Sau 3 năm triển khai, dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đối khí hậu ở tỉnh Quảng Trị (PROSPER)” đã có nhiều đóng góp vào chiến lược phát triển lâm nghiệp của địa phương. Một trong những đóng góp của dự án đó là mở ra triển vọng mới đối với khai thác nguồn lợi từ rừng như gỗ keo rừng trồng FSC, dầu trẩu, than tre sinh học và du lịch cộng đồng...
Mở ra những triển vọng mới
Buổi chiều muộn ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, bỗng rộn ràng với những tiếng đàn, lời ca. Bên ánh lửa bập bùng, những cô gái, chàng trai Vân Kiều trong Tổ văn nghệ truyền thống thôn Chênh Vênh say sưa hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng FSC do dự án PROSPER hỗ trợ. Lần đầu tiên, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh và Trăng Tà Puồng đã biết làm du lịch. Các hoạt động dịch vụ du lịch mà người dân triển khai thời gian qua bao gồm ẩm thực, tham quan rừng, thác nước và thưởng thức các tiết mục biểu diễn dân ca BruVân Kiều.
Theo anh Phạm Hoàng Phương, Giám đốc Doanh nghiệp Ken Travel, có nhiều khó khăn để tổ chức du lịch cộng đồng tại đây vì mọi thứ vẫn còn rất mới mẻ với người dân. “Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở khu vực này, nhất là kết hợp với MCNV để tổ chức tập huấn cho người dân.
Muốn du lịch cộng đồng nơi đây phát triển lâu dài cần thời gian và sự kết nối với các doanh nghiệp, cũng như công tác quảng bá điểm đến để những điểm du lịch ở đây có trên bản đồ du lịch cả nước”, anh Phương cho biết.
Mỗi lần có khách du lịch ghé thăm, ông Hồ Văn Lý, thôn Chênh Vênh, luôn giới thiệu các sản phẩm từ tre do người dân thôn mình làm ra như hộp đựng bút, ống hút, hộp đựng hương… Sản phẩm làm ra theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, số lượng chưa nhiều nhưng hứa hẹn mở ra hướng phát triển bền vững cho người dân nơi đây. Ông Lý chia sẻ: “Nấu ăn, biểu diễn văn nghệ, làm các sản phẩm từ tre… việc gì ban đầu cũng rất bỡ ngỡ đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi cứ học dần để quen dần”.
Công ty Công ty Water Solutions South East Asia (viết tắt là WSS) đã xây dựng kế hoạch sản xuất than sinh học từ tre với số lượng khoảng 10.000 tấn/năm, tương đương 20.000 tấn CO2 được hấp thụ. Việc hấp thụ CO2 cũng là một cơ hội khác cho cộng đồng vì không chỉ tạo ra sản phẩm xử lý nước sạch mà còn góp phần giảm phát thải CO2 . 1 tấn than sinh học cần 3 tấn tre nguyên liệu, lưu trữ khoảng 1,8-2 tấn CO2 .
Một trong những yêu cầu của WSS là chỉ sử dụng than sinh học từ rừng có chứng nhận FSC. Cả nước hiện có 3 vùng nguyên liệu đáp ứng được tiêu chuẩn này, tuy nhiên vùng nguyên liệu ở Hòa Bình và Thanh Hóa lại không bán ra thị trường, vì vậy đây là cơ hội lớn cho Quảng Trị.
Từ ý tưởng của doanh nghiệp, MCNV và Hội Chứng chỉ rừng (CCR) đã hỗ trợ các hộ dân ở xã Hướng Phùng sản xuất thí điểm than sinh học dưới sự hướng dẫn của Trường Đại học Nông lâm Huế. Mô hình này mở ra một triển vọng mới đối với khai thác nguồn lợi ngoài rừng của người dân địa phương.
Mong nhiều cánh rừng được bảo vệ
Dẫn các đại biểu tham quan thực địa trước thềm Hội thảo kết thúc dự án PROSPER, ông Hồ Văn Chiến, Trưởng lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh chia sẻ: sau khi được Nhà nước giao quản lý gần 8 Ban quản00 ha rừng tự nhiên, chúng tôi thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Nếu phát hiện có nghi vấn, chúng tôi phải báo ngay với chính quyền địa phương để phối hợp xử lý.
Trước khi dự án PROSPER được triển khai, người dân ở đây khai thác măng, tre tùy tiện; chặt phá cây trẩu khi giá bán hạt thấp; du lịch chỉ mang tính tự phát nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ô nhiễm môi trường.
Được dự án đầu tư, kết nạp vào mạng lưới Hội các nhóm CCR Quảng Trị, người dân có cơ hội khai thác và hưởng lợi từ nguồn lợi tự nhiên ngoài rừng. “Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn những cánh rừng ở Việt Nam được bảo vệ để người dân có cơ hội hưởng lợi” ông Chiến nói.
Mặc dù triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 2/2020-2/2023), dự án PROSPER đã đạt được các kết quả đột phá, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực quản lý rừng cộng đồng, phát triển sinh kế cho cộng đồng miền núi, phát triển rừng trồng gắn với phòng hộ và giảm phát thải. Hội CCR Quảng Trị và các chi hội là đại diện cho chủ rừng nhóm hộ gia đình, cộng đồng đã tham gia sâu vào tiến trình giảm phát thải và chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.
Chia sẻ kinh nghiệm
Từ thành công của dự án PROSPER, thời gian tới, tỉnh cần xem xét để lồng ghép vào các chương trình, chiến lược phát triển KH-XH trên địa bàn nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị mà dự án mang lại.
Theo đó, cần thể chế hóa vai trò của hội, chi hội rừng trồng hộ gia đình và rừng tự nhiên cộng đồng trong tham gia đóng góp vào giảm phát thải và quản lý rừng bền vững vì hiện tại, vai trò tham gia của hội và chi hội chỉ giới hạn ở mức kế hoạch, dự án. Thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị đã hình thành bao gồm gỗ keo rừng trồng FSC, dầu trẩu, than tre sinh học, dầu gội thảo dược bồ kết, măng khô, các sản phẩm từ mây tre và du lịch cộng đồng. Các chuỗi giá trị này bước đầu đã hình thành và tác động đến phát triển bền vững, do đó tỉnh cần huy động nguồn lực từ các dự án song phương, dự án NGO, doanh nghiệp để tiếp tục phát huy giá trị mà dự án mang lại.
“PROSPER - tên viết tắt tiếng Anh có ý nghĩa là “Thịnh vượng”. Chúng ta mong đợi dự án sẽ góp phần tạo ra sự thịnh vượng cho người dân - chủ hộ rừng, sự phồn vinh cho các doanh nghiệp đối tác, đem lại sự trù phú cho màu xanh của rừng Quảng Trị và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển bền vững của tỉnh”. Ông Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV
Việc kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái rừng tại hai thôn Trăng Tà Puồng và Chênh Vênh đã tạo cơ hội để doanh nghiệp thực phẩm INPROBA (Hà Lan) xem xét chi trả tự nguyện cho FSC-ES, đồng thời mở ra một hướng đi mới trong mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng và tạo thu nhập cho chủ rừng cộng đồng. Vì vậy, mô hình này cần được nhân rộng đối với diện tích rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng quản lý còn lại trên địa bàn, góp phần vào quá trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2026.
Chính sách hỗ trợ chi phí chứng chỉ đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 23/12/2019, theo đó 1 ha sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng cho các năm 2020 - 2025 đối với rừng có chứng chỉ.
Đây là một chính sách cần thiết để giúp các chủ rừng nhóm hộ/HTX/ cộng đồng duy trì vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững cho các doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà tài trợ chi trả tự nguyện cho FSCES. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu UBND tỉnh xem xét sớm thực hiện chính sách này.
Sau 3 năm triển khai, dự án PROSPER đã tạo ra các sáng kiến, mô hình, kết quả nổi bật, trong đó có những kết quả mang tính tiên phong tại Việt Nam. Do đó, cần chia sẻ bài học kinh nghiệm từ dự án PROSPER cho các doanh nghiệp, dự án, tổ chức phi chính phủ trên địa bàn tỉnh nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)