Nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ưu đãi đối với người có công, tỉnh Quảng Trị đã huy động thêm nhiều nguồn lực, phát huy sức mạnh cộng đồng cùng chung sức chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa.
Hiếm thấy ở đâu như Quảng Trị, hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được phát triển thành các lễ hội cách mạng như: “Thống nhất non sông”, “Tri ân tháng Bảy”, “Đêm hoa đăng”…đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và Nhân dân cả nước đến tưởng niệm, ôn lại truyền thống yêu nước, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và cũng không ở đâu như Quảng Trị đã hình thành phong tục rất ý nghĩa, nhân văn của người dân đi viếng nghĩa trang liệt sĩ vào các dịp lễ, Tết hoặc có sự kiện quan trọng của gia đình với tấm lòng thành kính, tri ân công lao của những người ngã xuống vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, bên cạnh nhiệm vụ tái thiết xây dựng lại quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước. Đến cuối năm 2021, có 100% hộ gia đình người có công (26.605 hộ người có công) có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Các phong trào tình nghĩa ở Quảng Trị đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành một hoạt động chính trị-xã hội rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao. Một trong những hoạt động tiêu biểu là phong trào vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Năm 2007, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị phát động phong trào vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực xã hội với tổng kinh phí gần 5,3 tỉ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 300 nhà tình nghĩa cho người có công trên địa bàn tỉnh.
Từ đó đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã huy động được 140,4 tỉ đồng, hỗ trợ xây mới 2.634 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, tổng kinh phí hỗ trợ 119 tỉ đồng. Chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc, toàn bộ 28 Mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định. Tỉnh Quảng Trị đã vinh dự thay mặt Nhân dân cả nước chăm sóc hơn 60.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước một cách chu đáo, thành kính. Hệ thống các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang hơn.
Năm 2021, bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, đã tập trung đầu tư sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ với tổng kinh phí 16 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương trên mọi miền Tổ quốc đã đầu tư, nâng cấp sửa chữa các các công trình ghi công liệt sĩ, với tổng nguồn kinh phí trên 10 tỉ đồng. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân và từ nguồn ngân sách, thực hiện chương trình “Thắp nến tri ân”, “Hoa dâng mộ liệt sĩ” vào dịp 27/7 hằng năm, với tổng kinh phí 5,5 tỉ đồng.
Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh còn được sự giúp đỡ nhiệt thành từ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các địa phương bạn trong cả nước để thực hiện chương trình ‘‘Đền ơn đáp nghĩa’’ như: Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố khác...
Công tác sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được chú trọng. Trong 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư khoảng 212 tỉ đồng cho công tác chăm sóc, nâng cấp, sửa chữa phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; hằng năm huy động xã hội hóa hàng chục tỉ đồng chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo trang nghiêm, thành kính tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ.
Tháng Bảy tri ân hằng năm là dịp cả nước hướng về Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ, chăm sóc thương binh, bệnh binh, Mẹ VNAH, gia đình có công với nước. Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Trị là địa phương duy nhất tổ chức hoạt động Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ, mỗi năm đón tiếp hơn 100.000 lượt người đến thăm viếng, tri ân. Trong tâm thức của người Việt, Quảng Trị với 72 nghĩa trang liệt sĩ có ý nghĩa như bàn thờ của Tổ quốc, nên phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ ở đất này trở thành nét đẹp văn hóa, là nghĩa cử mang tính nhân văn sâu sắc, có tính lan tỏa sâu rộng trong đời sống để tri ân, phát huy truyền thống yêu nước của cha anh đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Quảng Trị Hoàng Tuấn Anh cho biết, tùy theo từng giai đoạn, tỉnh lựa chọn ưu tiên huy động xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực như: Ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ VNAH; tặng sổ tiết kiệm; xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình ghi công liệt sĩ… Các hoạt động xã hội hóa đền ơn đáp nghĩa được công khai, minh bạch nguồn kinh phí huy động; lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ, sử dụng đúng mục đích, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ nên mang lại hiệu quả cao. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng luôn quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, lồng ghép các nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia, trở thành phong trào thi đua, nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên xã hội hóa công tác quy hoạch, cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn xứng đáng với tầm vóc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, qua đó góp phần tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ, đồng thời tạo điểm nhấn giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; xã hội hóa sửa chữa, nâng cấp tường rào, sân vườn, cây xanh, nhà bia ở các nghĩa trang liệt sĩ cấp xã bị xuống cấp, đặc biệt là ở vùng ngập lụt, vùng sâu, vùng xa…
Trong khi ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được yêu cầu duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ thì công tác xã hội hóa đền ơn đáp nghĩa với trách nhiệm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cần được tiếp tục khơi dậy và phát huy, trở thành nét đẹp văn hóa riêng của vùng đất thiêng Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)