Trước việc Trung Quốc đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá trên biển từ 12 giờ ngày 1/5/2024 đến 12 giờ ngày 16/8/2024 tại vùng biển từ 120 00’ độ vĩ Bắc trở lên đến vĩ tuyến 260 30’ bao gồm cả phạm vi vùng biển vịnh Bắc Bộ, cùng với ngư dân cả nước, từ đầu tháng 5 đến nay, ngư dân Quảng Trị vẫn tiếp tục ra khơi khai thác hải sản bình thường.
Vững vàng vươn khơi
Cảng cá Cửa Việt trong suốt thời gian qua vẫn tấp nập tàu cá của ngư dân ra, vào bán hải sản, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tiếp theo. Xen lẫn trong những câu chuyện nghề của ngư dân là việc năm nào Trung Quốc cũng đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá trên biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Đang hối hả cùng với bạn thuyền bốc thêm đá lạnh để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày, ngư dân Trương Thanh Định ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá QT 99001TS chiều dài 16,75 m, công suất 430 CV cho hay, các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa hay khu vực vịnh Bắc Bộ đều là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Quảng Trị. Thời điểm này lại đang là chính vụ cá Nam, mùa khai thác chính của ngư dân với các loại cá ngừ, cá nục... nên tàu cá của anh nói riêng và trong tỉnh nói chung đều vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
“Trung Quốc cấm biển là việc của họ, chúng tôi chẳng e ngại gì lệnh cấm phi lý đó cả. Nơi nào là lãnh hải của Tổ quốc thì ngư dân chúng tôi đánh bắt thôi. Mỗi con tàu, mỗi ngư dân hiện diện trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam chính là những cột mốc góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, anh Hợp chia sẻ.
Cách đó không xa, đang buộc chặt lá cờ Tổ quốc lên nóc tàu, anh Lương Văn Hợp ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá số hiệu QT 99722TS chiều dài gần 22 m, công suất hơn 900 CV cho biết, thông báo cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đối với ngư dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung là không có giá trị gì cả.
Anh và các bạn thuyền vẫn vươn khơi đánh bắt hải sản bình thường trong ngư trường truyền thống của mình. “Đợt này tàu cá của tôi vẫn khai thác tại ngư trường Hoàng Sa. Bao đời nay ngư dân Quảng Trị vẫn đánh bắt ngoài đó thì nay không có lý gì phải bỏ biển. Ngoài các tàu cá trong tổ đội, ngoài đó còn có các tàu của lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam luôn sát cánh cùng ngư dân để hỗ trợ trước những bất trắc có thể xảy ra”, anh Định cho biết.
Trao đổi với chúng tôi qua máy thông tin liên lạc tầm xa ICOM, ngư dân Bùi Khánh Quốc ở thị trấn Cửa Việt, thuyền trưởng tàu cá QT 93679TS chiều dài 17,6 m, công suất 725 CV cho biết, tàu cá của anh hiện đang khai thác tại ngư trường Bạch Long Vĩ. Khi được hỏi về thông báo cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, anh Quốc cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến tầm này là Trung Quốc lại thông báo cấm biển nhưng tàu cá của anh vẫn vươn khơi đánh bắt.
“Tàu cá xa bờ bữa nay đều được trang bị đầy đủ hệ thống giám sát hành trình, máy định vị, trên đó đều thể hiện rõ vùng biển nào thuộc chủ quyền của Việt Nam nên ngư dân chúng tôi chẳng hề e ngại gì cái lệnh cấm biển phi lý đó của Trung Quốc cả”, anh Quốc nói.
Đồng hành với ngư dân
Chủ tịch UBND xã Gio Việt Lê Ánh Hùng cho biết, toàn xã hiện có 128 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có 40 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đánh bắt xa bờ với tổng công suất 20.460 CV. Trước việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh bắt cá, địa phương đã khẩn trương thông báo cho ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên biển biết và khẳng định thông báo này không có giá trị. Động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển Việt Nam; hướng dẫn ngư dân đánh bắt theo tổ, đội, đoàn khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, toàn tỉnh hiện có hơn 190 tàu cá đánh bắt xa bờ chuyên hoạt động tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra còn có hàng trăm tàu cá ngoại tỉnh đánh bắt cá ở các ngư trường này thường xuyên cập các cảng cá trên địa bàn tỉnh để bán hải sản và tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm.
Ông Vinh cho biết, trước hành động đơn phương thông báo tạm ngừng đánh bắt cá có thời hạn trên biển của phía Trung Quốc nhằm áp đặt quy định mùa nghỉ đánh bắt trên Biển Đông, để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động trên biển, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện ven biển khẩn trương thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển biết, đồng thời khẳng định việc Trung Quốc đơn phương tạm ngừng đánh cá tại vùng biển có phạm vi xác định nêu trên đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và không có giá trị.
Tăng cường giám sát hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá trên các vùng biển thông qua hệ thống giám sát tàu cá, có biện pháp cảnh báo cho các tàu cá khi cần thiết. Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng vùng biển thực hiện quản lý chặt chẽ xuất, nhập lạch của tàu cá hoạt động trong thời gian này.
UBND các huyện ven biển tổ chức phổ biến, hướng dẫn ngư dân biết về chủ quyền của vùng biển Việt Nam để ngư dân yên tâm tham gia khai thác hải sản; động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển Việt Nam và hướng dẫn ngư dân đánh bắt theo tổ, đội, đoàn khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển; “Hiện tại tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh vẫn vươn khơi bám biển đánh bắt thủy sản bình thường”, ông Vinh cho hay.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)