Hải Lăng sâu thẳm mạch nguồn

Đào Tâm Thanh |

Vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc, dải đất Hải Lăng là phần đất của bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Qua bao biến thiên của thời cuộc, sự trung trinh như nhất, nền văn hóa sâu dày và phẩm tính bền gan, vững chí của mảnh đất và con người Hải Lăng đã góp phần kiến tạo nên mạch nguồn sâu thẳm của quê hương nơi vùng cực Nam Quảng Trị.

 
Di tích đình làng Câu Nhi và danh nhân Bùi Dục Tài ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.T.T 
      

Hải Lăng, ngay từ thời khai thiên lập địa đã nổi danh là vùng đất có cảnh quan thơ mộng, hình thế núi sông kỳ vĩ, sản vật đa dạng và độc đáo. Trong bức tranh tươi đẹp của quê hương Quảng Trị từ ngàn xưa, Hải Lăng vẫn tạo được những điểm nhấn làm say đắm lòng người mà các nhà khoa học nổi danh ngày trước như Lê Quý Đôn, Dương Văn An, nhiều sách cổ như Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục, Ô châu cận lục từng nhắc tới: “Phía Đông đến biển nhỏ, phía Tây nhiều núi rừng, thế nước bao quanh, hình núi ôm bọc, danh sơn thì có núi Tá Linh, động Ba Màn, đại xuyên thì có sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định; sơn bảo thì có trấn lao Cam Lộ; hải tấn thì có Tùng Luật, Việt Yên; lại có sa động dài lớn theo bờ biển chạy vào phía Nam, nghiễm nhiên thành một sa thành ứng hộ. Thật là một nơi hình thắng ở chốn kỳ khu vậy” (Đại Nam nhất thống chí).

Những phong tục nền nã, sản vật giàu có của Quảng Trị, trong lòng Quảng Trị là vùng đất Hải Lăng cũng được trìu mến ghi lại như một sự nhắc nhớ, vinh danh trong dặm dài mở cõi, dựng nước: “Xã Đạo Đầu học đạo có công, xã Văn Phong tập tục thuần mỹ. Ruộng đất xứ An Nhân mở rộng thì khu đụn chứa đầy, cá nước xã An Lạc ngon lành thì trâu bò béo tốt.

Giấy làng Phương Lang lớn hơn bức tường, thóc làng Đan Quế chất đống như gò. Làng Đông Dương nhân nước cạn đào ao để bắt tôm cá, làng Đan Quế nhân gió rét lấp hang để đâm lợn rừng...Đường làng Cổ Kinh đi thuyền rất tiện, dân xã Ôn Tuyền phong tục rất hay...” (Ô châu cận lục- Dương Văn An).

Mùa hè năm 2014, trong một dịp xuôi thuyền về cuối hạ lưu sông Ô Lâu, chạm đất làng Phú Kinh, thuộc xã Hải Hòa (cũ), tôi có may mắn được các bậc cao niên trong làng chia sẻ về nội dung của bản khoán ước ra đời từ thế kỷ 18, là một trong những bảo vật quốc gia của tỉnh Quảng Trị.

Bản khoán ước được soạn thảo vào thượng tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng (1774), được khắc bằng chữ Hán trên một tấm gỗ lim dài 2,4 m, rộng 0,35 m và dày 0,06 m. Khoán ước làng Phú Kinh có nhiều quy định về việc cấp ruộng đất công làng, xã dưới hình thức “ruộng Vĩnh Nghiệp” nhằm mục đích khuyến nông và bảo đảm đời sống cho Nhân dân; giáo dục cộng đồng; khuyên răn làm ăn...

“Sống với nhau trong xã hội cũng cần phải cố gắng xây dựng mối thuận hòa, kính già yêu trẻ, thương kẻ côi cút tật nguyền, giúp nhau khi đau ốm, cứu nhau khi hoạn nạn, chớ khinh người nghèo hèn yếu đuối. Luôn giữ mình trong sạch. Chớ nên làm những điều lợi mình hại người”- bản khoán ước khuyên người dân như thế về việc xây dựng nếp sống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng.

 
 Một nét quê bên dòng Ô Lâu, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.T.T
 

Về sự học, bản khoán ước nêu rõ: “Việc du học của con em trong xã thì từ 15 tuổi trở lên cứ 3 năm 1 kỳ mở lớp sát hạch. Tùy theo mức độ cao thấp mà đánh giá kết quả. Ví dụ như thuộc được kinh truyện một vài thiên, có am hiểu văn nghĩa, thông thạo kinh nghĩa, biết làm văn thể tứ lục, có mức độ khen thưởng, miễn khỏi đi sưu. Có làm được như vậy mới động viên được kẻ sĩ, mới phát huy được sĩ khí văn phong”...

Được các bậc cao niên giảng giải khái quát nội dung bản khoán ước làng Phú Kinh, khi nghe đến đây tôi chợt nhớ và thấm thía đến tận cùng câu nói của Thomas Carlyle, nhà triết học người Scotland: “Trái tim yêu thương là điểm bắt đầu của mọi tri thức” và câu ngạn ngữ Anh hay nhất mọi thời đại: “Tri thức là sức mạnh”.

Chính tình yêu thương, đùm bọc nhau đằm sâu và sự học được nâng lên thành “đạo học” đã khiến cho người Hải Lăng qua nhiều thế hệ được đắp bồi thêm dũng khí và sức mạnh để giữ làng, giữ nước, chế ngự thiên nhiên, chiến thắng thiên tai, dựng xây cuộc sống bền vững muôn đời, tạo nên bản sắc của một vùng văn hóa đậm tính khu biệt.

Ở một khía cạnh khác, với bất cứ một địa phương nào thì ẩm thực đều có một vị trí quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất đó. Những món ăn đều chứa đựng thông điệp đối với người thưởng thức, truyền tải những tình cảm của người tạo ra món ăn đến với bạn bè, du khách.

Còn nhớ cách nay đã lâu tôi có dịp đưa người bạn đồng nghiệp bên kia dãy Trường Sơn về Quảng Trị thưởng thức đặc sản quê nhà. “Bánh ướt Phương Lang/Cháo bột Kẻ Diên/Canh ám làng Lam/ Mắm đam Trà Trì...”, câu đồng dao đưa chân chúng tôi đến với Phương Lang, một ngôi làng thuộc xã Hải Ba, huyện Hải Lăng.

Khi đến chợ Phương Lang, ghé quán bánh ướt dì Si, thực khách dường như đã cảm nhận được sự tinh túy có ngay trong dĩa bánh ướt trắng ngà, mềm, dai, thơm nức mùi gạo ngon của quê hương Hải Lăng. Heo nuôi tại chuồng quanh vùng, ăn toàn cám gạo với cây chuối xắt nhỏ nên thịt ba chỉ mới luộc xong, tỏa một hương vị hấp dẫn khó cưỡng.

Bát tương ớt pha với nước mắm Mỹ Thủy nguyên chất làm cho bánh ướt Phương Lang thêm đậm đà. Ăn cay đến như người Lào mà khi chấm bánh ướt nước mắm Phương Lang, bạn cũng trào nước mắt. Bạn nói không phải cay đến mức đó đâu, nhưng rưng rưng vì yêu thương Hải Lăng quê bạn ni đó!

 
 Làng quê Hải Sơn, Hải Lăng - Ảnh: Đ.T.T
 

Tôi cũng có dịp đưa bạn vào xứ Kẻ Diên thưởng thức đặc sản cháo bột “vạc chờng”. Gạo của vùng trọng điểm lúa Hải Lăng được xay, giã, dần, sàng, chọn kỹ nghiền thành bột, nhồi sú với nước ấm rồi cắt thành từng thanh nhỏ, nấu với cá lóc đồng. Chút tiêu bột, ớt bột, ớt dầm nước mắm và cả “một trời” cọng ném tươi cắt nhỏ ngự trị trong bát cháo bột cá thơm nhức mũi.

Múc một thìa, hai thìa, ba thìa, mồ hôi trên mặt bạn đã lấm tấm, má ửng hồng, thêm thìa nữa, nước mắt đã chực trào ra. Bạn thưởng thức đặc sản quê tôi mà tâm thế như người làm ra hạt lúa, có cực nhọc, cay đắng, ngọt ngào và hạnh phúc quá đỗi!

Đầu xuân Ất Tỵ, tôi lại cùng người thân về thăm quê hương. Đường về Hải Lăng bây giờ xanh lắm. Mảnh đất từng một thời “mồ chen thôn xóm, cát trắng ven đường máu hoen” ám ảnh trong ca từ bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương bây giờ đã khoác lên màu áo mới, tươi tắn và tràn đầy hy vọng, đẹp như hai câu thơ của nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung, người con của quê hương Hải Lăng:

Làng trong tôi là tháng năm xa cách

Về thăm quê tay bắt mặt mừng

Hạnh phúc reo trong từng ánh mắt

Cội nguồn ơi! Lòng cứ rưng rưng...

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Hải Lăng phát triển toàn diện, hướng tới huyện trọng điểm về công nghiệp

|

LÊ ĐỨC THỊNH - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng

Với mục tiêu trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng huyện Hải Lăng ngày càng giàu đẹp

|

NGUYỄN KHÁNH VŨ - TUV, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng

Ngược dòng lịch sử, từ giữa năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, Nhân dân Hải Lăng một lòng theo Đảng, tham gia kháng chiến, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước giành thắng lợi trong các cao trào cách mạng và giành chính quyền trong toàn phủ vào ngày 23/8/1945. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, quân và dân Hải Lăng đã đem hết tinh thần, lực lượng đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, góp phần hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến, đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp.

Những trận đánh không quên trên mặt trận giải phóng Hải Lăng

Quang Hải |

Lịch sử chiến đấu giải phóng Hải Lăng vùng đất cuối cùng của quê hương Quảng Trị khắc ghi muôn vàn chiến công oanh liệt. Trong những ngày âm vang lịch sử vọng về, tôi đã tìm đến các nhân chứng là chiến sĩ an ninh và cán bộ cách mạng ngày ấy để được nghe họ kể về những trận chiến vang dội trên mặt trận giải phóng Hải Lăng.