Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Nhiều năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công (NCC) với nước trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và giải phóng dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta.
Vào các dịp lễ, Tết, các phần mộ liệt sĩ đều được hương khói ấm áp của các tấm lòng tri ân. Ở Quảng Trị đã hình thành một phong tục rất ý nghĩa, rất nhân văn là đi viếng nghĩa trang vào các dịp lễ, Tết. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Trị vinh dự đón tiếp, tổ chức phục vụ lễ viếng cho 27.983 đoàn với 604.254 lượt người đến thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại 2 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9 và hàng nghìn lượt người đến viếng, tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, cấp xã; tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo, tận tình cho 6.151 gia đình với 24.991 lượt thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng, tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê an táng nghỉ tại Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh.
Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ của Quảng Trị luôn nhận được sự phối hợp tích cực, tình nghĩa và có trách nhiệm của các đơn vị quân đội, các tầng lớp nhân dân trong nước và cả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các bộ tộc Lào anh em và của một số tổ chức quốc tế khác. Từ năm 1988 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã quy tập, truy điệu và an táng 8.981 mộ liệt sĩ; trong đó: 3.538 mộ liệt sĩ quy tập trong tỉnh; 5.433 mộ liệt sĩ quy tập tại nước bạn Lào. Thực hiện di chuyển 1.696 mộ liệt sĩ về quê an táng; đính chính thông tin trên 1.295 bia mộ liệt sĩ; thực hiện lấy 718 mẫu ADN giám định xác định danh tính liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng 242 mộ liệt sĩ.
Từ năm 2015 đến nay, cuộc vận động chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” đã kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, của những tấm lòng, dâng lên mỗi ngôi mộ có một bình hoa ở 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bên cạnh với những kết quả nổi bật đạt được, vẫn còn những khó khăn về công tác chăm sóc NCC như: việc hỗ trợ, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho NCC gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho NCC, chưa tương xứng với nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra. Mặt khác, với đặc thù thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai diễn biến phức tạp, tác động xấu đến các công trình xây dựng nói chung và các công trình ghi công liệt sĩ nói riêng nên các công trình ghi công liệt sĩ nhanh xuống cấp, hư hỏng. Mặc dù hằng năm, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác để thực hiện công tác cải tạo, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cần sửa chữa nâng cấp 72 nghĩa trang liệt sĩ, nâng cấp bảo vệ các công trình ghi công liệt sĩ.
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 (1947-2022), UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 ngày Thương binh-Liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, với các hoạt động nổi bật, thiết thực như: Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), truyền thống của dân tộc và những thành quả của công tác thương binh, liệt sĩ đến các cấp, các ngành, các cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC; sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội đối với công tác thương binh, liệt sĩ.
Đặc biệt là mở chuyên mục trên Báo Quảng Trị, Đài PTTH Quảng Trị nhằm tri ân sâu sắc sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước; vận động toàn dân chăm lo ngày một tốt hơn cho các đối tượng NCC, gia đình chính sách.
Tổ chức Cuộc thi viết với chủ đề “Người có công tiêu biểu, công tác đền ơn đáp nghĩa” nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu NCC với cách mạng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân và tổ chức hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu và tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tổ chức lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ VNAH và Huân chương Độc lập (thân nhân 26 Bà mẹ VNAH và 1 thân nhân liệt sĩ được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập). Phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Màu hoa đỏ” lần thứ 15, năm 2022; Liên hoan Thanh niên-Sinh viên Việt Nam do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì; Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”.
Triển khai các hoạt động Tháng tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Thăm, tặng quà cho NCC; xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách và NCC trên địa bàn tỉnh, trong đó khẩn trương tổ chức xây 200 nhà tình nghĩa do Bộ Quốc phòng trao tặng; 53 nhà tình nghĩa do LĐLĐ tỉnh phát động; tổ chức lễ viếng và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại 2 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị; tổ chức vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC.
Vận động phong trào toàn dân chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ đầu tư hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại các nghĩa trang liệt sĩ cấp xã trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác chăm sóc, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đảm bảo sạch đẹp, tôn nghiêm, thể hiện lòng thành kính, tri ân và có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc. Tiếp tục tìm kiếm và vận động Nhân dân phát hiện mộ liệt sĩ để quy tập hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ.
Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn kinh phí vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, kinh phí ủy quyền của Trung ương, kinh phí ngân sách địa phương, kinh phí từ nguồn xã hội hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành, các đơn vị thực hiện công tác nâng cấp, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Những hoạt động nổi bật thiết thực này nhằm đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng” góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và NCC với cách mạng. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC với cách mạng, tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)