Cái đặc sắc làm nên dấu ấn riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương, theo Phan Cẩm Thượng, chính là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, phơi bày nó ra mà “chữa bệnh” cho con người.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời tại nhà riêng chiều ngày 20/3, khoảng một năm sau khi ông bị tai biến vào tháng 3/2020, hưởng thọ 71 tuổi.
Nhiều tên tuổi trên văn đàn xót thương cho ông, một tác giả lớn của văn học Việt Nam, người góp phần đưa văn học, lịch sử Việt Nam ra thế giới nhờ những tác phẩm và giải thưởng quốc tế của mình.
Từ anh giáo Thiệp đến nhà văn lừng lẫy
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20/4/1950 ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Tuổi thơ của ông là những năm cùng gia đình lưu lạc khắp các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Yên… Những trải nghiệm ấy có ảnh hưởng mạnh mẽ lên các tác phẩm của ông.
Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa Sử tại Đại học Sư phạm Hà Nội, về dạy học ở Tây Bắc đến năm 1980. Đó là 10 năm ông “úp mặt vào núi mà đọc sách” (chữ của nhà văn). Ai đã từng đọc Nguyễn Huy Thiệp đều nhớ chùm 10 truyện nằm trong một cái tên chung “Thung lung Hua Tát” (đầu tiên in trên báo Văn nghệ năm 1987 có tên “Những chuyện kể bất tận ở thung lũng Hua Tát”).
Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ năm 1986. Ngay lập tức, ông trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi bởi một giọng văn “phũ,” dám đi đến tận cùng cái ác của con người để mà tiêu trừ nó.
Cách đây vài năm, nhà phê bình Ngô Văn Giá từng đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lên Sơn La, thăm lại nơi ông từng dạy học.
“Từ một anh giáo Thiệp ngày nào, bây giờ đã là một nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lừng lẫy. Trái với sự kiêu bạc thường thấy ở anh lúc sự nghiệp còn đang chói sáng, khi gặp lại Tây Bắc, gặp lại bạn bè, nói chuyện với thầy cô giáo và sinh viên, anh hay nghẹn ngào, có khi anh khóc, giọng khê đặc, mãi mới thốt lên lời,” nhà phê bình kể lại.
Có lần nhà phê bình gọi điện hỏi thăm sức khỏe, ông Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Yếu dần dần rồi. Cũng hợp quy luật. Cứ khỏe mãi cũng nguy chứ ông!”
Nhà phê bình Văn Giá trầm ngâm: “Đúng như cách anh thường hay nói: ‘Hãy sống theo Đạo, trở về với tự nhiên, chứ con người ta, văn chương cũng vậy, nhiều khi hão huyền lắm’.”
Có lẽ bởi ông từng là một nhà giáo nên một trong những chủ đề mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện khá sâu sắc trong truyện ngắn là vấn đề dạy học, rộng ra là giáo dục trẻ em, giáo dục con người.
Phó giáo sư Trần Lê Hoa Tranh (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) từng có cơ hội gặp ông vài lần khi ông đến giao lưu, trò chuyện với sinh viên. Bà nhớ mãi ấn tượng về nhà văn lừng lẫy: “Ngoài đời anh ít nói, nói không hay, không hoạt ngôn, không hóm hỉnh hay loé sáng gì hết. Cứ im im ngồi, thi thoảng nói vài câu. Người như vậy để hết tâm vào con chữ rồi!”
Bà đã đọc văn chương của Nguyễn Huy Thiệp rất nhiều, những trang văn gai góc, không màu mè, xoáy sâu vào tim gan độc giả với những cảnh tình nhiều khi rùng rợn và không tưởng tượng nổi.
“Khi đi dạy sinh viên Mỹ truyện ‘Tướng về hưu’ qua bản dịch tiếng Anh, các bạn rất là thích. Nhiều sinh viên bày tỏ rằng nhờ truyện này mà họ hiểu được cái tâm tình đổ vỡ của người lính hậu chiến, thì ra người chiến thắng cũng mất mát chứ không phải chỉ người thua,” phó giáo sư nói.
Bà cho rằng nếu chọn vài nhà văn lớn nhất nửa sau thế kỷ 20, có lẽ chỉ có Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh (giống như Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn nhất Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 vậy).
“Một kiếp người gian truân, vất vả, nhưng để lại cho đời từng đó tác phẩm hay, âu cũng là phần thưởng xứng đáng,” bà nói.
Khi tướng đã về hưu
“Tướng về hưu” là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Huy Thiệp, đã được dựng thành phim năm 1988. Đây cũng được đánh giá là bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20, làm nên tên tuổi cho nghệ sỹ nhân dân Hoàng Cúc, Hoàng Dũng… sau này.
Chiết tự của chữ “hưu” là người tựa vào gốc cây, nghỉ ngơi an nhàn. Cha đẻ của “Tướng về hưu” lại có tuổi già không mấy an nhàn.
Dễ thấy điều đó qua cuốn tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu.” Đây là tác phẩm rất thành công của ông ở mảng tiểu thuyết, được ông viết từ nguyên mẫu là con trai của mình, đứa con đã làm khổ ông khi bị cơn bão ma túy và cơn bão của thời đại đô thị hóa mạnh mẽ cuốn đi.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một người bạn thân của tác giả “Tướng về hưu,” từng kể cái nghèo ám ảnh cả cuộc đời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Lúc cuối đời, ông cũng rất nghèo. Khi ông đột quỵ lần hai, ông Thọ hỏi thăm thì mới hay gia đình chỉ còn đúng 9 triệu đồng.
Hai con trai ông, Nguyễn Phan Bách làm họa sỹ để cáng đáng cả gia đình còn Nguyễn Phan Khoa nghỉ hẳn ở nhà để trông nom bố bị tai biến.
Dù cả một đời nghèo khổ nhưng những năm tháng cuối đời, ít ra ông được sống trong tình yêu thương, săn sóc của con cháu. Dù không sáng tác văn chương, nhưng ông lại tìm thấy niềm vui ở hội họa. Những lúc khỏe, ông vẫn vẽ và viết thơ trên đĩa gốm tặng bạn bè.
Ấn phẩm cuối cùng trong đời ông là "Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp" do công ty Đông A xuất bản để mừng tuổi 70 của ông, cũng là để ông có thêm chút tiền dưỡng bệnh.
Cuốn sách rất đẹp, do họa sỹ Lê Thiết Cương cùng đứng ra với tác giả tổ chức bản thảo và tập hợp các họa sỹ tài năng vẽ minh họa đủ 42 truyện ngắn mang tính tổng kết đời văn của Nguyễn Huy Thiệp, do chính tác giả tuyển chọn những truyện ông tâm đắc nhất.
Nhà văn rất hài lòng về cuốn sách. Ông cũng tự tay ký vào những bản sách đặc biệt.
Trong cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: “Khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức, mà khó nhất lại là đạo đức; nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho chúng dân.”
Ông cũng đã từng tâm sự rằng khi già đi, ông trở nên khôn ngoan hơn, giỏi kiềm chế, đứng đắn hơn. “Cuộc sống của tôi ổn nhưng nội tâm thì không bao giờ ổn. Nội tâm là thứ bao giờ cũng biến dịch,” nhà văn nói.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20. Theo ông, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là một người viết có văn và có tư tưởng. Trong khi Nam Cao viết rất hay về người nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 thì Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất sắc trong việc viết về con người Việt Nam những năm cuối thế kỷ.
Cái xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp chính là một nhà văn có tư tưởng. Không nhiều nhà văn Việt Nam có được điều này. Và cái đặc sắc làm lên dấu ấn riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương, theo Phan Cẩm Thượng, chính là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, làm một cuộc phẫu thuật vào cái ác của con người và phơi bày nó ra mà “chữa bệnh” cho con người.
Đó là điều mà các nghệ sĩ Việt Nam trước ông nói chung luôn dè dặt không dám bước đến tận cùng. Tuy lột trần cái ác trong con người nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại không bao giờ quên nhìn thấy chất người trong mỗi con người, dù là một tên cướp.
Nói về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn trẻ Nguyễn Trương Quý cho hay đã đọc và ngưỡng mộ ông từ khi còn học phổ thông, bởi các câu chuyện của ông luôn khiến anh phải suy nghĩ về ngôn từ, nhân vật và thế giới.
“Đó không chỉ là câu chuyện về văn học mà là câu chuyện về nhân sinh quan. Trước đây, đọc những câu chuyện lịch sử, chúng ta thường thấy có sự ngợi ca và đề cao đạo đức. Ở Nguyễn Huy Thiệp thì không chỉ như vậy, ông luôn khiến người đọc phải ngạc nhiên về cái nhìn đa chiều, có những nét táo bạo. Ông đề cập đến những khía cạnh rất con người, rất đời,” nhà văn Trương Quý nói.
Trước Tết anh có đến thăm ông. Dù biết trước sẽ có ngày ông rời bỏ cõi tạm nhưng nhà văn Trương Quý không khỏi xót xa, thương tiếc bởi ông là con người nhiều hoài bão và năng lượng.
“Tất nhiên tuổi của ông không còn trẻ nhưng cũng không quá cao niên. Ở tuổi này, ông vẫn có thể có những tác phẩm lớn. Tôi biết ông vẫn còn đang ấp ủ mà chưa có cơ hội hoàn thành,” anh nói thêm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng chia sẻ sự tiếc thương đối với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông cho hay Hội nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức tang lễ cho nhà văn tại Nhà tang lễ Quốc gia, 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
(Nguồn: Vietnam+)