Những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn phát huy tốt vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Họ luôn là “điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng.
Huyện Hướng Hóa có 99 thôn, bản có đồng bào DTTS, trong đó 100% thôn, bản đều có NCUT. Đây là đội ngũ có sự am hiểu cặn kẽ về phong tục, tập quán địa phương, có kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, có khả năng vận động Nhân dân, luôn nêu gương trong mọi việc.
Ông Hồ Văn Lai năm nay đã ngoài 60 tuổi và có gần 10 năm liên tục đảm nhận vai trò là NCUT của Bản 1, xã Thuận. Với suy nghĩ phải làm sao nói cho dân hiểu, dân tin và làm theo, ngoài việc sống gương mẫu, ông luôn gần gũi với người dân trong bản.
Tranh thủ sau những giờ lên nương rẫy, ông đến từng hộ gia đình thăm hỏi, chuyện trò, vừa động viên lao động sản xuất, vừa khéo léo vận động họ biết chú trọng việc giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ; xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng, xây dựng khu dân cư văn hoá, xây dựng nông thôn mới.
Nhờ thế, Bản 1 luôn là điểm sáng về xây dựng khối đại đoàn kết, nhiều hộ tham gia hiến đất xây dựng các công trình dân sinh. Ông Hồ Văn Lai chia sẻ: “Được tín nhiệm bầu làm NCUT thì mình phải làm hết trách nhiệm. Phải biết cách tuyên truyền, vận động bà con, làm thế nào để thoát nghèo vươn lên làm kinh tế giỏi, không vi phạm pháp luật, phải sống có trách nhiệm với xã hội”.
Những NCUT trong cộng đồng ở Hướng Hoá còn đi đầu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, vận động người dân ở thôn, bản học tập làm theo để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ thế, ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo ở vùng đồng bào DTTS cho thu nhập cao.
Ông Ăm Neng ở thôn Vầng, xã Ba Tầng là một ví dụ điển hình về NCUT tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất.
Trước đây, ông cũng như bao hộ gia đình khác, phụ thuộc nương rẫy, sản xuất theo phương thức lạc hậu nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, tận dụng lợi thế về nguồn nước, quỹ đất và các điều kiện khác, gia đình ông quyết định xây dựng mô hình kinh tế VAC.
Sau 5 năm gây dựng, đến nay, mô hình của gia đình ông phát triển tốt với hơn 200 trăm gốc cây ăn quả; tổng đàn gia súc trên 40 con; hơn 1 ha sắn, 2 ao cá... tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm. Nhờ đó, gia đình ông nuôi con ăn học đầy đủ, xây dựng nhà ở khang trang. Từ mô hình kinh tế của ông, nhiều hộ trong thôn đã học tập làm theo.
“Tôi thấy, đời sống người Vân Kiều ở thôn còn gặp rất nhiều khó khăn nên tôi đã quyết tâm đi trước làm kinh tế.
Tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt các loại giống cây mới trên sách báo, ti vi. Trước hết là làm giàu cho gia đình, sau đó là giúp đỡ, hướng dẫn bà con cùng làm ăn để họ thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”, Ăm Neng chia sẻ.
Là một huyện biên giới, việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một nhiệm vụ có vai trò quan trọng hàng đầu.
Phát huy vai trò của mình, đội ngũ NCUT trong cộng đồng ở Hướng Hoá đã luôn đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động, vừa chú trọng việc nêu gương. Sống trên tuyến biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, ông Hồ Văn Yên là NCUT của thôn Ra Man, xã Xy luôn nêu cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc.
Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, ông chủ động phối hợp với bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương tuần tra biên giới. Tích cực giáo dục con cháu và tuyên truyền, vận động Nhân dân phải biết giữ gìn an ninh biên giới, chấp hành nghiêm pháp luật, cảnh giác trước các hành vi vi phạm an ninh biên giới, hành vi vượt biên trái phép, buôn bán hàng cấm qua biên giới…Những nỗ lực của ông đã góp phần quan trọng vào quá trình đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Với những đóng góp đó, ông Hồ Văn Yên đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong bảo vệ biên giới quốc gia. Ông Yên nói: “Cột mốc biên giới biểu tượng cho sự thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, chúng ta phải bảo vệ cột mốc thường xuyên, coi nó như ruột thịt của mình. Tôi luôn tuyên truyền, vận động người dân, nhất là thế hệ trẻ phải đoàn kết, cùng nhau bảo vệ bình yên khu vực biên giới”.
Với uy tín của mình, đội ngũ NCUT trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền vận động Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết, chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đoàn kết dân tộc ở địa phương, không di cư tự do, kết hôn không giá thú, tham gia phòng, chống tảo hôn, xây dựng đời sống văn hóa...
Ông Hồ Noi, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng là một trong những NCUT tiêu biểu. Trước thực tế một số bản sắc văn hoá dân tộc đang có chiều hướng bị mai một dần, ông Noi đã chủ động sưu tầm các loại nhạc cụ, tìm học cách chế tác và thực hành, lưu giữ các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc.
Nhờ sự vận động và tích cực hỗ trợ của ông, thôn Chênh Vênh đã thành lập được câu lạc bộ dân ca truyền thống, bước đầu câu lạc bộ đi vào hoạt động nền nếp và phục vụ tốt khách du lịch tại địa phương. Ông Hồ Noi cho biết: “Các nhạc cụ truyền thống hiện nhiều gia đình còn lưu giữ, nhưng ít người chơi được. Do đó, tôi mong muốn được hướng dẫn cho người dân, nhất là thế hệ trẻ biết đánh trống, đánh chiêng, chơi các nhạc cụ để văn hóa của dân tộc mình không bị mai một”.
Bên cạnh thực hiện bảo tồn văn hoá truyền thống, NCUT trong vùng đồng bào DTTS ở Hướng Hoá còn tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; chăm lo cho con cái học hành đầy đủ, xóa bỏ hủ tục, nhất là trong việc cưới, việc tang...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá Phạm Trọng Hổ cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm, có chính sách động viên, biểu dương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để NCUT trong đồng bào DTTS phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình, tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; tích cực lao động sản xuất làm giàu chính đáng; cùng tham gia hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)