Hướng Hóa “Đất lửa, máu nồng đơm hoa”*

Thanh Trúc |

Hướng Hóa, từng được ví là “vùng đất lửa, vùng đất chết” của Quảng Trị, sau hơn nửa thế kỷ, giờ đã hồi sinh mạnh mẽ. 55 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và các dân tộc ở Hướng Hóa đã nỗ lực để hiện thực hóa lời dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đó là xây dựng Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu.


Theo sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Lộc, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, chúng tôi tìm gặp ông Võ Tam, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Long. Thoáng chút xúc động khi có người hỏi chuyện xưa, ông Tam lục tìm những giấy tờ được cất kỹ trong chiếc rương cũ từ ngày ông nhận nhiệm vụ là xã đội trưởng xã Tân Long.

Một tệp giấy viết tay vẫn còn nguyên nét chữ bền cùng màu mực Cửu Long, là bài phát biểu của ông tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm lên với vùng đất mới được ghi lại đầy cảm xúc: “Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Trị và kế hoạch phân bổ lao động và xây dựng kinh tế mới, chúng ta tạm biệt tất cả, tạm biệt quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mảnh đất đã quen sống từ bao đời, chia tay tất cả những người thân để lên đường đến một nơi ở mới.

Vợ chồng ông Võ Tam, xã Tân Long ôn lại ký ức những ngày di dân lên vùng kinh tế mới - Ảnh: T.T
Vợ chồng ông Võ Tam, xã Tân Long ôn lại ký ức những ngày di dân lên vùng kinh tế mới - Ảnh: T.T

Ngày 6/9/1975, trên đồi núi hoang vu của núi rừng miền Tây Quảng Trị, chuyến xe chở 415 hộ dân với 1.846 nhân khẩu của các làng Bích La Khê, Tân Định, An Mô, Bích La Thượng, Đại Lợi, Đâu Kênh, Phương Ngạn, Phù Lưu, Vệ Nghĩa của xã Triệu Long hội tụ lập nên miền quê mới, lấy tên gọi là xã Tân Long.

Tên gọi làng mới thân thương vì chứa trong đó là quê hương bản quán và để tạo dựng nên cũng đầy gian khổ và hy sinh. Bước vào sản xuất trên vùng quê mới đang còn đầy bom đạn, với sức lao động là đôi bàn tay và công cụ lao động là cuốc, xẻng thô sơ, sức cày là trâu, bò thuộc sở hữu của tập đoàn sản xuất, Nhân dân đã quyết biến đồi núi hoang vu thành những nương khoai, rẫy sắn”.

Những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống mảnh đất này đều phải dè dặt và nặng âu lo của người cầm cuốc bởi dấu vết đạn bom sót lại. Không có vật liệu, cùng với số tiền 200 đồng mỗi hộ được nhà nước cấp, người dân tận dụng tranh tre, nứa lá để dựng nhà. Bắt tay vào công cuộc khai hoang phục hóa, người dân được hỗ trợ công cụ sản xuất, hỗ trợ lương thực trong 6 tháng đầu để ổn định, thành lập tập đoàn sản xuất.

Do chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác và thời vụ, công cụ lao động thô sơ, khí hậu lại khắc nghiệt, kinh nghiệm sản xuất vụ đông xuân từ đồng bằng áp dụng với điều kiện ở miền núi gần như thất bại hoàn toàn bởi thời tiết khô hạn nên những năm đầu, hiệu quả sản xuất nông nghiệp mang lại thấp.

“Năm nào thời tiết thuận hòa thì sản xuất được 100 tấn lúa/415 hộ dân. Tình trạng thiếu lương thực cả lúa lẫn hoa màu, dịch sốt rét hoành hành, thiếu thuốc men khiến nhiều người dân nản lòng bỏ cuộc. Thế rồi đến năm 1977, có khoảng 130 hộ với 512 nhân khẩu tự động rời bỏ Tân Long, di dời vào các tỉnh phía Nam, một bộ phận trở về quê cũ làm ăn. Những người bám trụ ở lại đã đúc rút kinh nghiệm, biết được thời vụ, khí hậu nơi này, học hỏi người dân bản địa nên chuyển sang trồng sắn, trồng bắp để có thêm nguồn lương thực.

Đến năm 1983, khi các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy lên trực tiếp chỉ đạo Nhân dân làm nghĩa vụ lương thực, thay đổi phương thức sản xuất thì xã Tân Long là địa phương dẫn đầu toàn huyện. Và bây giờ, xã Tân Long là thủ phủ chuối của miền Trung, là đầu mối thu gom chuối từ các vùng chuyên trồng chuối của huyện Hướng Hóa cũng như từ phía bạn Lào”, ông Tam chia sẻ.

Cây cà phê mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Hướng Phùng - Ảnh: T.T
Cây cà phê mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Hướng Phùng - Ảnh: T.T


Dọc theo các xã Đường 9 hôm nay như Tân Lập, Tân Liên, Tân Long, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo, hay tuyến vùng Lìa với đường nhựa phẳng lỳ, ngược vào Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lập... bóng dáng của những vùng quê trù phú, hơn xa những gì mà nhà thơ Tố Hữu đã mường tượng viết trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” khi quê hương vừa dứt ra khỏi bom đạn chiến tranh: “Trưa nồng, gà gáy Khe Sanh / Tà Cơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi”.

Anh Hồ Văn Cường, thôn Cổ Nhổi, xã Hướng Phùng, một trong những người đồng bào dân thiểu số gắn bó lâu năm và thành công với cây cà phê đã sớm tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, ứng dụng vào sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để chế biến, rang xay cà phê, thay đổi phương thức để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

“Vùng đất Hướng Phùng có lợi thế là đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa thuận lợi cho phát triển cà phê và chanh leo cũng như cây trồng các loại. Thế hệ chúng tôi không trải qua thời kỳ chiến tranh gian khó nên càng phải biết trân trọng giá trị của hòa bình, xây dựng quê hương phát triển từ việc làm kinh tế giỏi cũng là một cách để tri ân thế hệ đi trước”, anh Cường chia sẻ.

Ngoài thế mạnh về cây cà phê, so với các xã, thị trấn trong huyện, xã Hướng Phùng là địa phương phát triển diện tích chanh leo khá lớn với 80 ha, được trồng tập trung chủ yếu tại các thôn: Đại Độ, Cheng, Phùng Lâm, Cợp, Mã Lai Pun.

Theo các hộ trồng chanh leo cho biết, trồng chanh leo mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác như cà phê, lúa, ngô, sắn, gừng, nghệ... Đặc biệt, đối với loại cây trồng này, người dân được doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón và ký kết bao tiêu sản phẩm, do đó yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết thêm: “Sau mô hình thử nghiệm đầu tiên, đến nay có thể khẳng định giá trị kinh tế mà cây chanh leo mang lại cho người dân là rất cao, các mô hình chanh leo phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, đầu ra thuận lợi nên địa phương xác định phát triển loại cây này thành một trong những cây trồng chủ lực. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi các loại cây trồng kém năng suất sang trồng chanh leo, duy trì và nâng cao năng suất, chất lượng, dần xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP”.

Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như cà phê, chanh leo, hồ tiêu, chuối… Trong đó, cây cà phê, cây chuối và cây sắn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chuối, cây trồng chủ lực ở xã Tân Long, Hướng Hóa - Ảnh: T.T
Chuối, cây trồng chủ lực ở xã Tân Long, Hướng Hóa - Ảnh: T.T

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 28.556 tỉ đồng, cao hơn 2,26 lần so với bình quân giai đoạn 2015-2020. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 43,05 triệu đồng. Huyện tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, duy trì ổn định diện tích các loại cây trồng chủ lực với tổng diện tích gieo trồng hơn 18.639 ha. Tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất, ổn định cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Từ kết quả là những con số cụ thể trên các lĩnh vực, có thể thấy bức tranh kinh tế huyện Hướng Hóa với nhiều điểm sáng và trên đà phát triển. Hướng Hóa cũng là địa phương với dư địa, tiềm năng và triển vọng thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như phát triển điện gió, điện mặt trời, du lịch, thương mại dịch vụ...

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết: “Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, tích cực kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư trên địa bàn huyện.

Trong đó ưu tiên những dự án tạo được nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân các dân tộc trong huyện. Chính quyền huyện Hướng Hóa cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện dự án với sự hỗ trợ tốt nhất từ các cấp, các ngành.”

Quá khứ hào hùng với truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang đã và đang được Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc ở Hướng Hóa phát huy mạnh mẽ trong công cuộc lao động, dựng xây và phát triển quê hương.

(*): Mượn ý thơ Tố Hữu trong bài thơ Nước non ngàn dặm

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần một “tầm nhìn xa” cho du lịch Hướng Hóa

Đào Tâm Thanh |

Những năm gần đây, địa bàn Hướng Hóa đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách. Trong báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tại cuộc gặp mặt cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh vào chiều ngày 13/6/2023, phần về lĩnh vực du lịch có ghi: “Bình quân hằng năm thu hút trên 120 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 6 lần so với năm 2019; các mô hình, cơ sở dịch vụ du lịch ngày càng được các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư phát triển mở rộng quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng; dịch vụ nhà hàng, khách sạn hoạt động khá hiệu quả”.

Đổi thay trên quê hương Hướng Hóa anh hùng

Nguyễn Đình Phục |

Nhìn lại chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển 9/7 (1968 - 2023), phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hướng Hóa (Quảng Tị) đã đồng lòng đưa huyện đi lên, đổi mới về mọi mặt. 

Luôn là “điểm tựa” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Minh Long |

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn phát huy tốt vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. 

Điện lực Khe Sanh đồng hành với sự phát triển của huyện Hướng Hóa

Lâm Khanh |

Những năm qua, trong thành tựu chung của tiến trình đổi mới trên mọi lĩnh vực ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có sự đóng góp tích cực của ngành điện.