Ngày 15/6, tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu và Kon Tum giai đoạn 2018 - 2022.
Mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” được triển khai từ năm 2018 nhằm góp phần giải quyết vấn đề bạo lực học đường và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Mô hình do Tổ chức Plan International hỗ trợ triển khai thông qua Văn phòng Plan International tại Việt Nam với tổng kinh phí trong 4 năm qua là khoảng 66 tỉ đồng. Đến nay, mô hình đã mang lại những kết quả tích cực, cụ thể: Năng lực thực hiện chuẩn mực ứng xử văn hóa, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực học đường của các thành viên trong trường học được nâng lên; nhận thức về giới giữa học sinh nam và nữ được cải thiện; nhiều phòng tham vấn tâm lý học đường ra đời, phát huy hiệu quả...
Từ được triển khai thử nghiệm ở 47 trường, đến nay mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” đã được phát triển ra 174 trường và đang tiếp tục được nhân rộng.
Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam Lê Quỳnh Lan khẳng định: “Mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” rất thành công khi tạo ra được môi trường thuận lợi để trẻ em gái, trẻ em trai và giáo viên cảm thấy an toàn hơn trong ngôi trường của mình. Chúng tôi tin rằng với những kết quả đạt được, mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác trên đất nước Việt Nam”.
Tại Quảng Trị, đến nay, có 24 trường ở các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Cam Lộ và TP. Đông Hà đã triển khai mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Mô hình đã giúp nâng cao năng lực cho không chỉ học sinh mà còn giáo viên, phụ huynh; thiết lập và duy trì hoạt động của 20 câu lạc bộ thủ lĩnh; vận hành nhiều phòng tham vấn học đường...
Em Hồ Văn Diệu, học sinh Trường Tiểu học và THCS A Túc, huyện Hướng Hóa cho biết: “Nhờ mô hình mà em và các bạn không còn âu lo về tình trạng bạo lực học đường. Thông qua các hoạt động của mô hình, chúng em được trang bị, trau dồi nhiều kiến thức, kỹ năng”.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được của mô hình; theo dõi những video, tiểu phẩm ngắn phản ánh sự thay đổi tích cực của học sinh, giáo viên khi tham gia mô hình; chia sẻ những kiến nghị, đề xuất...
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD&ĐT Lê Thị Hằng cho biết: “Kết quả thử nghiệm mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là căn cứ để Bộ GD&ĐT xem xét cho việc tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)