Ý tưởng bảo tồn cây Bồ Hòn và sản phẩm hữu cơ Enzym Bồ hòn đã được ông Hoàng Anh Quyết (65 tuổi, sống tại TP. Đông Hà, Quảng Trị) và người cộng sự anh Hoàng Hoài Phương (con ông Quyết, 26 tuổi) có ý tưởng hình thành từ đầu năm 2019.
Một lần tình cờ xem được video của nhà báo Thu Uyên về cây Bồ hòn, hai bố con thấy sự cần thiết và bền vững nên bắt tay vào tìm tòi, qua nguồn internet và các bài nghiên cứu, được biết cây này có khá nhiều ở Thái Lan và người dân cũng sử dụng rất nhiều. Quá trình tìm hiểu, biết được bà Dr. Rosukon Poompanvong – một giáo sư chuyên về sinh học và enzym. Qua trao đổi, liên lạc nhiều lần, biết được công thức lên men enzym Bồ Hòn nên đã tiến hành làm thử. Quá trình đầu tư nhiều thời gian và công sức để làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh.
Enzym Bồ hòn có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như bảo quản được lâu, giặt đồ không bị ố vàng, ngâm ủ cùng các loại trái cây tốt cho da tay và có thể xua đuổi côn trùng, ruồi muỗi.
Anh Hoàng Hoài Phương chia sẻ: “Ngày nay quả Bồ hòn không còn phổ biến, ngay giai đoạn tìm hiểu cũng đã gặp khó khăn. Quá trình tìm hiểu sinh trưởng của cây, xem cây này có khả năng tồn tại với thổ nhưỡng khí hậu của Quảng Trị hay không? Được giới thiệu từ phía Kiểm lâm, tôi đã tìm tới các vùng miền núi của tỉnh như bắc Hướng Hoá, Đakrông, được biết cây Bồ hòn đã từng tồn tại nhưng bị chặt bỏ do quá trình phát triển kinh tế và trồng rừng. Sau đó mình có tìm sang Savanakhet, Pakse (Lào) và gần đây nhất là vào Tây Nguyên để tìm hiểu và tìm cách ươm giống cây. Quá trình đi ở Tây Nguyên tôi cảm thấy cách người ta khai thác hiện nay quá là tận diệt, họ sẵn sàng chặt cành, thậm chí chặt cả cây để khai thác vì cơ bản cây mọc giữa rừng, ai thấy thì của người đó. Do đó, tôi càng quyết tâm phải mang cây này về địa bàn Quảng Trị để vừa bảo tồn được giống cây quý, vừa chủ động nguyên liệu và có lợi ích kinh tế”.
Hiện nay, đầu ra của sản phẩm cũng là một nút thắt khó khăn vì thị hiếu của người dùng và thói quen sử dụng. Sản phẩm enzym Bồ hòn là một sản phẩm tự nhiên nên nó tuyệt đối an toàn, lành tính… Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân là một quá trình lâu dài cần xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại lớn.