Học ngành “hot” chưa hẳn sẽ thành công, sẽ có một công việc tốt, lương cao nếu như không phù hợp với năng lực của thí sinh. Theo các chuyên gia, thí sinh cần tỉnh táo khi chọn ngành học có điểm chuẩn đầu vào cao hay có số lượng đăng ký nguyện vọng lớn.
Tỉ lệ “chọi” cao
Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT mới đây đã công bố thống kê nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2021 qua hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Một số ngành có tỉ lệ nguyện vọng 1/chỉ tiêu cao như sau: An ninh Quốc phòng (566,82%); Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật (210,7%); Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%).
Tuy tỉ lệ “chọi” không thuộc top đầu nhưng nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý vẫn được đánh là “hot” với hơn 1,2 triệu tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển chiếm 32% tổng số đăng ký tất cả các ngành, trong đó có 220.723 nguyện vọng 1.
Thống kê của Vụ Giáo dục Đại học cho thấy Báo chí thông tin đang là ngành học lên ngôi trong thời gian gần đây, ngành An ninh Quốc phòng vẫn giữ vững độ hấp dẫn thí sinh. Nhìn lại năm 2020, điểm chuẩn ngành Báo chí cũng cao nhất kể từ khi tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào năm 2015.
Năm ngoái, thí sinh dự thi ngành Báo chí vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cần đạt 28,5 điểm (trung bình mỗi môn 9,5 điểm) ở tổ hợp C00 mới trúng tuyển. Điểm chuẩn ngành này của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng lên đến 27,5 (trung bình mỗi môn hơn 9 điểm).
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh cũng cần đạt mỗi môn khoảng 8 điểm để có cơ hội trúng tuyển. Điểm chuẩn này gây “choáng váng” với nhiều người bởi trước nay ngành Báo chí ít khi được xếp vào top đầu. Ngược lại, xu hướng trong những năm tới sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp lại các cơ quan báo chí, giảm số lượng các tờ báo.
Đừng chọn ngành theo dư luận!
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa các khoa học cơ bản, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đưa lời khuyên, học sinh, phụ huynh hãy suy nghĩ thật kỹ nếu như chọn ngành nghề bởi vì độ “hot”.
“Trong những ngành có nhiều người đăng ký nguyện vọng, những ngành nghề có điểm chuẩn đầu vào khủng năm học trước có thực sự phản ánh nó là ngành “hot” và gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? Đó là nhu cầu thực sự của xã hội về nguồn nhân lực ngành nghề đó hay chỉ là việc chọn nghề theo dư luận xã hội. Ngành đó thực sự cần nhu cầu nhân lực trong tương lai hay chỉ đang được nhắc lại nhiều lần trên truyền thông tại thời điểm hiện tại”, ông Nam bày tỏ.
Theo vị chuyên gia này, học sinh cần ý thức rằng việc định hướng chọn ngành thời điểm này phải có tầm nhìn đến 5 năm sau khi bạn ra trường thì nhu cầu xã hội có cần đến nó không. Kể cả ngành bạn muốn chọn liên quan đến xu hướng chuyển đổi số xã hội và 4.0 thì cũng không nên ngộ nhận tất cả các ngành đó đều phù hợp với thiên hướng nghề nghiệp và năng lực chuyên biệt của cá nhân mình.
“Các bạn cần rất cẩn trọng không nên lựa chọn nghề dựa trên xu thế mà không tính toán các biến số khác một cách hợp lý. Cần ý thức rằng việc lựa chọn và thi vào các ngành thời thượng sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức vì bị cạnh tranh đầu vào và đầu ra khốc liệt. Nếu lựa chọn không hợp lý, sự đứt gãy sự nghiệp có thể xảy ra trong tương lai”, - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh. Ông Nam cho rằng, ngay khi chọn một ngành hẹp, không nổi trội nhưng thực sự phù hợp với đam mê của bản thân thì sau khi ra trường cơ hội làm việc vẫn rất cao do ít có sự cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các em cũng cần xác định mình chọn học một ngành nhưng sẽ phải đáp ứng làm nhiều nghề ở các vị trí khác nhau. Vì vậy, cần có tinh thần học tập suốt đời, tự bồi dưỡng và nâng cấp bản thân để có thể thích nghi với sự thay đổi của nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực.
Hiện tại cũng có rất nhiều cơ sở đào tạo cung cấp các cơ hội học song bằng, công nhận tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo với nhau. Các bạn học sinh cần tìm hiểu các cơ hội này để mở rộng định hướng về nghề nghiệp cũng như vị trí việc làm trong tương lai.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Duy Phương - giảng viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết, ngay cả ở nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý rất rộng và đào tạo rất nhiều nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng, muốn dễ dàng xin việc tốt, lương cao, muốn thành công, sinh viên phải có khả năng thích ứng cao, năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả, trong đó ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng, là điều kiện mở rộng cơ hội việc làm tốt.
“Ngành nghề nào muốn có thu nhập cao cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động, kiến thức và đam mê.
Rủi ro về mức độ cạnh tranh
Theo đánh giá của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT, việc thí sinh đăng ký tập trung vào 1 số nhóm ngành nên hiểu theo hướng: Nó thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, giai đoạn đó (là ngành hot, thu nhập đang cao), thể hiện nguyện vọng của thí sinh và thể hiện phần nào nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế.
Đây là điều hết thức bình thường, vẫn diễn ra mỗi kỳ tuyển sinh, từ nhiều năm nay. Sự thay đổi xu hướng đăng ký ngành nghề thể hiện sự dịch chuyển của cơ cấu nền kinh tế, nhu cầu thị trường. Vụ Giáo dục Đại học cũng lưu ý với thí sinh, ở những nhóm ngành “hot” thì mức độ cạnh tranh sẽ cao, khả năng trúng tuyển sẽ khó hơn các nhóm ngành khác. Đây là rủi ro, thách thức mà các thí sinh đăng ký các nhóm ngành này cần hết sức lưu ý.
(Nguồn: Báo Lao Động)