Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về phòng chống dịch Covid-19 vào chiều tối ngày 2/8, Thủ tướng đề nghị người dân cài ứng dụng Bluezone - ứng dụng hỗ trợ phát hiện truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời giao Bộ TT&TT chủ trì, hướng dẫn phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành triển khai nhanh nhất việc này.
Thủ tướng cho rằng phần mềm Bluezone là vấn đề quan trọng nhưng vẫn còn mới mẻ với nước ta. Vì vậy cần tích cực thúc đẩy triển khai ứng dụng trên các nền tảng trực tuyến như dạy học, họp hành trực tuyến, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử.
“Đây cũng là dịp để chúng ta ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp, khuyến khích người trẻ đóng góp vào quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng cho hay.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin đến những người này để khai báo y tế, đặc biệt là những người từng đến các khu vực có nguy cơ cao ở Đà Nẵng. Mặc dù người du lịch rời khỏi Đà Nẵng khá nhanh nhưng đã liên hệ được để truy vết. Ông Hùng đánh giá cao vai trò của công cụ Bluezone trong việc này.
Theo ông Hùng, đến nay đây là phần mềm truy vết hiệu quả nhất. Phần mềm này kết hợp với phần mềm khai báo khác đang hoạt động ở Việt Nam sẽ trở thành hệ sinh thái với độ truy vết rất cao. Với số lượng dân khoảng 75-80 triệu người trưởng thành đang dùng điện thoại di động, nếu 60% trong số đó cài đặt Bluezone thì phần mềm sẽ hiệu quả.
Bộ trưởng TT&TT kiến nghị Thủ tướng chỉ thị toàn dân cài đặt Bluezone, kể cả người nước ngoài nhập cảnh, thời gian hoàn thành trước ngày 8/8, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia thúc đẩy cài đặt nhanh nhất. "Đi từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng người cài đặt Bluezone”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh 2 điều kiện để dùng Bluzone có hiệu quả là tỷ lệ điện thoại thông minh/dân số đạt 50-60%, chính quyền mạnh và người dân tin vào Chính phủ. Chúng ta có cả hai điều này vì vậy đây là thuận lợi lớn. Ngay ở Đà Nẵng, việc triển khai phần mềm này cũng khá nhanh.
Ông Hùng cho biết để đẩy mạnh hoạt động trực tuyến và chuyển đổi số, các ban, bộ, ngành địa phương nên ban hành tỷ lệ hoạt động trực tuyến, duy trì cả trong và sau dịch Covid-19. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ dịch vụ công trực tuyến, cơ bản năm 2021 hoàn thành. Lúc này là cơ hội nhanh để thúc đẩy chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một trong những cách phòng chống dịch hiệu quả nhất.
(Nguồn: Phụ nữ mới)