Nếu người lao động (NLĐ) không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
Theo một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội, từ 1-1-2021 thì lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đây là một điểm mới được quy định tại điều 94 BLLĐ 2019. Theo đó, trường hợp người lao động (NLĐ) không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
Ông Phát nói: "Quy định này thường xảy ra đối với NLĐ nhận lương bằng tiền mặt trong điều kiện người lao động bị bệnh, đi công tác xa hoặc gặp trở ngại nào đó không thể nhận lương trực tiếp được mới ủy quyền cho người khác nhận thay. Người được ủy quyền có thể là cha mẹ, vợ chồng, con hoặc bất kỳ ai và hai bên phải làm thủ tục ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự. NLĐ có thể đến UBND xã phường hoặc phòng công chứng lập ủy quyền cho người thân đi nhận lương thay. Trường hợp nhận lương bằng hình thức chuyển khoản, NLĐ phải đồng ý và cung cấp tài khoản để doanh nghiệp chuyển tiền cho người thân. Trường hợp này không cần ủy quyền vì đã thể hiện ý chí của NLĐ".
LLĐ 2019 quy định trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng thì NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. Luật sư Lê Trung Phát cho biết, vấn đề này được quy định tại điều 96 BLLĐ và nghị định 145/2020 (sẽ có hiệu lực ngày 1-2-2021). Thông thường, khi trả lương qua tài khoản, NSDLĐ yêu cầu NLĐ cung cấp số tài khoản của một ngân hàng nào đó cho họ. Như vậy, nếu NLĐ có sẵn số tài khoản thì sẽ cung cấp cho NSDLĐ.
"Nếu lúc đó chưa có số tài khoản tại ngân hàng do NSDLĐ yêu cầu thì buộc lòng NLĐ phải đi mở tài khoản mới. Lúc này, NSDLĐ phải trả chi phí mở tài khoản (nếu có). Tất nhiên, NSDLĐ không phải trả phí liên quan đến cập nhật biến động số dư qua tin nhắn SMS hay phí đăng ký giao dịch Internet banking. Về phí chuyển lương qua tài khoản, hiện nay các ngân hàng đều có các gói ưu đãi cho NSDLĐ sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản, nên phần lớn NSDLĐ không mất phí khi trả lương qua tài khoản ngân hàng", ông Phát nói.
(Nguồn: Phụ nữ mới)