"Kết nối dự án này với dự án Căn cước công dân, dự kiến giai đoạn hai sẽ về đích vào 1/7", Thiếu Tướng Tô Văn Huệ, thông tin.
Trao đổi với VnExpress, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, gệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng, hoàn thiện vào tháng 7 tới đây sẽ giúp các cơ quan giải quyết nhiều loại thủ tục không cần hộ khẩu giấy.
"Dự án cũng bước đầu thí điểm chia sẻ, kết nối từ Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an với các địa phương như TP Hà Nội, TP HCM, Hòa Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng và một số bộ ngành, để khai thác dữ liệu phục vụ công dân trong việc làm thủ tục hành chính. Ở giai đoạn hai, dự án sẽ tiếp tục thu thập, hoàn thiện dữ liệu dân cư; kết nối dự án này với dự án Căn cước công dân, chia sẻ toàn bộ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc. Dự kiến giai đoạn hai sẽ về đích vào 1/7", ông Huệ thông tin.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam, như họ tên, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân... Các thông tin này được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là hệ cơ sở dữ liệu duy nhất và đặt tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an, kết nối thống nhất, đồng bộ đến công an các địa phương.
Ông Huệ nhấn mạnh: Yêu cầu đối với hệ cơ sở dữ liệu này là "đúng, đủ, sạch và sống", nghĩa là nó phải luôn được cập nhật. Hôm nay công dân ở Thanh Hóa, ngày mai chuyển đến thường trú tại Hà Nội, thì trường thông tin về "nơi ở hiện tại" phải được cập nhật".
Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay mà Bộ Công an được giao đảm nhiệm, triển khai thu thập thông tin rộng khắp từ Trung ương đến cấp xã, phường từ các nguồn như sổ sách quản lý về cư trú, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu căn cước công dân..., và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Đến nay dự án cơ bản hoàn thiện giai đoạn đầu của việc đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ từ Trung ương tới địa phương; đồng thời, thu thập thông tin cư dân với trên 95% dân số. Khi dự án được hoàn thiện, tất cả giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu được bãi bỏ, thay thế. Việc đi xin xác nhận lý lịch, giao dich nhà đất, xin học cho con..., sẽ không cần đến hộ khẩu giấy nữa.
Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến. Dù vậy, cần hiểu rằng bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú, mà chỉ chuyển thừ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử.
Vì vậy, người dân cần tự giác khai báo khi có thay đổi liên quan đến cư trú, thay đổi các dữ liệu cá nhân như tình trạng hôn nhân..., để làm sao các trường thông tin về mỗi người trên hệ thống đều chính xác.
Dữ liệu này không chỉ phục vụ riêng cho lực lượng Công an mà tiến tới dùng chung, kết nối với các Bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc. Hệ thống dữ liệu cũng không dừng lại ở các trường thông tin cơ bản mà sẽ mở rộng, tích hợp thêm thông tin bảo hiểm, ngân hàng, bằng lái xe... của mỗi người dân. Thông tin của công dân trong hệ thống này được đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối.
Việc khai thác thông tin chỉ khi nhằm phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Nghĩa là các cơ quan được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không được khai thác các dữ liệu khác ngoài phạm vi. Việc khai thác thực hiện thông qua các hình thức như kết nối mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc có văn bản yêu cầu và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
(Nguồn: Phụ nữ mới)