỹ viết trong quãng thời gian từ năm 1965-1968 gửi cho người yêu của mình là cô Vũ Thị Lưu Liên, cùng với 5 lá thư cô Lưu Liên viết và gửi cho liệt sỹ. Những bức thư ấy chứa đựng tình yêu lãng mạn, nồng nàn, tha thiết nhưng vô cùng trong sáng, câu chuyện tình cảm trai gái riêng tư lồng vào câu chuyện tình yêu quê hương, đất nước, đó là những tình cảm cao cả chỉ có trong thời chiến.
Trong câu chuyện cô kể, không ai có thể quên bản di chúc cuối cùng của người chiến sỹ trước khi ra trận và linh cảm mình có thể sẽ hy sinh. Bức thư viết ngày 31/5/1968, tại chiến trường Khe Sanh, trong đó người lính dặn: “Nếu sau này hòa bình anh không thể trở về, em có điều kiện hãy vào trong vùng chiến trận này để mang hài cốt anh về…”

Kể đến đây, đôi mắt người phụ nữ đã hằn dấu vết thời gian ngân ngấn nước, chúng tôi bỗng cảm thấy lòng se thắt lại.

Mắt cô xa xăm nhìn về phía chân trời như quay trở về với tình yêu thời tuổi trẻ. Thời đó, cô và Trần Minh Tiến cùng học trường phổ thông, tình yêu chớm nở từ tình bạn đơn thuần. Đến năm 1963, chàng trai tên Tiến lên đường nhập ngũ, trong 5 năm sau đó hai người được gặp nhau không tới 20 lần, chủ yếu nghĩ về nhau qua những trang thư từ tiền tuyến gửi về hậu phương và ngược lại.
Anh tặng cô chiếc nhẫn do chính tay mình làm từ mảnh xác máy bay Mỹ, còn cô tặng anh chiếc khăn tay có thêu bông hoa tím là tín vật tình yêu. Anh chiến sỹ còn dặn người yêu mình rằng: “Nếu một ngày em nhận được chiếc khăn này nghĩa là anh đã hy sinh và em phải đi lấy chồng…”

Câu chuyện tình yêu ngỡ như khép lại vào mùa hè năm 1968 khi cô nhận lại chiếc khăn mình đã tự tay thêu. Nỗi đau dường như vẫn còn nguyên vẹn đến tận lúc này, khi cô cầm khăn cho chúng tôi xem, màu hoa tím vẫn ngời sáng như tấm chân tình của người thiếu nữ năm nào.

Liệt sĩ Trần Minh Tiến, sinh ngày 16/9/1945 tại Hà Đông, Hà Nội, là Trung đội Phó tại đơn vị B1, C2, D7, E102, F308. Giữa tháng 3 năm 1968, đơn vị của anh chính thức được lệnh đi B, đây là thời điểm chiến trường hết sức ác liệt sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân của quân và dân miền Nam.
Đêm 31/5/1968, anh đã ngã xuống trong một trận đánh đẫm máu tại mặt trận Khe Sanh. Trận đó, sư đoàn đã tiêu diệt được 2 đại đội kỵ binh bay của đối phương nhưng gần 1/4 chiến sỹ của đơn vị không thể trở về, trong đó có Trung đội phó Trần Minh Tiến.
Trong bức thư cuối cùng, anh đã nhờ đồng đội gửi chiếc ba lô về cho người yêu của mình và dặn: “Tất cả tiền tuyến và hậu phương ở trong đó, nếu tôi không trở về thì bằng mọi cách anh phải thông báo cho Lưu Liên biết, anh cứ trao lại chiếc khăn này là cô ấy biết phải làm gì…”, anh sợ cô nhỡ “thì con gái”.

Đến bây giờ cô Lưu Liên đã có một gia đình hạnh phúc, yên ấm với một người chồng cũng là người lính đã đi qua chiến tranh, người vô cùng trân trọng mối tình của cô và người đồng đội đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm ấy.
Năm 2008, sau 51 chuyến đi từ Hà Nội vào Quảng Trị, vợ chồng cô Lưu Liên đã tìm thấy nơi liệt sỹ Trần Minh Tiến ngã xuống và đưa hài cốt của anh về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, hoàn thành di nguyện của anh trước lúc hy sinh.

 
Chiếc khăn - Chiếc nhẫn cô Lưu Liên và Anh Minh Tiến tặng cho nhau
Chiếc khăn - Chiếc nhẫn cô Lưu Liên và Anh Minh Tiến tặng cho nhau

Ngày 02/6/2023, tại Hà Nội, lễ tiếp nhận “Hồ sơ di sản chiến tranh” do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ Việt Nam tại Đại học Texas Tech University Mỹ bàn giao cho Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”.
Trong khuôn khổ sự kiện này, 6 hồ sơ “Di sản vật” đã được bàn giao cho thân nhân các gia đình liệt sĩ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có thân nhân Liệt sỹ Trần Minh Tiến.
Sự trở về đã phải chờ đợi thời gian hơn nửa thế kỷ, và chặng đường đi dài hơn nửa vòng trái đất, từ bên kia bờ đại dương, từ nước Mỹ xa xôi… Cô Lưu Liên được tiếp nhận những nét chữ quen thuộc, thiêng liêng của người đã khuất, những lá thư, những trang sổ tay, nhật ký, ghi chép trong kháng chiến của người chiến sỹ. Đối với cô cũng như gia đình, dường như một phần tâm hồn, tình cảm, trái tim của anh đã trở về sau rất nhiều năm từ ngày anh ngã xuống.

Cô kể, đến bây giờ cô vẫn giữ thói quen viết thư tay gửi cho người chiến sỹ đã hy sinh ấy, mỗi năm hai lần vào dịp ngày sinh và ngày mất của anh, có lẽ liệt sỹ vẫn sống như một người song hành cùng đời sống tâm linh, tình cảm của gia đình cô.

Cô Vũ Thị Lưu Liên tiếp nhận hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam
Cô Vũ Thị Lưu Liên tiếp nhận hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam


Chúng tôi tiễn đoàn đi vào một ngày hè rực rỡ, hơn nửa thế kỷ sau chiến tranh, mảnh đất này đi qua biết bao đau thương, mất mát đã và đang sống dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thay da đổi thịt từng ngày. Trong từng tấc đất hôm nay chúng tôi gìn giữ có một phần xương máu, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ cha anh đã đổ xuống để giành lại hòa bình, độc lập cho đất nước, quê hương.

 
Tác giả (áo trắng) cùng đoàn cựu chiến binh

Ban Tổ chức Cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những bài học lịch sử của quá khứ; soi chiếu hiện thực kinh tế xã hội sau hơn nửa thế kỷ hoà bình để hướng tới tương lại. Cuộc thi sẽ quảng bá hình ảnh, đất nước con người Khe Sanh, Hướng Hoá trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương; đặc biệt lan toả một Hướng Hoá năng động và giàu tiềm năng phát triển du lịch đến bạn bè trong nước.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 05/5/2023 đến hết ngày 05/7/2023. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, cuộc thi sẽ không tổng kết như thời gian dự kiến.

Ban Tổ chức cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023. Thời gian tổng kết, trao giải sẽ được thông báo sau. Các điều kiện khác vẫn thực hiện theo thể lệ cuộc thi đã công bố. 

Địa chỉ nhận bài: xanhewec@gmail.com; Điện thoại liên hệ: 0906.519.234.

Câu chuyện về cách Ấn Độ trở thành một quốc gia uống trà

Ngọc Linh |

Trong khi masala chai đã trở thành một thức uống thay thế thời thượng, thì ở Ấn Độ, phong cách uống trà vẫn bình dị, cung cấp năng lượng cho cuộc sống.

Chiến thắng Khe Sanh: Nguồn mạch cho sự phát triển

Xuân Dũng - Quốc Thắng |

Chiến thắng Khe Sanh (ngày 7/9/1968) chính là nguồn mạch để đổi mới, hội nhập và phát triển. Niềm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất, về những chiến công phi thường của thời đại Hồ Chí Minh đã dốc sức vì Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Hướng Hóa tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khát khao xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hố bom tuổi thơ

Lâm Hưng Tình |

Để thấy một Hướng Hóa (Quảng Trị) phát triển và tươi đẹp như hôm nay, thầm cảm ơn những người đã hy sinh thầm lặng để rà phá bom mìn, mang lại bình yên cho quê hương.

Hướng Hóa “Đất lửa, máu nồng đơm hoa”*

Thanh Trúc |

Hướng Hóa, từng được ví là “vùng đất lửa, vùng đất chết” của Quảng Trị, sau hơn nửa thế kỷ, giờ đã hồi sinh mạnh mẽ. 55 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc ở Hướng Hóa đã nỗ lực để hiện thực hóa lời dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đó là xây dựng Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu.