Bản Kỳ Tăng nằm tít trong xã Lìa, nhà Côn Cuôn nằm ở gần suối, chỗ có hai con đường, con đường bê tông xuống suối và con đường đất lên đồi. Vị thế ấy rất đẹp để trồng hoa. Vườn Côn Cuôn có gần chục khóm hoa dã quỳ, tới tiết lạnh cuối năm hoa vàng rực rỡ nên người Hướng Hóa (Quảng Trị) khi có dịp đi qua vùng Lìa đều ghé nhà Côn Cuôn để xem hoa, chụp ảnh. Và còn để nghe Côn Cuôn kể câu chuyện mình đem hoa về núi.
Người miền núi yêu hoa
Tạm thời gác qua chuyện cơm áo hằng ngày, những vất vả lo toan của người miền núi để nghe những bâng khuâng, dịu dàng và tinh khiết của hoa. Đa phần đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô rất đam mê âm nhạc và yêu hoa. Trong ngôi nhà của đồng bào, hai thứ không thể thiếu đó là dàn âm thanh và hoa. Dù nhà nhỏ mấy thì âm thanh phải đạt chuẩn và hoa phải đẹp. Đó là đời sống tinh thần của họ, là thứ giúp họ thư giãn, quên đi những vất vả thường ngày.
Côn Cuôn chia sẻ với chúng tôi rằng, không chỉ ở Kỳ Tăng mà bất cứ đâu ở miền núi, nhà nào cũng có hoa. Từ cây hoa ở đồng bằng đến hoa dại trên rừng, ven đường, dọc sông suối… đều được bà con Vân Kiều, Pa Cô trồng, chăm sóc, gìn giữ “từ hồi tổ tiên người miền núi đã yêu hoa, thấy một cây hoa giữa rừng đẹp là lấy cành hoặc cây con về trồng. Từ một cây hoa lên vài cây hoa, lên mười cây hoa… và nhiều cây hoa. Ưng đẹp thì trồng, nhìn hoa là quên mệt, quên buồn, có sức khỏe để ngày mai lên rẫy”.
Đi dọc miền núi chênh vênh, đường uốn lượn quanh co và cũng có lúc về bản đường gập ghềnh. Nhưng chúng ta đã không quên nhìn, những bông hoa nép vào nhau cạnh đường, những vườn hoa bung nở mỗi độ xuân sang bên nhà sàn. Dọc đường có những khóm hoa, hàng rào hoa… và những con đường hoa.
Nếu như ở phố núi Hướng Phùng rực vàng sắc dã quỳ vào mỗi độ cuối năm thì qua khỏi đèo Sa Mù trên cung đường bắc Hướng Hóa, chúng ta bắt gặp con đường hoa trẩu ở Hướng Việt, Hướng Lập. Đường vào xã Lìa có một đặc trưng bởi hoa điệp anh đào với ba màu sắc chủ đạo: màu hồng, hồng tím và trắng xanh. Điệp anh đào nở vào khoảng 25 tháng Chạp và tràn qua hết mùa xuân, khi nắng hạ báo mùa rồi thì điệp anh đào vẫn sum suê trên cành, hoa vẩy lên hương sắc trên những miền rừng, bên mái nhà sàn, dọc những con đường đi. Những bông hoa ấy, màu sắc ấy gợi cho chúng ta sự thanh thoát, cùng với núi rừng Hướng Hóa, với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô nồng hậu đẹp như một bức tranh.
Đồng bào miền núi từ ngày này đến tháng khác trồng hoa, chăm sóc hoa… từ đời này sang đời khác yêu hoa, gìn giữ hoa đó là sự tôn thờ cái đẹp. Cũng như tấm lòng của đồng bào, một lòng thủy chung son sắc với Đảng, với Bác Hồ, nồng hậu với mọi người xung quanh, hiếu khách và tin yêu hết thảy những con người. Đó cũng là đóa hoa lòng người, giữa núi rừng Trường Sơn hàng ngàn đời bất diệt. Đó cũng là di sản văn hóa của lòng người, là sự cao cả và niềm kiêu hãnh của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô.
Từ một cành hoa nơi ấy
Côn Cuôn chẳng bao giờ quên những bước ngoặt trong đời mình. Từ khi được mẹ sinh ra, lớn lên đến trường, lúc cưới vợ, lúc lo cho con cái yên bề gia thất. Và lúc tìm thấy loài hoa, nó có màu vàng, ở một nơi rất đặc biệt.
Năm 2020, trong một dịp xuống phố Côn Cuôn đã nhìn thấy loài hoa màu vàng ấy. Cụ kể lại rằng: “Từ hai năm trước, bố ốm. Khi ngồi ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nhìn một khóm hoa, từ ngày này qua ngày khác bố chỉ nhìn khóm hoa ấy, bố rất thích. Lúc đó cũng không nghĩ là mình có được, bởi vì sợ hoa họ trồng, cũng không biết trồng như thế nào nên cứ ngồi ngắm thôi”.
Trong tình huống “chẳng lấy gì làm hay ho” thì người đàn ông dân tộc Pa Cô tên là Côn Cuôn đã đắm đuối nhìn những bông hoa màu vàng và thấy lòng mình rất thư thái. Sau vài ngày, Côn Cuôn kể, có xe đến và họ san ủi đất để xây dựng, khóm hoa cũng bị ủi, bố đến đống đất đá và cắt một nhánh hoa mang về núi.
Câu chuyện hơn hai năm, một dịp chẳng may đau ốm nhưng trong sự tình cờ đó Côn Cuôn đã gặp được hoa dã quỳ. Đến bây giờ thì Côn Cuôn vẫn gọi hoa dã quỳ bằng màu sắc, hoa vàng “gọi là hoa vàng quen rồi, mà màu đó đẹp cũng quen rồi, bố mẹ đều thích hoa vàng đó, rất nhiều người thích…”
Những cánh hoa vàng mênh mang hướng về phía núi. Trong buổi sớm mai se lạnh hoa vàng thêm ấm áp, trong buổi chiều ở núi rừng thâm u hoa vàng đẹp như một bức tranh. Vợ chồng Côn Cuôn bắt đầu trồng hoa từ ngày đó. Vợ cắt cành, chồng đào hố, vợ bỏ cây, chồng lấp đất. Đầu tiên một vài khóm, vợ chồng Côn Cuôn tiếp tục trồng, nó thành 2, thành 5 và giờ đây một góc nhà Côn Cuôn rực vàng sắc màu dã quỳ.
Câu chuyện Côn Cuôn - người mang hoa về núi đã ra khỏi bản làng để đến với Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị. Và chính Quỹ Phát triển những con đường hoa là đơn vị đã tiếp sức tạo thêm động lực cho Côn Cuôn làm đẹp bản làng. Hai vợ chồng Côn Cuôn được hỗ trợ để trồng hoa.
Giờ đây ở bản làng Kỳ Tăng không chỉ có vài khóm hoa mà hàng trăm, hàng ngàn cây hoa dã quỳ được trồng xuống dọc đường thôn Kỳ Tăng ra tận bờ suối. Hình ảnh hai vợ chồng già người Pa Cô trồng hoa giữa bản làng là hình ảnh đẹp nhất của mùa xuân. Nó vừa mới mẻ, vừa chắt lọc những hương sắc của núi rừng. Chợt nhận ra một điều lẽ phải, hiến dâng cho cộng đồng cũng là một lẽ sống góp thêm bông hoa vào mùa xuân. Và bất kỳ ai, vì sự phát triển của cộng đồng, cho bản làng đều là người đưa hoa về núi.
Điều lẽ phải của Côn Cuôn
Côn Cuôn luôn khắc ghi những lời mẹ của ông dặn: Sống đẹp và thật thà. Dường như điều ấy luôn được các bà mẹ Vân Kiều, Pa Cô dạy con. Côn Cuôn chia sẻ: “Sống thì phải biết yêu cái đẹp, yêu con người tốt, yêu hoa, yêu cây… và mẹ dặn phải thật thà. Vì nếu con người mà không thật thà dễ sinh điều dối trá, có hại cho mọi người, cho đất nước”.
Thật thà, phương châm, triết lý sống của đồng bào; yêu cái đẹp, khát vọng để họ tạo dựng, tìm kiếm, chinh phục cho cuộc sống thêm được hạnh phúc. Tính cố kết cộng đồng của người Vân Kiều, Pa Cô rất cao. Đó là sức mạnh của họ, nên sự thật thà, đoàn kết… là sức mạnh của họ. Và ở cộng đồng Vân Kiều, Pa Cô những việc làm sai trái luôn được cộng đồng lên án để hạn chế, xóa bỏ. “Người ta phát cỏ dại để trồng hoa cũng là cách làm đẹp, xóa cái xấu để con người tốt hơn cũng để làm đẹp. Mà phải bền như thế, có người tốt mọi người mới ghé thăm” - Côn Cuôn chia sẻ thêm.
Nuôi một giấc mơ cho bản làng qua những khó khăn, mong muốn một ngày bản làng được nhiều người tới thăm chơi là động lực để Côn Cuôn tiếp tục trồng hoa và cụ tâm sự rằng: “Ở đâu có hoa thì có nhiều người, có người đến người đi thì làm gì cũng thuận lợi hơn. Du khách như những con ong, mùa hoa thì có nhiều ong hơn…”.