Cần một “tầm nhìn xa” cho du lịch Hướng Hóa

Đào Tâm Thanh |

Những năm gần đây, địa bàn Hướng Hóa đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách. Trong báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tại cuộc gặp mặt cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh vào chiều ngày 13/6/2023, phần về lĩnh vực du lịch có ghi: “Bình quân hằng năm thu hút trên 120 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 6 lần so với năm 2019; các mô hình, cơ sở dịch vụ du lịch ngày càng được các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư phát triển mở rộng quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng; dịch vụ nhà hàng, khách sạn hoạt động khá hiệu quả”.


Mặc dù thông tin trên hết sức ngắn gọn nhưng người đọc cũng sẽ hiểu, để có được con số thống kê như vậy, huyện Hướng Hóa đã nỗ lực rất lớn để kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tập trung phát triển du lịch trên địa bàn. Ở một góc nhìn khác, có thể cảm nhận được đã có rất nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc, tâm huyết của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đầu tư vào địa phương để khởi động một nền kinh tế du lịch non trẻ “từ không đến có”.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng làm du lịch là rất khó. Khó vì đây là một trong những ngành cạnh tranh khốc liệt nhất, mà cạnh tranh trực tiếp ngay trong từng sản phẩm du lịch, trên một không gian rất rộng, thời gian lại phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu, sở thích của du khách, khắt khe như kiểu “làm dâu trăm họ”.

Nét mới trên vùng cao Hướng Hóa - Ảnh: Đ.T
Nét mới trên vùng cao Hướng Hóa - Ảnh: Đ.T

Làm sao khi du khách đến là muốn ở, ở là muốn ở lâu hơn và đi là muốn hẹn ngày trở lại đang đặt ra một thách thức không dễ vượt qua đối với các doanh nghiệp du lịch. Cái khó của du lịch còn đòi hỏi ở sự tổng hòa, kết nối từ rất nhiều ngành, lĩnh vực, từ công tác quy hoạch đến giao thông - vận tải; từ hạ tầng, dịch vụ, trật tự an toàn xã hội đến an toàn vệ sinh thực phẩm; từ sản phẩm du lịch độc đáo đến cảnh quan môi trường trong lành; từ sự hướng dẫn chuyên nghiệp đến sự thân thiện mến khách của người dân địa phương…

Vì rất khó nên nếu thành công, thì làm du lịch sẽ rất giàu. Sự giàu thể hiện ở chỗ người làm du lịch sẽ có thu nhập cao; thu nhập của người dân địa phương nơi có điểm du lịch cũng được nâng lên nhờ các dịch vụ tại chỗ. Nhưng cái được lớn nhất vẫn là mảnh đất và con người nơi có các điểm du lịch hấp dẫn sẽ có tên trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch. Người ta gọi đó là cách phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Tuy đã có rất nhiều nỗ lực nhưng cho đến nay, du lịch Hướng Hóa mới ở giai đoạn khởi động tích cực và đang đối diện với rất nhiều thách thức đến từ nhiều phía. Có thể thấy dư địa là có, tiềm năng là có, hướng phát triển là có, nhưng có lẽ “đường băng” để du lịch Hướng Hóa “cất cánh” là khá hẹp. Do đó, người làm du lịch phải có nhận thức khác, tư duy khác, hành động khác, tầm nhìn xa hơn để tạo ra sự khác biệt, riêng có, độc đáo cho du lịch Hướng Hóa.

Về nhận thức, cần xác định đúng loại hình dịch vụ du lịch nào thu hút du khách nhất để có định hướng trong tổ chức các mặt hoạt động tương ứng. Hiện nay, xu thế quốc tế hóa trong sinh hoạt văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc trên thế giới được mở rộng, dẫn tới việc giao lưu văn hóa, tìm kiếm kiến thức về các nền văn minh của nhân loại, về những miền đất lạ đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của du khách.

Du lịch không hoàn toàn chỉ là nghỉ ngơi, giải trí đơn thuần mà còn là hình thức nghỉ ngơi tích cực, có tác dụng bổ sung tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Đó cũng chính là nội hàm của khái niệm du lịch - văn hóa. Có thể thấy, đây chính là thế mạnh của huyện Hướng Hóa.

Huyện Hướng Hóa là nơi sinh sống của đồng bào Vân Kiều và Pa Kô, chiếm khoảng 1/2 dân số, có nền văn hóa, văn nghệ dân gian rất phong phú. Họ dùng nhiều loại nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn ta lư, kê amam, kèn pi, đàn môi, trống, sáo. Người Vân Kiều, Pa Kô có nhiều truyện cổ truyền miệng kể về sự tích loài người, dòng họ, nguồn gốc tổ tiên. Trong phong tục tập quán, người Vân Kiều, Pa Kô coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, thờ các thần linh như thần lúa, thần bếp, thần núi, thần đất…

Chính những điều này đã tạo nên nhiều lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Trong các dịp lễ hội, bà con tổ chức giao lưu văn nghệ hát múa với cồng chiêng, biểu diễn những làn điệu Ca lơi, Cha chấp; tổ chức các lễ cúng, các phong tục phù hợp với từng thời điểm, từng sự kiện như lễ cúng cơm mới sau vụ mùa bội thu, lễ cúng trời cầu cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe, yên vui, lễ hội A riêu Ping của dân tộc Pa Kô (lễ cúng để quy tập mồ mả nhằm tưởng nhớ người đã khuất được tổ chức sau 10 năm trở lên kể từ ngày người mất).

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 5 câu lạc bộ cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở các xã, thị trấn. Hoạt động của các lạc bộ này không chỉ quy tụ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương mà còn tạo ra sân chơi bổ ích, gắn kết cộng đồng dân cư... Tất cả những lễ hội và hình thức sinh hoạt văn hóa này đều có sức hấp dẫn du khách, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Hướng Hóa còn là một vùng núi non kỳ vĩ, cảnh sắc tươi đẹp, khí hậu ôn hòa mà cả khu vực Bắc miền Trung ít nơi nào có được. Đó là một vùng đèo Sa Mù với độ cao trên 1.400 m so với mực nước biển - xứ sở của những loài hoa quý tộc; đó là những “cánh đồng điện gió” vững chãi và trầm mặc giữa đại ngàn; thác Chênh Vênh ở Hướng Phùng; thác Tà Puồng ở Hướng Việt…

Đặc biệt là danh thắng đỉnh Voi Mẹp, đây là ngọn núi có độ cao lớn nhất vùng cao huyện Hướng Hóa (1.701m) nằm giáp ranh giữa xã Hướng Sơn và Hướng Linh được ví như “Nóc nhà Quảng Trị”. Dưới triều Tự Đức, vua đặt tên là Tá Linh Sơn, bởi “khi hữu sự, người ta trông về đây để cầu điều linh ứng”. Voi Mẹp là biểu tượng cốt cách kiên trung của người Quảng Trị trong quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương… Đây là những địa danh hoàn toàn có thể xây dựng nên các sản phẩm du lịch trải nghiệm, khám phá độc đáo, thu hút du khách.

Điều quan trọng góp phần để du lịch Hướng Hóa “cất cánh” đó là cần làm tốt công tác quy hoạch. Khi đã có một quy hoạch phát triển du lịch bài bản, hợp lý, hiệu quả lâu dài thì mới có cơ sở để lựa chọn, thu hút nhà đầu tư vào địa phương để phát triển du lịch. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ đào tạo nguồn lực chất lượng cao để phục vụ kinh tế du lịch và hoàn thiện hạ tầng, kết nối các điểm du lịch thuận lợi.

Để Hướng Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, trước mắt cần tập trung làm tốt hai việc, một là nơi điểm đến này phải đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội ổn định; hai là người dân nơi đây phải có cuộc sống văn hóa, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, để Hướng Hóa sẽ là “nơi muốn đến, chốn mong về” của du khách gần xa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch – hướng đi mới của huyện Hinherp tỉnh Viêng Chăn

Tổng hợp |

Dự án phát triển khu trọng tâm sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gắn với du lịch là Dự án đặc sắc trong loại hình du lịch nông nghiệp, đồng thời tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Hướng đi mới của du lịch miền Tây Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng, các địa phương ở miền Tây Quảng Trị đã tận dụng và “đánh thức” tiềm năng du lịch bằng những bước đi mới, có tính đột phá…

Triệu Phong phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thanh Lê |

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã quan tâm phát triển ngành du lịch, góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH tại địa phương. Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tác phẩm “Ngày mới trên vườn hoa Rose farm” đoạt giải A cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Hướng Hoá

Nguyễn Khiêm |

Cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Hướng Hoá năm 2023 được phát động từ ngày 10/4/2023 và kéo dài đến hết ngày 01/6/2023.