Việc xây dựng mô hình “ Thư viện thân thiện” trong trường học là một trong những nội dung đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông được ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị triển khai từ đầu năm học 2019-2020 bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Ngoài việc giúp các em học sinh có thể thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng, thư viện còn là nơi giúp các em xây dựng kỹ năng đọc và tìm hiểu sách một cách thuận lợi nhất.
Là một trong những ngôi trường đầu tiên thực hiện mô hình trên địa bàn tỉnh, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (Đông Hà, Quảng Trị) đã xây dựng thư viện thân thiện hết sức phong phú với hơn 1000 đầu sách được chia thành nhiều kệ đặt phân biệt theo từng màu sắc được quy định sẵn. Đó là sự đầu tư hiệu quả của nguồn ngân sách nhà trường và sự đóng góp xây dựng của các thế hệ giáo viên và học sinh, từ khi có thư viện này, học sinh trong trường đã dần có thói quen đọc sách trong mỗi giờ ra chơi.
Em Bùi Đức Dũng, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “ Em rất vui từ khi nhà trường triển khai thư viện này, đến với “ Thư viện thân thiện”, em không chỉ tìm được những cuốn sách hay, bổ ích, phục vụ cho việc học cũng như phát triển những kỹ năng trong cuộc sống. Mà tại đây, em và các bạn có thể thư giản sau những giờ học mệt mỏi với những trò trơi dân gian, trí tuệ được các cô bày sẵn trong phòng…”
Với không gian thư viện thân thiện, việc lựa chọn sách tiện lợi và phù hợp với từng lứa tuổi đã thu hút các em học sinh mỗi khi đặt chân đến đây. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đọc, ngoài việc các em tự tìm tòi học hỏi, nhiều trường còn tổ chức các tiết học tại thư viện theo các khung giờ đã quy định. Kết thúc mỗi tiết học, các em còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo mở rộng như: thảo luận truyện, viết và vẽ truyện tranh theo từng chủ đề yêu thích.
Cô Lê Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành cho biết thêm: “ Mô hình “ Thư viện thân thiện” đã có sự thay đổi hết sức tích cực trong nhà trường cũng như trong cộng đồng. Học sinh đến đây đã có thói quen đọc sách và số lượng học sinh mượn sách về nhà đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt là chất lượng các môn học như: tập làm văn, tập đọc, kể chuyện, mỹ thuật… ngày càng được nâng cao. Nhờ thông qua các tiết đọc thư viện, mà những kỹ năng, phẩm chất của các em học sinh cũng được hình thành và phát triển…”
Mặc dù đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng mô hình “ Thư viện thân thiện” ở các trường học trên địa bàn tỉnh đã góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình thành văn hóa đọc cho học sinh. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện tốt cuộc vân động “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
(Nguồn: QRTV)