Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Tiệc trà trong tối 31/10.
Tối 31/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Tiệc trà.
Theo tờ Nhật báo Trung Quốc, trà là biểu tượng của văn hóa và lòng hiếu khách của người Trung Hoa. Truyền thống văn hóa của người Trung Quốc khi gặp gỡ bạn bè là uống trà và đàm đạo, trao đổi ý kiến.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn trà là món đồ uống trong nhiều dịp ngoại giao quan trọng để vừa để quảng bá văn hóa trà truyền thống Trung Quốc vừa thể hiện triết lý của nước này trong ngoại giao. Trà là một đại sứ văn hóa của Trung Quốc và bản thân ông Tập Cận Bình cũng rất yêu thích trà.
Năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng mời tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau cuộc gặp chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Trung Quốc. Đây là tiệc trà lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo và cả hai đã cùng đàm đạo về văn hóa trà của hai nước.
Trong buổi tiệc trà này có một loại trà cực đắt đỏ có tên gọi là Đại hồng bào. Đại hồng bào là một loại trà lấy từ cây trà mọc trên dãy núi Vũ Di ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Trà có hương thơm hoa lan, cánh trà trông giống sợi dây thừng thắt chặt hoặc hơi xoắn, có màu xanh và nâu.
Đại hồng bào ngon nhất là hái từ những cây trà cổ thụ, lâu đời nhất trên dãy núi Vũ Di, được gọi là cây trà mẹ (ngàn năm tuổi). Chỉ còn lại sáu cây trà mẹ trên vách đá Cửu Long Cốc thuộc dãy Vũ Di, theo cuốn sách “Hướng dẫn mua và thưởng trà” (Công ty Xuất bản Đoàn kết Bắc Kinh, mã số ISBN 9787550260139).
Sở dĩ Trà được gọi là Nham Trà Vũ Di Sơn, ý muốn nói chúng mọc trên những vách đá (nham thạch) cheo leo trên đỉnh Vũ Di. Đại Hồng Bào mang nghĩa là “tấm áo bào màu đỏ”” mà một vị Quan huyện đã từng dâng lên thần linh để tạ ơn khi được chữa khỏi bạo bệnh.
Sau khi pha, nước trà có màu vàng cam, sáng và trong, có thể giữ được hương vị sau chín lần pha (một số người nói rằng, lần pha thứ ba và thứ tư đem lại hương vị ngon nhất). Cách truyền thống để pha Đại hồng bào là dùng ấm tử sa và nước vừa sôi (100 độ C), theo cuốn sách “Giới thiệu về trà và trà đạo của Trung Quốc” (Nhà xuất bản Công nghiệp điện tử ở Bắc Kinh, mã số ISBN 9787121202988).
Năm 2006, chính quyền thành phố Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến bảo hiểm sáu cây mẹ này với mức giá 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 342 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2022). Cùng năm đó, chính quyền thành phố quyết định cấm hái lá trà từ cây mẹ để phục vụ mục đích cá nhân, theo cuốn sách “Tôi thích uống trà ô long” (Nhà xuất bản Công nghiệp điện tử ở Bắc Kinh, mã số ISBN 9787121178443).
Theo lịch sử dân gian kể lại, trong triều đại nhà Đường, Trà Đại Hồng Bào đã từng là một món quà được sử dụng để làm quà tặng, biếu. Sang đến thời kỳ Nhà Nguyên, loại trà chất lượng cao này đã được phân loại và lựa chọn làm cống phẩm hàng đầu.
Trà Đại Hồng Bào được mang bán đấu giá cho người sành chơi, nhưng mỗi lần cũng chỉ có vẻn vẹn 20gr và không lần nào giá bán thấp hơn 20.000 USD. Muốn thưởng thức Đại Hồng Bào, người ta chỉ còn cách mua loại trà của những cây con được nhân giống từ 6 cây trà cổ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)